Phát huy truyền thống hơn 73 năm, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2017), lực lượng vũ trang (LLVT) Quảng Nam đã không ngừng lớn mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho người dân trong thời chiến và cả thời bình.
Lực lượng vũ trang tỉnh đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Ảnh: T.A |
Chỗ dựa vững chắc
Từ sự quan tâm chăm lo chu đáo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, Mặt trận đoàn thể và nhân dân, nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh và cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh ra sức phấn đấu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Các mặt công tác huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao, đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội, chung sức xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…. thường xuyên được triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh.
Cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương mà Quân khu 5 và UBND tỉnh giao, LLVT tỉnh luôn xung kích, đi đầu trong công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, sẵn sàng giúp dân vượt qua những khó khăn, hoạn nạn. Gần đây nhất trong cơn bão số 12 diễn ra vào tháng 11 vừa qua, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ 4 cơ quan Bộ Chỉ huy và Trung đoàn 885 nhận lệnh của cấp trên khẩn trương hành quân lên huyện Bắc Trà My để triển khai công tác tìm kiếm thi thể 5 người dân bị vùi lấp trong vụ sạt lở núi tại tổ Đồng Bầu, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, công tác tìm kiếm được nhanh chóng tiến hành. Dù mưa to nhưng các chiến sĩ vẫn kiên trì gạt hàng trăm mét khối đất đá và đến trưa cùng ngày đã hoàn thành nhiệm vụ. Đại tá Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: “Công tác cứu hộ cứu nạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người lính trong thời bình. Do đó, khi tai nạn xảy ra với người dân, chúng tôi xác định phải luôn sát cánh, làm hết tinh thần trách nhiệm của mình, mong sao an ủi phần nào những đau thương, mất mát mà các gia đình phải gánh chịu”.
Trước thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh vừa qua, hình ảnh chiến sĩ có mặt kịp thời tạo chỗ dựa vững chắc cho người dân. Không chỉ tham gia cứu hộ, bộ đội và LLVT còn mang những phần quà thiết thực sẻ chia khó khăn với người dân. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của bộ đội thì không biết đến khi nào chúng tôi mới tìm thấy được thi thể các nạn nhân, bởi khối lượng đất đá quá lớn, địa phương không đủ lực lượng, phương tiện để tìm kiếm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà rất cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ hết sức kịp thời, đầy tình cảm, trách nhiệm của Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị để bà con nhân dân từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.
Giúp dân phát triển kinh tế
Thời gian qua, hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” đồng hành với người dân, nhất là khu vực miền núi đã trở nên quen thuộc. Trong đó phải kể đến Đoàn Kinh tế - quốc phòng (KT-QP) 207 thuộc Bộ CHQS tỉnh triển khai dự án mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn. Gia đình anh Hồ Văn Đoàn, ở thôn 3, xã Phước Mỹ được Đoàn KT-QP 207 trao tặng một con bò giống sinh sản và 50 cây chanh không hạt để phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Anh Hồ Văn Đoàn chia sẻ: “Đoàn KT-QP 207 đã quan tâm, hỗ trợ cho bà con chúng tôi bò, cây chanh không hạt để gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. Từ sự hỗ trợ này gia đình tôi sẽ nỗ lực làm việc, vươn lên thoát nghèo để không phụ lòng giúp đỡ của bộ đội”.
Được biết, mới đây Đoàn KT-QP 207 đã trao tặng 12 con bò giống sinh sản cho 12 hộ gia đình và 5.000 cây giống chanh không hạt cho 100 hộ chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Phước Mỹ nhưng phải có đủ khả năng chăn thả bò và diện tích đất trồng cây. Bên cạnh đó, đoàn còn hỗ trợ làm chuồng trại, cấp 5 tấn phân hữu cơ, 1 tấn vôi, cử cán bộ kỹ thuật đến từng hộ hướng dẫn cách chăm sóc chanh không hạt và chăm sóc bò. Tổng kinh phí cho hoạt động lần này là hơn 800 triệu đồng. Thượng tá Văn Phú Diệp - Phó Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 207 cho biết: “Sau khi dự án mô hình giảm nghèo năm 2017 đã được Bộ và Quân khu 5 phê duyệt, chúng tôi lập kế hoạch phân công cán bộ đi khảo sát ở 3 vùng: Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn, đặc biệt là xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn. Trên cơ sở mô hình nhân rộng giảm nghèo và sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương xã Phước Mỹ, chúng tôi thấy mô hình này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định cuộc sống”.
Nhiều năm qua, Đoàn KT-QP 207 đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều dự án trên địa bàn 3 huyện Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn. Bao gồm đường giao thông nông thôn, trường học, trạm xá, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chăm sóc sức khỏe người dân và các chính sách an sinh xã hội khác. Đặc biệt, mô hình nuôi bò nhóm hộ và nuôi bò từng hộ dân thông qua tổ đoàn kết đã mang lại hiệu quả cao và nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân vùng dự án. Qua 5 năm, đã có 12 nhóm hộ với 102 con bò ở các xã: Phước Mỹ (Phước Sơn), Chà Vàl, La Êê, Chơ Chun, A Xan (Nam Giang), tăng khoảng 15 - 20% so với ban đầu. Riêng tại xã Phước Mỹ, Đoàn KT-QP 207 đã triển khai nhiều dự án giảm nghèo trên địa bàn với kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Về kết quả dự án mang lại, ông Đinh Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ nói: “Đoàn KT-QP 207 góp phần với địa phương có nhiều hoạt động hiệu quả trong cải thiện đời sống người dân. Đó là không chỉ quan tâm đến kinh tế đời sống mà cả tinh thần, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách hiện quả”.
TUẤN ANH