Không nhiều kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết tại phiên tiếp xúc thường kỳ tháng 10 vừa diễn ra. Thậm chí các cơ quan quản lý còn tiếp tục đẩy khó về phía doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bức xúc
Giải phóng mặt bằng ỳ ạch, khó tiếp cận quyền sử dụng đất và sự “bất bình đẳng, thiếu sòng phẳng” trong việc hoàn thuế cho doanh nghiệp là những vấn đề nóng lại được xới lên tại cuộc gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp thường kỳ tháng 10 của lãnh đạo tỉnh. Đại diện Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu Quảng Nam đầu tư nhà máy may mặc xuất khẩu tại Xuân Đài (Điện Quang, Điện Bàn) cho hay, ngày 7.8.2015, công ty này đã nhận được quyết định hoàn thuế hơn 2,23 tỷ đồng của Cục Thuế Quảng Nam sau khi đã bù trừ các khoản nộp ngân sách nhà nước. Nhưng hơn 2 tháng qua, công ty chưa thể nhận được số tiền hoàn thuế này. Một khó khăn khác cũng được Song Châu đề cập là Chi nhánh Ngân hàng Đông Á Quảng Nam chưa thể cung cấp hạn mức tín dụng theo đề nghị của công ty và cũng chưa trả lời dứt khoát về vấn đề này. Khó khăn vốn, doanh nghiệp này đã tìm được nguồn tài trợ từ một ngân hàng khác với điều kiện phải thế chấp nhà và đất tại 117 Lê Lợi (Đà Nẵng) đã được Chi nhánh Ngân hàng Đông Á Quảng Nam định giá là 5,7 tỷ đồng để đảm bảo mức vay 4,56 tỷ đồng của công ty. Song Châu đã đồng ý sẽ trả nợ mức 6,5 tỷ đồng cho tài sản này để thực hiện giải chấp vay. Ngày 24.8.2015, Song Châu đã gửi văn bản, đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Đông Á Quảng Nam thực hiện giải chấp, hoàn trả tài sản, nhưng đề nghị của công ty này không được chấp nhận. Bà Phùng Thị Liên Châu - Giám đốc Công ty Song Châu nói, việc không hoàn thuế được đã khiến doanh nghiệp không thể trả lương đúng hạn cho công nhân, thiếu chi phí xuất khẩu, phải đóng cửa 2 chuyền may dẫn tới vi phạm hợp đồng với đối tác và trễ hạn trả lãi cho ngân hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp khó có thể tồn tại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng chủ trì buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháng 10.2015. Ảnh: NHẬT PHONG |
Kiến nghị với tỉnh, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hà My yêu cầu được giải phóng mặt bằng, khấu trừ tiền ứng giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, Doanh nghiệp tư nhân Quang Minh kiến nghị việc hoàn trả kinh phí ứng trước bồi thường đất theo kết luận của UBND tỉnh. Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hà My cho hay đã gặp rất nhiều khó khăn khi không thể giải phóng mặt bằng 4 hộ dân trong vệt cây xanh phía bắc, 10 hộ trong lòng dự án và vệt cây xanh phía nam dự án. Ngoài ra, công ty này cũng xin được khấu trừ 2 tỷ đồng ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng cho đủ số tiền 26,13 tỷ đồng tiền sử dụng đất (đã nộp 24,1 tỷ đồng) để công ty có đủ cơ sở hoàn thành thủ tục xin đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án đầu tư. Ông Nguyễn Hồng Nghĩa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hà My nói, chưa được giao đất nên doanh nghiệp không thể triển khai dự án. Chính quyền địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường (Hà My hỗ trợ thêm 40 triệu đồng/hộ) nhưng dân chưa nhận tiền ở phía bắc dự án và phía nam dự án chưa có quyết định bồi thường, chưa được khấu trừ nên không thể nào đăng ký quyền sử dụng đất.
Đẩy khó cho doanh nghiệp?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đặt ra hai câu hỏi. Đó là việc khấu trừ tiền đất cho Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hà My có ổn và dễ dàng không? Còn hoàn thuế cần phải công bằng và sòng phẳng. Doanh nghiệp chậm thuế thì bị phạt còn Nhà nước lại không; tối thiểu chậm hoàn thuế thì phải tính lãi, nhưng sao chính sách lại không có? Không thể trách Cục Thuế nhưng đứng về mặt chính sách là không ổn!
Về vấn đề của Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu, ông Lê Mai Khắc Hưng - Phó cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho hay, hoàn thuế cho doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Hiện Quảng Nam còn nợ đến 70 tỷ đồng hoàn thuế cho doanh nghiệp. Hồ sơ hoàn thuế đã gửi lên, khi nào Trung ương phân bổ, có tiền sẽ hoàn ngay cho doanh nghiệp, nhưng bao giờ thì chưa thể nói trước được vì cơ quan thuế không thể chủ động trong chuyện này. Cơ quan thuế trễ thì sẽ phải chịu lãi nhưng chuyện này không phải do cơ quan thuế mà của Trung ương. Nếu Nhà nước cho tính lãi thì sẽ trả lãi nhưng chưa có chính sách này. Ông Hưng nói, nếu Đông Á cho vay, Cục Thuế sẽ bảo lãnh và cam kết trả cho Đông Á số tiền này. Phía ngân hàng, ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đông Á Quảng Nam nói, ngân hàng này đang bị kiểm soát đặc biệt nên không thể cho doanh nghiệp vay thêm.
Bà Phùng Thị Liên Châu - Giám đốc Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu cho rằng, việc trả lời của cơ quan thuế đã đẩy khó về phía doanh nghiệp. Không nhận được tiền hoàn thuế thì doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh điêu đứng, chắc phải ngừng sản xuất vì hạn mức tín dụng ở Ngân hàng Đông Á đã hết. Tuy nhiên lúc này đại diện cơ quan thuế lại thông báo là đã có hạn mức hoàn thuế. Trong tuần này cơ quan này sẽ ban hành lệnh hoàn thuế cho doanh nghiệp!
Không may mắn như Song Châu, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hà My nhận được những câu trả lời vòng vo, bất ngờ lâm vào khó khăn mới. Ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường nói, vụ việc này là trách nhiệm giữa đơn vị và địa phương. Chủ đầu tư cần hoàn thiện tính pháp lý chuyển từ Công ty TNHH Kim Vinh qua Hà My. Rà soát, liên hệ với Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn để quyết toán số tiền ứng trước thì sẽ được khấu trừ! Còn cơ quan thuế kiên quyết “buộc” Hà My lựa chọn cách tính giá đất hiện hành hoặc phải tính tiền chậm nộp từ khi có quyết định đầu tư, tức tháng 5.2010, dù ông Võ Văn Hùng - Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp cho rằng, chuyện giải phóng mặt bằng ỳ ạch đã nói nhiều nhưng không thay đổi. Không thể đẩy khó cho doanh nghiệp. Không giải phóng mặt bằng, chậm giao đất thì làm sao doanh nghiệp quyết toán, triển khai đầu tư được và không nên tính lãi phạt chậm nộp. Ông Nguyễn Hồng Nghĩa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hà My nói, công ty sẽ hoàn tất mọi thủ tục pháp lý để có chính danh Hà My, khấu trừ tiền để được cấp quyền sử dụng đất. Nhưng nếu phải nộp phạt tiền chậm nộp thực sự sẽ tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp khi chưa được giao đất thì không thể nhanh chóng tiến hành đầu tư được. Vốn bị mắc, quyền lợi chưa nhận được mà nghĩa vụ thì cứ chất chồng, quá khó khăn cho doanh nghiệp!
NHẬT PHONG