Dù sở hữu lượng lớn các loại nông sản sạch, an toàn và đã tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng việc xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu các sản phẩm này ra thị trường tại Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, làng nghề nước mắm sạch Cửa Khe (Bình Minh, Thăng Bình) rất chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. |
Đây là nhìn nhận được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo chuyên ngành Xúc tiến quảng bá và giới thiệu sản phẩm hữu cơ, nông nghiệp sạch tại Quảng Nam, vừa diễn ra hôm qua 19.7. Hôm nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng Hiệp hội Doanh nghiệp và các đại biểu của Quảng Nam sẽ tiếp tục tham dự Diễn đàn “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Tiềm năng
Ông Lê Thương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, các địa phương trong tỉnh bước đầu đã xây dựng thành công một số mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch có hiệu quả, an toàn và sản xuất theo chuỗi giá trị. Các mô hình rau hữu cơ Thanh Đông, Trà Quế tại Cẩm Hà - Hội An; rau hữu cơ Điện Phương, gạo hữu cơ, an toàn Phong Thử - Điện Bàn; gạo đen theo hướng hữu cơ - HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý - Thăng Bình; rau VietGAP, an toàn Mỹ Hưng tại Bình Triều - Thăng Bình; Rau an toàn Bàu Tròn - Đại An... hay các chuỗi sản phẩm an toàn, hữu cơ: đậu phụng, bò, rau của HTX Nông nghiệp Điện Quang - Điện Bàn... bước đầu đã xây dựng được thương hiệu. Các loại cây bản địa như giống ớt A Riêu ở Đông Giang, chăn nuôi heo bản địa, ngan địa phương ở vùng miền núi; thủy sản thì có nuôi ghép tôm sú với cá dìa kết hợp trồng rong câu chỉ vàng tại Hội An, Núi Thành… cũng được người tiêu dùng chú ý.
Quảng Nam cũng đang nổi lên như một địa phương có lợi thế về phát triển cây dược liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ như sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm, sa nhân và đinh lăng... chủ yếu tại các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang và Phước Sơn. Tại một số địa phương cũng đã phát triển sản xuất các cây dược liệu như nấm linh chi, hà thủ ô đỏ, giảo cổ lam, nghệ đỏ... Điểm đáng chú ý nữa là các chuỗi sản phẩm gắn với doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, thu mua, chế biến cũng được hình thành, dẫu không nhiều.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhìn nhận tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ và thị trường đối với sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch của Quảng Nam khá lớn. Từ vị trí địa lý là một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sở hữu có 3 đô thị, 5 khu công nghiệp, 19 cụm công nghiệp, rất cần các sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch. “Hệ thống các khách sạn, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, bếp ăn tập thể trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp với lực lượng công nhân đông hàng trăm ngàn, bếp ăn quân đội, trường học… là những nơi tiêu thụ và sử dụng lớn lượng sản phẩm nông nghiệp, nông sản hữu cơ, sạch, an toàn cần phải hướng đến. Mặt khác, các sản phẩm này đều có thể kết hợp với du lịch để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ khá hiệu quả. “Để đáp ứng yêu cầu này, ngành nông nghiệp tỉnh phải đổi mới phương thức sản xuất, tăng về số lượng và chất lượng nông sản, trong đó phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch là giải pháp cần thiết” - ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.
Yếu ở khâu xúc tiến thương mại
Tuy tiềm năng và lợi thế lớn, nhưng tranh thủ được các cơ hội để quảng bá nông sản của ngành nông nghiệp xứ Quảng vẫn còn khá mơ hồ. Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, hiện nay, nếu nói về số lượng sản phẩm hữu cơ thì Đại Lộc vẫn chưa có. “Trong khi đó, ở làng rau Bàu Tròn hay vùng sản xuất gạo an toàn vẫn loay hoay tìm cách bình ổn đầu ra giữa các mùa. Bản thân chúng tôi còn chưa nắm được quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ một cách chặt chẽ, nên rất khó đảm bảo với doanh nghiệp đó là sản phẩm hữu cơ hay an toàn” - ông Quang nói. Và việc xúc tiến thương mại với nông sản nói chung, chưa nói đến chuyện nông sản sạch, an toàn, với Đại Lộc đã là một điều khó. “Một phần vì Đại Lộc là địa phương chịu nhiều thiên tai, nên không thể nào đảm bảo được năng suất sản lượng ổn định. Bởi vậy, chúng tôi hoàn toàn không dám ký hợp đồng cung ứng với doanh nghiệp” - ông Quang chia sẻ thêm.
Lâu nay, công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá và giới thiệu sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông thực hiện với vai trò làm cầu nối, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết tổ chức sản xuất, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới… đến với nông dân. “Sở NN&PTNT đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến nông liên kết với các Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp của các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng giới thiệu quảng bá nông sản, trong đó có nông sản hữu cơ, nông sản sạch đến với người tiêu dùng để mở rộng thị trường tiêu thụ” - ông Lê Muộn cho biết thêm. Tuy nhiên, tại hội thảo, ông Lê Muộn thẳng thắn nhìn nhận về việc xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản tại Quảng Nam vẫn còn rời rạc, thiếu sự liên kết giữa các ngành nông nghiệp, công thương, kế hoạch đầu tư… “Tư tưởng thị trường với nông dân vẫn còn mờ nhạt. Ngay cả với những HTX, tổ hợp tác, vẫn chưa nghĩ đến việc chế biến sâu. Có tình trạng còn bằng lòng với mức tiêu thụ hiện tại, không muốn mở rộng thị trường vì sợ không đủ nông sản để cung ứng. Việc dán nhãn hiệu rồi xây dựng thương hiệu còn chưa được chú trọng” - ông Muộn nói.
LÊ QUÂN - VĂN SỰ