Ngày càng có nhiều khu dân cư ở nông thôn được quy hoạch, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện và “ra dáng” phố hơn. Và bên trong “chiếc áo” phố xá ấy, những cuộc “xung đột” phố - làng đang từng ngày âm thầm diễn ra...
Nhiều khu dân cư ở nông thôn đang trở nên sầm uất, nhộn nhịp, ra dáng phố xá hơn. Trong ảnh: Một góc khu dân cư Quảng Huế, xã Đại An, huyện Đại Lộc. Ảnh: B.A |
Khi “lên phố”, các khu dân cư nông thôn - nhất là những khu mới được quy hoạch, khu tái định cư - được thiết kế khá hoàn chỉnh với đường ngang lối dọc vuông vức, có vỉa hè, có đèn đường hẳn hoi. Thay cho những ngôi nhà ba gian trong những khu vườn rộng là những ngôi nhà ống gần như liền vách, với lầu cao lầu thấp, nhiều màu sắc, tường rào cổng ngõ đâu ra đấy... được khuôn vào trong những khu đất có bề rộng mặt tiền khiêm tốn như nhau, phổ biến là 5 - 7 mét. Ở một số nơi, chỉ dấu cho dáng vẻ phố xá còn được thêm thắt bởi việc nhà cửa được đánh số hẳn hoi, cùng với đó là vẻ nhộn nhịp của những quầy tạp hóa, đại lý hàng tiêu dùng, rồi quán ăn, quán nhậu, quán cà phê, game trực tuyến... và kể cả dịch vụ một thời vốn chỉ có ở phố và thường bị “kỳ thị” ở nông thôn, ấy là... nhà nghỉ.
Theo một nhà nghiên cứu văn hóa, việc các loại hình dịch vụ mặt tiền đầy vẻ phố thị ấy ra đời ở nông thôn có thể xem là một cuộc “cách mạng”. Đơn cử như dịch vụ ăn uống. Người dân quê bao đời nay vốn thích ăn chắc mặc bền, sáng thức dậy thường lót dạ bằng tô cơm nguội hay củ khoai, trái bắp hoặc một món ăn tự chế biến từ những thứ thực phẩm của nhà làm được có sẵn nào đấy trước khi ra đồng, thì nay họ tìm đến các quán ăn để điểm tâm. Có thể vẫn là những món ăn bình dị, thân quen như bánh bèo, bánh đúc, mỳ Quảng, bánh đập... nhưng việc quyết định đi ăn quán thay vì ăn ở nhà cũng đủ cho thấy người dân nông thôn đã chấp nhận và lựa chọn một kiểu sinh hoạt “xa xỉ” hơn. Sự “xa xỉ” này cũng thể hiện khá rõ khi rất nhiều người dân nông thôn đã có thói quen sáng sáng rủ nhau đi uống cà phê trước khi đi làm, thong dong, nhàn hạ chẳng khác gì dân công sở. Chưa hết, chiều về, trong những quán nhậu bình dân lại í ới huyên náo chén chú chén anh. Cái cảnh anh em quây quần trên tấm chiếu trải trước sân nhà rì rầm giải mỏi bên chén rượu quê tự nấu nhấm nháp với con tràu con ốc vừa bắt được ngoài đồng hay mấy trái ổi vườn... xem ra càng ngày càng hiếm.
Cảnh phơi phóng nông sản ngay trên đường như thế này vẫn còn khá phổ biến ở nhiều khu nông thôn đang trên đà lên “phố”. |
Nhưng dường như đó là cái bề ngoài về một nhịp sống mang dáng dấp phố thị. Còn bên trong, phía sau những khu “phố - làng” ấy, dấu quê vẫn còn rất rõ. Nhiều nơi, trên vỉa hè, lề đường hầu như chỗ nào người ta cũng tận dụng làm chỗ chất củi, ủ phân, phơi quần áo và bất cứ thứ gì có thể... Sống trong không gian “phố” nhưng vườn thổ ruộng đồng vẫn còn, tới mùa thu hoạch thóc lúa khoai đậu rơm rạ mang về không thể phơi phóng trên cái khoảnh sân hẹp trước nhà thì đành mang ra đường phơi. Hồi còn ở “làng”, có sân có bãi rộng rinh; bây giờ ở “phố” cái gì cũng co cụm, đành xem con đường phía trước là... sân nhà vậy!
Ở nhiều khu dân cư tập trung được xây dựng theo kiểu “phố”, kiểu chăn nuôi tiểu nông vẫn còn tồn tại khi mà nhiều nhà vẫn che chái nuôi đôi ba con heo cùng dăm con gà, con vịt... Lại nữa, nhiều người vẫn còn giữ thói quen đun nấu bằng rơm, bằng củi. Nhiều nhà ý tứ quây chuồng gà hoặc kê bếp ở góc vườn sau. Nhưng đây đó vẫn không thiếu những chuồng gà chuồng vịt lụp xụp nằm ngay phía trước, thậm chí lấn hẳn ra đường. Không ít những cái bếp củi lộ thiên được kê ngay góc vườn phía trước, mỗi lúc đun nấu lại phả khói bụi ùn ùn ra “phố”. Chẳng biết có nên gán cho những đụn khói bếp cùng tro bụi kia một mỹ từ gọi là “thơ mộng” hay không!... Nhà cửa san sát nhau, khói bụi nhà này tạt hết vào nhà hàng xóm khi có gió là chuyện thường. Bị giam lỏng cùn chân, thi thoảng vịt gà lại xé rào chạy ra ngoài, xâm phạm “bờ cõi” nhà hàng xóm. Không thiếu lời qua tiếng lại ì xèo, cũng phiền, nhưng rồi sau những giận lẫy tảo tần kia, lại nghe tiếng í ới gọi nhau để biếu khi thì bát canh, lúc là đĩa thịt vịt mở cửa lồng...
PHAN CHÍ ANH