Xứng "tám chữ vàng"

PHẠM THỊ CANG (Chủ tịch Hội LHPN huyện Duy Xuyên) 07/03/2014 08:43

Trong thời chiến cũng như thời bình, các thế hệ phụ nữ huyện Duy Xuyên luôn giữ vững truyền thống anh hùng, xứng đáng với tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” Bác Hồ dành tặng phụ nữ Việt Nam.

Phong trào nuôi heo đất được triển khai sâu rộng ở các cấp Hội LHPN Duy Xuyên tạo nguồn quỹ góp phần hỗ trợ phụ nữ khó khăn ổn định cuộc sống. Ảnh: PHI THÀNH
Phong trào nuôi heo đất được triển khai sâu rộng ở các cấp Hội LHPN Duy Xuyên tạo nguồn quỹ góp phần hỗ trợ phụ nữ khó khăn ổn định cuộc sống. Ảnh: PHI THÀNH

Anh hùng thời chiến

Trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phụ nữ Quảng Nam nói chung, phụ nữ Duy Xuyên nói riêng đã cống hiến máu xương, hy sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập dân tộc. Các thế hệ phụ nữ huyện Duy Xuyên đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đấu tranh trực diện với kẻ thù, tỏ rõ khí phách anh hùng cách mạng, mặc cho bọn giặc dùng mọi thủ đoạn thẳng tay đàn áp, giết hại. Đình, chùa bị chúng biến thành các trại cải huấn, các khu tố cộng khiến nhiều cơ sở cách mạng bị tan rã, mất liên lạc. Song kẻ thù không ngăn được ý chí và sức mạnh của nhân dân ta nói chung, chị em phụ nữ nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và với niềm tin tuyệt đối vào Đảng, phụ nữ Duy Xuyên đã một lòng đi theo cách mạng. Các mẹ, các chị đã đào hầm, nuôi giấu cán bộ ở lại hoạt động, kiên cường trụ bám sản xuất, đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi quân, tham gia nuôi dưỡng thương binh, vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực ra tiền tuyến.

Năm 2013, Hội LHPN huyện Duy Xuyên đã vận động được 1.208 hội viên thực hành tiết kiệm bằng hình thức nuôi heo đất, nâng tổng số hội viên toàn huyện tham gia phong trào lên con số 21.926 người, qua đó tiết kiệm được tổng số tiền hơn 988 triệu đồng xây dựng quỹ tình thương, hỗ trợ hội viên khó khăn. Trong năm, hội đã hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 2 hội viên với tổng số tiền 45 triệu đồng; tặng 74 sổ tiết kiệm cho trẻ em và phụ nữ nghèo, tổng trị giá 61,9 triệu đồng; trao 52 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó, tổng số tiền 20,5 triệu đồng; tặng 18 con heo giống, 3 con bò giống cho 21 phụ nữ khó khăn, tổng trị giá 32,6 triệu đồng. Ngoài ra, hội duy trì nhận đỡ đầu, chăm sóc 7 trẻ em khuyết tật, mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và chăm sóc 4 phụ nữ đơn thân, khuyết tật, với mức hỗ trợ 150 - 300 nghìn đồng/quý; nhận phụng dưỡng đến cuối đời 4 mẹ - vợ liệt sĩ...

Trải qua các giai đoạn kháng chiến, nhiều mẹ, chị bị địch bắt giam cầm, tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết, một lòng kiên trung bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng đến hơi thở cuối cùng. Hình ảnh mẹ Nam, mẹ Hiểu ở Duy Nghĩa, hay mẹ Yên ở Duy Hòa, mẹ Cư ở Duy Tân, mẹ Thừa ở Nam Phước,... và còn biết bao bà mẹ khác tiễn đưa chồng, con ra trận mà không một lần đón người thân trở về là những tấm gương hy sinh cao cả mà những thế hệ phụ nữ Duy Xuyên hôm nay luôn khắc ghi trong lòng. Sự dũng cảm kiên cường và sự hy sinh to lớn của phụ nữ Duy Xuyên đã góp phần xứng đáng để Duy Xuyên được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đến nay toàn huyện có 1.062 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 3 trường hợp được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; nhiều mẹ chị được trao tặng các phần thưởng cao quý khác... tô thắm thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam gắn với “tám chữ vàng” được Bác Hồ kính yêu trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Đảm đang thời bình

Chiến tranh đi qua, vượt lên những nỗi đau, thiếu thốn của cuộc sống đời thường, phụ nữ Duy Xuyên tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến, cùng với nhân dân toàn huyện tham gia vào mặt trận sản xuất, xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh thông qua các phong trào và hoạt động tổ chức hội các cấp. Bước vào thời kỳ mới, phụ nữ Duy Xuyên dù ở cương vị công tác, lĩnh vực nào cũng luôn luôn gìn giữ và phát huy truyền thống của các thế hệ mẹ chị đi trước, tiếp tục cống hiến tài năng, sức lực, trí tuệ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Từ các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay; từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Đời sống, sức khỏe của phụ nữ, trẻ em từng bước được cải thiện; tổ chức hội ngày càng vững mạnh, các phong trào hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng quê hương.

Qua các phong trào, Hội LHPN huyện Duy Xuyên nhiều năm liền đạt danh hiệu xuất sắc trong phong trào thi đua của tỉnh, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về công tác thương binh liệt sĩ và phong trào đền ơn đáp nghĩa; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo; được Hội LHPN tỉnh công nhận danh hiệu đơn vị thi đua xuất sắc, dẫn đầu các huyện đồng bằng năm 2013... Những thành quả của phong trào phụ nữ Duy Xuyên đạt được trong thời gian qua có phần đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ hội qua các thời kỳ, đồng thời là kết quả từ sự nỗ lực không mệt mỏi của chị em cán bộ hội cơ sở - những người luôn tâm huyết, năng nổ với phong trào. Đó là những tiền đề để cán bộ và hội viên phụ nữ huyện Duy Xuyên tiếp tục phấn đấu, giành nhiều thành tích hơn nữa trên các lĩnh vực, góp phần cùng nhân dân toàn huyện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.

Ra mắt tập sách “Lịch sử phong trào phụ nữ huyện Duy Xuyên (1930 - 2010)”

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và nghị quyết Đại hội Phụ nữ huyện lần thứ XIV, thời gian qua, Hội LHPN huyện Duy Xuyên tổ chức sưu tầm, biên soạn tập sách “Lịch sử phong trào phụ nữ huyện Duy Xuyên (1930 - 2010)”, nhằm lưu giữ, tôn vinh những truyền thống cao quý của phụ nữ huyện, đồng thời giáo dục tinh thần cách mạng cho các tầng lớp nhân dân toàn huyện nói chung và phụ nữ nói riêng. Qua 2 năm biên soạn, đến nay công trình đã hoàn thành và chính thức phát hành. Tập sách dày gần 200 trang ghi lại những sự kiện, câu chuyện, thành tích, các phong trào hoạt động của phụ nữ Duy Xuyên trong suốt giai đoạn 1930 - 2010, qua đó, một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của các tầng lớp phụ nữ huyện trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

PHẠM THỊ CANG
(Chủ tịch Hội LHPN huyện Duy Xuyên)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xứng "tám chữ vàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO