(QNO) - Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực Quảng Nam dự kiến diễn ra trong những ngày 27.4 - 29.4 tại huyện Hiệp Đức đã thống nhất được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Hội chợ được Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện Hiệp Đức tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng địa phương. Đây là cơ hội tốt để các DN, cơ sở khôi phục và mở rộng sản xuất sau thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Quy mô lớn
Các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn và các sản phẩm chủ lực khác của tỉnh Quảng Nam được người tiêu dùng ưa chuộng, có thị trường ổn định, đem lại thu nhập khá cho các DN, bước đầu khơi thông thế mạnh, tiềm năng ở các làng quê. Tuy vậy, với sự đa dạng các sản phẩm nhập khẩu, hàng hóa “made in Quảng Nam” chịu sức cạnh tranh rất lớn.
Hội chợ diễn ra ở sân vận động Hiệp Đức (thị trấn Tân Bình) trong những ngày tới là hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu, giúp các cơ sở, DN có thị trường rộng mở hơn.
Ông Đặng Ngọc Sô - Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hiệp Đức cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức hội chợ đã sắn sàng. Trong số 60 gian hàng trưng bày, triển lãm, đã có sự thống nhất tham gia của nhiều DN, cơ sở trên địa bàn huyện để bố trí 30 gian hàng. Trong quá trình diễn ra hội chợ sẽ có tọa đàm giữa các cơ sở, DN với các hiệp hội, nhà phân phối lớn, qua đó quảng bá hàng hóa, kết nối giao thương, mở rộng thị trường để các sản phẩm chủ lực có thể “phủ sóng” trên địa bàn toàn quốc.
“Hơn ai hết, các cơ sở, DN hiểu tầm quan trọng của tham gia hội chợ lần này sau thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, sản phẩm eo hẹp thị trường, kết nối cung cầu gián đoạn” - ông Sô nói.
Chị Bùi Thị Nguyệt - Tổ trưởng Tổ hợp tác Dầu tràm Linh Vũ (xã Bình Sa, Thăng Bình) cho biết, chị rất vui mừng tham gia hội chợ. Dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua gây thiệt hại cho tổ hợp tác. Tham gia hội chợ sẽ giúp chị khôi phục và tạo đà phát triển sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ hơn trong thời gian đến. Ngoài quảng bá, giới thiệu hàng hóa, còn được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các DN, cơ sở khác để đổi mới công nghệ sản xuất dầu tràm tiến bộ hơn.
“Tôi chưa bao giờ thỏa mãn với những gì đạt được nên rất cso tinh thần cầu thị. Dịp này ngoài tìm kiếm thêm thị trường, tôi còn muốn cọ xát, giao lưu, trao đổi với các DN, cơ sở ở các địa bàn khác nhau trong tỉnh để làm mới thêm cho hàng hóa” - chị Nguyệt nói.
Hỗ trợ xúc tiến thương mại
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết, nhận thấy sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn đối với hàng hóa chủ lực Quảng Nam, ngành công thương đã có nhiều hỗ trợ trong xúc tiến thương mại. Cụ thể, phối hợp với ngành nông nghiệp, các địa phương để phát triển, nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như hỗ trợ các cơ sở, DN tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; tham gia các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành phố; giới thiệu và tham gia các hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước.
Qua bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã tạo động lực để các cơ sở, DN phấn đấu cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác, nhất là chất lượng hàng hóa để rộng mở thị trường.
Theo ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, cùng với tổ chức hội chợ, sắp đến, sẽ hỗ trợ các cơ sở, DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Các cơ sở, DN cần nỗ lực quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở các điểm bán hàng trong, ngoài tỉnh cũng như chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Nam.
Cạnh đó các DN, cơ sở cần tận dụng triệt để các kênh bán hàng trực tuyến và trực tiếp để rộng mở thị trường. Phát huy các thành quả đạt được, làm mới, nâng tầm cho sản phẩm là bước đi cần thiết để hàng hóa đến với đông đảo khách hàng trong phạm vi cả nước và xuất khẩu.
Nhiều DN, cơ sở bỏ quên truyền thông, quảng bá sản phẩm
Có thực tế là không ít sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn chưa phát huy được hiệu quả và giá trị, trong đó có nguyên nhân chính là các DN, cơ sở “quên” truyền thông. Có cơ sở cho rằng đã là sản phẩm OCOP thì sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, mặc dù các sản phẩm đó còn mới trên thị trường và chưa tạo dựng thương hiệu. Do vậy, truyền thông, quảng bá là khâu quan trọng của các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn sau khi được công nhận thay vì “tự bơi” trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.