Không chỉ tích cực trong hỗ trợ chốt kiểm soát, đảm bảo điều kiện khu cách ly, đoàn viên thanh niên trong tỉnh đang hưởng ứng, tham gia các hoạt động “Bếp ăn nghĩa tình” và mô hình “Shipper” xanh - đi chợ giúp người dân khu cách ly.
Bếp ăn nghĩa tình
Khu vực cách ly số 3 của TP.Tam Kỳ đặt tại Trường Cao đẳng Quảng Nam đang thực hiện cách ly cho hơn 130 người dân được tỉnh đón về từ TP.Hồ Chí Minh. Tham gia công tác phòng chống dịch, Thành đoàn Tam Kỳ đã phối hợp triển khai mô hình “Bếp ăn nghĩa tình” hỗ trợ người dân đang thực hiện cách ly.
Bí thư Thành đoàn Tam Kỳ - Võ Thanh Cung cho biết, tại “Bếp ăn nghĩa tình”, mỗi buổi có 10 đoàn viên thanh niên và giáo viên tổng phụ trách đội tham gia phục vụ, từ sơ chế đến chế biến và phân chia suất ăn. Để những suất ăn đảm bảo dinh dưỡng và ngon miệng, phụ trách chế biến món ăn là những bạn trẻ có tay nghề và kinh nghiệm phục vụ tại nhà hàng, khách sạn.
Nhằm duy trì phục vụ miễn phí cho bà con trong suốt thời gian cách ly, Thành đoàn cùng Hội Nông dân thành phố đã vận động hội viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân các xã phường ủng hộ gạo, lương thực, thực phẩm.
“Qua thời gian ngắn vận động, gần 1 tấn gạo, rau củ quả các loại đã được ủng hộ đảm bảo cho việc cung ứng các suất ăn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ tích cực và tình cảm từ đơn vị kết nghĩa - Huyện đoàn Nam Trà My” - anh Cung cho biết.
“Shipper xanh”
Liên quan đến bệnh nhân 124621 mắc Covid-19 tại phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ), chính quyền thành phố đã phong tỏa từ số nhà 36 đến số nhà 81 đường Nguyễn Thái Học, gồm 59 hộ với 239 nhân khẩu.
Sự việc khá bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay, nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men... không được chuẩn bị. Trước khó khăn đó, những ngày qua, Đoàn phường An Mỹ đã triển khai mô hình “Shipper xanh” do Tỉnh đoàn phát động.
Chị Phạm Thị Kim Chi - Bí thư Đoàn phường An Mỹ cho biết, hằng ngày trước 8 giờ, các hộ dân có nhu cầu mua nhu yếu phẩm sẽ liên hệ với “Shipper xanh” (thanh niên tình nguyện) qua điện thoại, zalo hoặc phiếu mua hàng. Sau khi nhận đơn, đội hình sẽ lên phương án mua và vận chuyển sản phẩm đến khu vực phong tỏa, bên trong có người đi giao cho các hộ dân.
Tham gia chương trình, chị Lê Thị Quỳnh Như (khối phố Mỹ Hiệp, phường An Mỹ) chia sẻ: “Ở nhà, tôi cũng thường xuyên đi chợ nên việc này không có gì khó. Đợt này do dịch bệnh, giáo viên mầm non như tôi đang nghỉ việc nên có thời gian để tham gia cùng Đoàn phường. Cũng có người bảo sao không ở nhà cho an toàn, nhưng nếu ai cũng sợ thì lấy ai giúp đỡ những người dân khu cách ly”.
Anh Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, nhằm hỗ trợ các khu cách ly, khu phong tỏa, các khu vực nấu ăn tập trung..., Tỉnh đoàn đề nghị các huyện, thị, thành đoàn thành lập đội hình thanh niên xung kích, mỗi đội có 8 - 10 tình nguyện viên tham gia.
Danh sách thành viên các đội xung kích ghi kèm số điện thoại, phân công đội trưởng, đội phó gửi đến các khu cách ly, khu vực bị phong tỏa để người dân liên lạc khi cần. Đoàn viên thanh niên tham gia các đội hình xung kích, hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 được yêu cầu thực hiện đúng nhiệm vụ, nghiêm túc chấp hành các quy định an toàn y tế...
“Áo xanh” trực chốt
Những ngày qua, tại chốt kiểm soát đèo Lò Xo (huyện Phước Sơn), lực lượng chức năng ghi nhận hàng nghìn người dân di chuyển bằng xe máy hồi hương về quê theo tuyến đường Hồ Chí Minh. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bên cạnh huy động lực lượng tham gia làm nhiệm vụ giữ an ninh trật tự, chính quyền huyện Phước Sơn kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm, dựng riêng lán trại để người dân nghỉ ngơi, tiếp sức trên đường về quê.
Có mặt tại điểm chốt kiểm soát đèo Lò Xo nhiều ngày qua, chị Bùi Thị Quế Lâm (ở thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) chia sẻ, suốt nhiều đêm làm nhiệm vụ, chị tận mắt chứng kiến hàng trăm cặp vợ chồng trẻ, tay cầm lái, lưng địu con nhỏ mà mồ hôi nhễ nhại. Vừa đến chốt, họ ngả lưng nằm dưới sân có vẻ mệt mỏi, kiệt sức. Ai nhìn cảnh đó, cũng đều xót thương cho những phận đời mưu sinh nơi đất khách, quê người.
Gần 2 tháng nay, kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Lâm cùng một vài thanh niên địa phương tình nguyện tham gia phòng chống dịch tại các chốt kiểm soát. Xung phong cắm chốt tại đèo Lò Xo, công việc của các chị chủ yếu hỗ trợ người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt, lịch trình đi lại… đảm bảo một cách chặt chẽ và an toàn.
Không chỉ có Lâm, ở chốt kiểm soát Lò Xo này, còn có nhiều gương mặt thanh niên tình nguyện cùng làm nhiệm vụ. Mỗi người một việc, họ chia sẻ với nhau bằng tình thương của những người đồng đội trong điều kiện khó khăn chung bởi dịch bệnh.
Như Đinh Hoàng Phương An, chàng trai 21 tuổi ở xã Phước Hòa (Phước Sơn) tạm gác công việc gia đình để tình nguyện lên chốt kiểm soát góp sức cho nhiệm vụ chống dịch.
“Anh em ở chốt được khuyến cáo mặc đồ bảo hộ để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan. Mùa hè, bình thường đã nóng, mặc thêm đồ bảo hộ vào người, sức nóng và ngột ngạt chịu không nổi. Rứa mới thấm thía nỗi vất vả và cảm phục cán bộ y tế đã phải gồng mình chịu đựng suốt thời gian dài để làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19” - An tâm sự.
Thiếu tá Ngô Hoàng Việt - cán bộ Đội CSGT Công an huyện Phước Sơn (Trưởng chốt kiểm soát đèo Lò Xo) cho biết, nhiều ngày qua, tại điểm chốt, ngoài cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ, luôn có các nhóm tình nguyện viên tham gia công tác hỗ trợ. Công việc của họ chủ yếu phụ giúp chốt kiểm soát tiếp nhận người ra vào, khai báo y tế và lịch trình đi lại. Nhờ vậy, giảm bớt công việc cho các thành viên của chốt.
“Do phần lớn các đoàn khi về đến chốt rơi vào thời điểm khuya, thậm chí rạng sáng nên anh em làm nhiệm vụ phải thức suốt đêm để hỗ trợ. Có những ngày phải làm việc liên tục hơn 20 giờ, nhưng xác định nhiệm vụ quan trọng nên chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng” - Thiếu tá Ngô Hoàng Việt chia sẻ.