Chuyện về cựu thanh niên xung phong (TNXP) luôn gợi lên bao điều xúc động. Bởi không ai đo đếm được tấm lòng và cả máu xương của những người “ở mãi tuổi thanh xuân” đã dành cho Tổ quốc trong cuộc trường chinh kháng chiến giành độc lập và xây dựng lại giang sơn. Bởi, hằng năm cứ vào dịp này, nhiều câu chuyện được nhắc nhớ về những cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, về “Tiểu đoàn Bà Thao”, về những người nằm lại với Trường Sơn “chẳng thể nào mà che mưa được”…
Quảng Nam, mảnh đất đầu sóng ngọn gió trong cuộc kháng chiến cứu nước, đã có hàng vạn thanh niên lên đường vào các mặt trận. Thống kê vào năm 2005, có khoảng 5.000 cựu TNXP còn sống trên quê hương đất Quảng.
Trở lại thời bình, cựu TNXP gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Di chứng một thời mang vác nặng, phá đá mở đường, lại hứng chịu bao trận mưa bom, chất độc hóa học… nhiều cựu TNXP ốm đau, bệnh tật. Có những hoàn cảnh thật bất hạnh khi con cái họ ra đời bị què quặt vì chất da cam. Có những TNXP không thể lập gia đình vì quá lứa lỡ thì, đành cam chịu cảnh cô độc, sớm nắng chiều mưa bên những túp lều tạm bợ.
Do hàng loạt khó khăn của đất nước thời hậu chiến, nhiều cựu TNXP cũng chưa được giải quyết kịp chế độ chính sách, là một mối thương cảm của lương tâm xã hội. Vì vậy, trong những năm gần đây, nhờ chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Quyết định 104 và nay là Quyết định 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP đã được tăng cường. Công tác đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, chăm sóc, xây nhà, trợ cấp chế độ chính sách cho cựu TNXP…đã thu hút mối quan tâm của toàn xã hội. Đó là điều đáng mừng. Như ở Quảng Nam, đã có 316 nhà tình nghĩa với hơn 7,5 tỷ đồng được xây tặng cho cựu TNXP. Bên cạnh đó, giải quyết theo QĐ 104 và QĐ 40 của Thủ tướng Chính phủ đã có hơn 300 trường hợp được trợ cấp hàng tháng, gần 650 trường hợp được trợ cấp một lần. Hội cựu TNXP tỉnh cũng đã giúp làm hồ sơ công nhận thương binh 595 trường hợp, tìm kiếm và quy tập 192 hài cốt liệt sĩ… Những cố gắng, nỗ lực ấy là cả tấm lòng tri ân sự đóng góp, hy sinh của TNXP. Tuy nhiên so với thực tế nhu cầu, việc giải quyết chế độ chính sách, đền ơn đáp nghĩa đối với cựu TNXP còn hạn chế.
Khó khăn trước hết ở ngay chính yêu cầu của việc thực hiện QĐ 40. Nói như ông Nguyễn Anh Liên ở Hội cựu TNXP Việt Nam, những trường hợp tồn đọng trong giải quyết chính sách theo QĐ 40 hầu như là do không có hồ sơ gốc. Hội TNXP Việt Nam đã tham mưu lập Hội đồng chính sách của cấp xã, phường, gồm có cấp ủy, chính quyền đoàn thể, mặt trận và có đại diện của cựu TNXP. Nhưng có nhiều nơi, lãnh đạo địa phương phân vân là “lúc các bác, các ông đi thì họ chưa sinh, nên không biết làm thế nào xác nhận được”. Cũng theo ông Liên, với những trường hợp tồn đọng “nếu có tấm lòng thì sẽ có cách giải quyết”.
Ngoài chuyện giải quyết chế độ chính sách, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình cựu TNXP gặp hoàn cảnh éo le, giúp xóa nhà tạm…cũng còn bao việc phải làm, phải nhờ cậy cả chính sách Nhà nước và các nhà hảo tâm. Vậy nên, ông Đỗ Tấn Hùng, Chủ tịch Hội cựu TNXP Quảng Nam mới khẩn thiết kêu gọi giúp hàng trăm gia đình đồng đội xóa nhà tạm bợ. Điều đó trông đợi bao tấm lòng đi tiên phong giữa đời sống hôm nay.
BẢO TRÂN