Hôm nay 4.8, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, chính thức khai mạc. Trước thềm đại hội, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ chung quanh những thành tựu đạt được nhiệm kỳ qua và các giải pháp, mục tiêu phát triển thời gian đến của thành phố tỉnh lỵ.
Kinh tế mạnh đều
- PV:Chặng đường 5 năm đã trôi qua, ông có thể cho biết những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được của TP.Tam Kỳ?
- Ông Nguyễn Văn Lúa: Thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XIX, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Kỳ đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đảng bộ thành phố xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nên đã tập trung lãnh đạo phát triển theo hướng thương mại dịch vụ - công nghiệp (TMDV-CN), tiểu thủ CN - nông nghiệp đô thị. Đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng ngành TMDV 72,8%; CN và xây dựng 24,5%, nông nghiệp 2,7%.
Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch được quan tâm. Đến nay, một số công trình đầu tư xây dựng hoàn thành như bãi tắm Tam Thanh, khách sạn ven sông Bàn Thạch, tổ hợp khách sạn, TMDV Mường Thanh, khu du lịch nghỉ dưỡng Hạ Thanh, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Quảng trường 24.3, địa đạo Kỳ Anh. Tổng giá trị TMDV trên địa bàn đạt hơn 43.794 tỷ đồng, tăng 2 lần so với đầu nhiệm kỳ, tăng bình quân 13,88%/năm. Hạ tầng các khu, cụm CN cũng được đầu tư giúp cho khu CN Thuận Yên thu hút 12 doanh nghiệp, cụm CN Trường Xuân có 18 doanh nghiệp hoạt động. Thành phố đã tích cực phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tư dự án Khu CN Tam Thăng, quy mô 200ha, hiện triển khai xây dựng hạ tầng và đã thu hút một số nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc với tổng số vốn đăng ký hơn 80 triệu USD. Tổng giá trị sản xuất CN và xây dựng hơn 15.139 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với đầu nhiệm kỳ, tăng bình quân 16,32%/năm. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thực hiện đạt 379,9 triệu USD, tăng bình quân 16,8%/năm.
Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - Nguyễn Văn Lúa trao Giải thưởng Phan Châu Trinh cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: NGỌC ÁNH |
Quá trình đô thị hóa khiến đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Để đảm bảo giá trị sản xuất và an ninh lương thực, Đảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị; thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bước đầu đạt được kết quả nhất định, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế được tăng lên. Hiện trên địa bàn thành phố có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng hoa, nuôi gà. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 5 năm qua đạt hơn 1.853 tỷ đồng, tăng bình quân 6,48%/năm, tăng 1,36 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Trong điều kiện khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế trong nước, tuy nhiên, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tích cực như truy thu nợ đọng thuế, phân cấp mạnh nguồn thu từ đất lẻ, hợp thức hóa đất ở cho địa phương nên kết quả đạt được khá tốt. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.728 tỷ đồng, tăng bình quân 8,84%/năm, trong đó thu phát sinh kinh tế tăng 9,7%/năm. Nguồn thu từ sử dụng đất bình quân đạt 110 tỷ đồng/năm. Tổng chi ngân sách 2.947 tỷ đồng, tăng bình quân 9,98%/năm, trong đó chi đầu tư phát triển 1.258 tỷ đồng, chiếm 42,7%.
Đột phá “3 nhiệm vụ đột phá”
- PV:TP.Tam Kỳ được đánh giá là một trong những địa phương triển khai thực hiện khá tốt 3 nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là phát triển nguồn nhân lực, xây dựng môi trường đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng. Xin ông nói rõ thêm những kết quả mà thành phố đã làm được trong thời gian qua về 3 nhiệm vụ đột phá này?
Khu dịch vụ khách sạn Mường Thanh được xem là điểm nhấn trong phát triển thương mại dịch vụ của TP.Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
- Ông Nguyễn Văn Lúa: Thực hiện Nghị quyết 04 (ngày 30.6.2011) của Tỉnh ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, thời gian qua thành phố đã cử 2.834 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, đào tạo lý luận chính trị 454 đồng chí, chuyên môn, nghiệp vụ 110 đồng chí (trong đó đào tạo sau đại học 22 đồng chí). Đến nay, cán bộ chủ chốt thường trực thành ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND thành phố đều có trình độ sau đại học. Thành phố cũng đã thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị và đã đạt được kết quả bước đầu; ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc và thạc sĩ loại giỏi để bổ sung vào các vị trí còn thiếu ở các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, đã tuyển chọn, cử đào tạo và bố trí công tác 30 học viên thuộc Đề án 500 của tỉnh tại 13 xã, phường. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ cán bộ, công chức xã, phường đạt 3 chuẩn chiếm 93% (tăng 45% so với năm 2010); 98% số cán bộ cấp trưởng, phó phòng có trình độ chuyên môn đại học trở lên và có hơn 80% có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị.
Về xây dựng môi trường đầu tư, thành phố luôn chú trọng, nhất là công tác cải cách hành chính, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội cho các nhà đầu tư, hỗ trợ trong công tác đào tạo lao động. Có thể nói, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của Tam Kỳ đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự tin cậy với các nhà tài trợ ADB, WB, thu hút được một số doanh nghiệp có tiềm lực mạnh như Công ty CP Phước Kỳ Nam, Tập đoàn Mường Thanh, Công ty Du lịch - dịch vụ Hội An, Tập đoàn PanKo, Công ty Shing Chang, Young Do (Hàn Quốc). Ngoài ra, TP.Tam Kỳ đã thiết lập quan hệ hợp tác đối ngoại với quận Dalseo, Daegu (Hàn Quốc); huyện Lạ Màm, tỉnh Sê Kông (Lào); tổ chức Làng Hoa Sen quốc tế Hàn Quốc, UN-Habitat, Trung tâm Đào tạo đô thị quốc tế Hàn Quốc (IUTC) trên các lĩnh vực đầu tư, kinh tế, GD-ĐT, văn hóa - xã hội.
Để xứng đáng trọng trách là đô thị tỉnh lỵ, Đảng bộ thành phố xác định muốn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển cần phải có sự đột phá trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, thành phố đã chủ động phối hợp huy động nhiều nguồn vốn từ chương trình mục tiêu, trái phiếu chính phủ, nguồn của tỉnh, tài trợ ODA, vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhân dân đóng góp… để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Nhờ vậy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 14%/năm. Qua đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị thành phố ngày một hoàn thiện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Cũng cần nói thêm, trong quá trình phát triển đô thị, đã có 7.188 hộ dân Tam Kỳ bị ảnh hưởng, trong đó 493 hộ giải tỏa trắng tại 300 dự án với tổng giá trị bồi thường 1.284 tỷ đồng.
Khang trang cửa ngõ phía bắc TP.Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Xây dựng đô thị xanh
- PV: Dù gặp không ít khó khăn nhưng Tam Kỳ khá thành công trên lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị, nhất là hoàn thành các tiêu chí xây dựng đô thị loại II và thông qua Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng đô thị xanh. Chia sẻ của ông về vấn đề này?
Một số chỉ tiêu chủ yếu của TP.Tam Kỳ nhiệm kỳ 2015 - 2020: Cơ cấu kinh tế TMDV chiếm 71%, CN và xây dựng 27,5%, nông nghiệp 1,5%; hàng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế CN và xây dựng hơn 18%; TMDV tăng 16%, trong đó TMDV kinh doanh tăng 20%; nông nghiệp tăng hơn 6%; kim ngạch xuất khẩu tăng 20%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 12 - 15%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 14.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm hàng năm hơn 4.600 lao động; tỷ lệ lao động được đào tạo đến năm 2020 hơn 75%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hơn 90%... (Theo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XX) |
- Ông Nguyễn Văn Lúa: Nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ thành phố đã có nhiều nỗ lực huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn từ trung ương, tỉnh, vốn ODA, WB và nguồn khai thác quỹ đất tại địa phương. Nhiều công trình trọng điểm được hình thành như cầu Kỳ Phú 1&2; Quảng trường 24.3, đường Tam Kỳ - Tam Thanh, kè suối Tây Yên, đường N10, Nhà Văn hóa thiếu nhi, đường Điện Biên Phủ, Nhà máy Xử lý nước thải đô thị, nâng cấp mở rộng Nhà máy Cấp nước Tam Kỳ, một số công trình cây xanh, vỉa hè (nâng cấp gần 20km), điện chiếu sáng (98% số đường phố chính), bê tông giao thông nông thôn, kiệt hẻm nội thị (hơn 100km). Đến nay, có thể nói kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, làm cho bộ mặt đô thị Tam Kỳ ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp. Hiện thành phố đã thực hiện đạt 41/49 tiêu chí của đô thị loại II, phấn đấu được công nhận vào năm 2016. Đặc biệt, trong năm 2014 đồ án Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt, làm nền tảng cơ bản để xây dựng TP.Tam Kỳ theo hướng đô thị xanh. Có được những thành quả này, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố còn có sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban ngành của tỉnh.
- PV:Nhiệm kỳ 2015 - 2020, trước những cơ hội mới và cũng nhiều thử thách mới, TP.Tam Kỳ sẽ đưa ra những mục tiêu phát triển nào và giải pháp đột phá gì để tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Lúa: Nhiệm vụ, mục tiêu trong nhiệm kỳ đến là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Toàn đảng bộ quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển nhanh TMDV và CN, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về phát triển nông nghiệp đô thị và xây dựng nông thôn mới. Tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng phát triển nhanh kết cấu hạ tầng đô thị gắn với thực hiện tốt công tác quy hoạch, tăng cường quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, xây dựng phát triển đô thị. Đồng thời chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng TP.Tam Kỳ phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh.
Nhằm tạo động lực cho sự phát triển, thành phố xác định các giải pháp đột phá, đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời tập trung phát triển mạnh kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng kinh tế và giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố cũng sẽ đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tam Kỳ làm nền tảng vững chắc trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị bền vững.
- PV: Xin cảm ơn ông!
NGỌC ÁNH (thực hiện)