Một chương trình khảo sát và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Gò Nổi với mô hình thí điểm làng Cẩm Phú, xã Điện Phong vừa được UBND thị xã Điện Bàn tổ chức, nhằm trả lời câu hỏi Điện Phong và rộng hơn là Gò Nổi có thể phát triển du lịch theo hướng nào.
Du lịch Gò Nổi rất có tiềm năng và cơ hội để phát triển du lịch. Ảnh: K.LINH |
Giấc mơ du lịch
Là một trong 3 xã của Gò Nổi, Điện Phong được bao bọc bởi con sông mẹ Thu Bồn thơ mộng và sở hữu nhiều di tích, danh thắng đẹp. Từ Hội An khách có thể di chuyển dọc sông Thu Bồn qua cầu Mống và ghé bến đò Gò Đình. Từ đây khách có thể bách bộ hoặc di chuyển bằng xe đạp tham quan làng với các địa danh như đình Cẩm Lậu, khu tưởng niệm Hải Đà, bàu Lỡ, làng trồng hoa Phú Bông, những cánh đồng, bãi bồi ven sông và các làng nghề… Khách cũng có thể mở rộng không gian tham quan, trải nghiệm đến các làng quê, danh thắng toàn vùng Gò Nổi để cảm nhận các giá trị văn hóa, cảnh quan của một trong những vùng quê đặc trưng xứ Quảng.
Trong chuyến khảo sát du lịch Điện Phong ngày 17.1 vừa qua, hầu hết doanh nghiệp du lịch đều đánh giá cao tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch của vùng Gò Nổi. Ông Trần Viết Tám – Giám đốc Công ty TNHH MTV Giang Hải cho rằng, phát triển du lịch theo hướng nông nghiệp sạch dựa vào lợi thế với điểm dừng chân gắn kết 2 di sản văn hóa thế giới Hội An – Mỹ Sơn bằng đường thủy là phù hợp và có triển vọng. Hiện công ty ông xúc tiến đầu tư một dự án du lịch vào Gò Nổi, diện tích gần 100ha, kinh phí đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Dự án đã được quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đang chờ quy hoạch chi tiết 1/500. Dự kiến sau 5 năm triển khai dự án sẽ đi vào hoạt động.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ý định phát triển du lịch Gò Nổi đã phôi thai từ vài năm nay, gần nhất là năm 2015 khi thị xã tổ chức khảo sát tiềm năng tài nguyên du lịch khu vực này. “Chúng tôi xác định du lịch Điện Phong nói riêng và Gò Nổi nói chung là du lịch gắn với sinh thái, văn hóa và dựa vào cộng đồng, đặt lợi ích của người dân lên trên, trước cả lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích nhà nước. Hiện thị xã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát để xem xét cắt giảm các thủ tục không cần thiết, kể cả các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào đầu tư” - ông Hà nói.
Tìm hướng đi cho du lịch Gò Nổi
Ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty Jack Tran Tours cho rằng, để du lịch Gò Nổi phát triển phải đầu tư hạ tầng cơ sở như giao thông bến bãi..., tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. “Dưới góc độ doanh nghiệp tôi nghĩ có thể tổ chức tour lên đây vì các đối tượng khách châu Âu, châu Úc vẫn thích những vùng xa Hội An. Chưa kể, người dân nơi đây còn khá chân chất, mộc mạc, nên việc mở rộng du lịch lên hướng Gò Nổi về lâu dài sẽ phát triển. Đặc biệt, nếu phát triển du lịch theo hướng trồng rau sạch và trồng dâu nuôi tằm thì rất tốt. Trong đó, trồng dâu nuôi tằm là một tour độc đáo. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề, từ thời gian, cơ chế, pháp lý… Nếu quyết tâm vẫn làm được, chúng ta có thể đưa khách về đây bằng ô tô sau đó đi xe đạp, xe máy về vùng ven để trải nghiệm cuộc sống người dân. Ngoài ra, cũng có thể tổ chức du lịch đường sông cho du khách lưu trú trên thuyền” - ông Khoa phân tích.
Theo ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Công ty TNHH Trải nghiệm sinh thái E Tour Hội An, dù các điểm Gò Nổi vẫn còn mờ nhạt nhưng vẫn có thể làm du lịch được nếu biết ghép tuyến điểm phù hợp như xây dựng nơi đây thành điểm dừng chân trên tuyến Hội An - Mỹ Sơn; khách về đây dừng chân dùng cơm trưa sau đó trải nghiệm khung cảnh làng quê trong khoảng thời gian nhất định. “Chúng ta có thể làm được nhưng Nhà nước cần phải có sự đầu tư và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Theo tôi, cái thiếu nhất hiện nay là sản phẩm, còn hạ tầng thì tương đối tốt, kể cả kết hợp đường thủy và đường bộ sẽ tạo ra sự khác biệt so với dòng sản phẩm khác” - ông Hà nhìn nhận.
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, Gò Nổi sẽ phát triển du lịch, nhưng thời điểm nào mới quan trọng. Do đó, trước mắt phải đầu tư vì khu vực này gần như hoang sơ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nên đầu tư cho du lịch hay đầu tư thứ khác để làm du lịch. Đơn cử, đầu tư nông nghiệp để làm du lịch cũng là một hướng, như làm rau sạch, ươm tơ dệt lụa, rồi làng nghề… từ đó tạo sản phẩm cho du lịch. “Thật ra, nói phát triển du lịch một cách đơn giản là khó và nhiều nơi đã thất bại. Theo tôi, có thể đầu tư tất cả lĩnh vực để người dân có được nghề và thu nhập, giải quyết công ăn việc làm. Sau khi người dân đã có đủ trình độ nghề và nhận thức về phát triển du lịch, cùng với đảm bảo các điều kiện về hạ tầng thì sẽ kêu gọi đầu tư, mở tour tuyến du lịch” - ông Tường nói.
KHÁNH LINH