Xuống bể lên nguồn

BẢO TRÂN 20/05/2013 08:59

Một ngày bình thường của chị Thơi bắt đầu từ hai, ba giờ sáng. Từ quê nhà Tam Xuân (Núi Thành), chị rảo xuống biển Tam Thanh, Tam Tiến, khi thì qua Tam Quang, Tam Hải mua cá. Vừa mưng mửng sáng chị mua được nửa tạ cá, mực, vậy là quày quả chạy ngược lên ngõ nguồn Tiên Phước, Trà My.Bán đến chín, mười giờ sáng hết chuyến hàng, chị lại rảo quanh mua mít non, rau dớn, bắp chuối rừng…chạy xuống. Câu chuyện “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” ghi dấu mối giao tình nguồn bể đã được viết trên những cuộc đời tần tảo như chị Thơi.

Gặp chị Thơi sau 30 năm, câu chuyện vẫn lặp lại điệp khúc lên nguồn xuống bể ấy. Cái khác là ngày trước chị chỉ nhờ quang gánh, đôi vai, chân đi dặm mòn, bây giờ thì nhờ có cái xe máy đỡ đần mớ hàng trĩu nặng. Cái khác nữa là sự nhạy bén thị trường, biết buôn cái gì theo mùa nào thức nấy, lại xoay trở khá nhanh theo cung - cầu. Ví như giờ đây, khi hàng quán nhậu mọc lên trên các phố phường đâu cũng treo bảng đặc sản, chị Thơi đã biết chuyển qua mua hàng cá niêng, ốc đá, ba ba núi… để xuống xuôi, và mua những thức quà biển đặc trưng lên nguồn. Một ký cá niêng kiếm được mươi lăm ngàn tiền lời, chỉ cần bỏ mối 40, 50 ký thì trừ chi phí xe cộ, ngày công cũng còn dư ba, bốn trăm ngàn đồng. Những gánh hàng xén tồn tại được trong thời buổi khó cho thấy cuộc mưu sinh của dân nghèo luôn cần có sự thích ứng linh hoạt với hoàn cảnh và biến động thị trường.

Từ câu chuyện của những người như chị Thơi, gợi đến một vấn đề khác của “con đường hàng hóa” khá quen thuộc của người Quảng. Nông sản, thực phẩm nếu chỉ tự cung tự cấp thì sẽ khó nâng lên giá trị nếu không đi qua cửa ngõ thị trường. Mức cầu càng được kích thích sẽ có nguồn cung tìm đến từ mọi ngóc ngách, ngả đường. Một gánh hàng xén, những chuyến xe như “chợ lưu động”, ai bảo không phải bắt đầu cho ý tưởng hình thành đường dây dịch vụ thương mại giữa hai miền cách trở. Khả năng cơ động, thích ứng nhanh với thời tiết thị trường qua những gánh hàng xén lưu động, sẽ là bài học tìm kiếm thị trường cho “các ông lớn” của ngành thương mại trong điều kiện mà người dân vùng sâu, vùng xa còn thiếu dịch vụ mua - bán sản phẩm. Làm thế nào để tìm đầu ra cho nông sản thực phẩm, từ thị trường nội vùng đến liên vùng, đặt ra câu chuyện  trong suốt nhiều năm dài. Bởi vì, không ai bỏ công khảo sát kỹ lượng cung – cầu và tìm phương tiện làm dịch vụ hữu hiệu. Các bà hàng xén, dẫu là buôn bán cò con nhưng khi bước qua con đường lên nguồn xuống bể dường như nắm bắt được điều ấy để tảo tần gánh lên vai sinh nhai của cả gia đình. Còn chuyện lớn hơn, với ngành thương mại của tỉnh, của quốc gia, có lúc không chú trọng phân khúc thị trường đến nỗi  bỏ mặc cho những vùng nào đó cứ lặp lại cảnh “được mùa mất giá” hoặc rơi vào trạng thái cực đoan chỗ này quá thừa chỗ kia quá thiếu.

BẢO TRÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuống bể lên nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO