Xưởng cưa "bắt tay" với lâm tặc

TRẦN HỮU 30/10/2014 08:17

Vụ phá rừng ở vùng giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng đang điều tra chưa kết thúc, thì cuối tuần qua, ngành chức năng đã phát hiện hơn 26m3 gỗ cất giấu ở sát trung tâm huyện Nam Trà My.

Đột nhập xưởng cưa

Lực lượng chức năng vừa bất ngờ phục kích, phát hiện và tịch thu hơn 26m3 gỗ đang tập kết về địa bàn xã Trà Mai (Nam Trà My). Phần lớn số gỗ trên đã đưa ra khỏi rừng, đang cất giấu và chuẩn bị tiêu thụ tại các xưởng cưa gần trung tâm hành chính huyện Nam Trà My. Con đường gỗ lậu chui về đây đã qua mặt được lực lượng “gác cổng rừng”. Tiết lộ từ người dân địa phương, thời gian gần đây các xưởng cưa đã móc nối với lâm tặc tiêu thụ gỗ bất hợp pháp. Lợi nhuận lớn từ kinh doanh, chế biến gỗ lậu nên các xưởng cưa đua nhau mọc lên ở xã Trà Mai.

Kiểm lâm tỉnh làm thủ tục đưa số gỗ trái phép cất giấu ở thôn 1 (xã Trà Mai) về Hạt Kiểm lâm huyện Nam Trà My. Ảnh: T.HỮU
Kiểm lâm tỉnh làm thủ tục đưa số gỗ trái phép cất giấu ở thôn 1 (xã Trà Mai) về Hạt Kiểm lâm huyện Nam Trà My. Ảnh: T.HỮU

tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần qua, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy số 1 đã đến kiểm tra cơ sở mộc của ông Nguyễn Quốc Oanh (thôn 1, xã Trà Mai).

lâu nay, người dân cho rằng cơ sở này đã tiêu thụ gỗ lậu, qua mặt dễ dàng các cơ quan chức năng. Tại hiện trường, lực lượng kiểm lâm phát hiện 137 thanh gỗ, phách gỗ với khối lượng hơn 6,3m3 và 347 sản phẩm gỗ với các chủng loại huỳnh đàn, sao đen, giổi, xoan mộc, xoan đào, chò… đều không có hồ sơ lâm sản. Lần theo dấu vết ở khu đất trống sát cơ sở mộc này, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 9,3m3 gỗ đã xẻ, cưa thuộc các nhóm I và VI đã chôn dưới lòng đất và giấu trong bụi rậm cây. Toàn bộ số gỗ trên đều vô chủ và không có nguồn gốc hợp pháp. Tiếp tục kiểm tra cơ sở mộc của ông Trần Văn Tân (thôn 1, xã Trà Mai), chủ kinh doanh đã không chứng minh được hồ sơ pháp lý của 101 thanh, phách gỗ (gần 6,6m3) với nhiều gỗ thuộc nhóm I. Ông Tân thừa nhận chỉ mua với số lượng nhỏ (0,9m3), còn lại là người dân địa phương đem đến gia công. Tương tự, các cơ sở chế biến gỗ của ông Nguyễn Hồng Hà, Võ Quang Minh cũng đều chứa chấp, tiêu thụ gỗ lậu. Ông Lê Viết Mai – Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 xác nhận, qua kiểm tra, đơn vị đã tạm giữ hơn 382 thanh, phách gỗ và 347 sản phẩm gỗ trái phép với khối lượng 26m3 tại 5 cơ sở mộc, địa điểm cất giấu.

Gỗ đã rọc phách cất giấu ở gần sát các xưởng cưa.
Gỗ đã rọc phách cất giấu ở gần sát các xưởng cưa.

Ai bảo kê?

Cách đây 4 năm, UBND tỉnh đã có Quyết định 2762/ QĐ-UBND ngày 1.9.2010 ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng.  Theo đó, chính quyền các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo quyết liệt kiểm tra và xử lý, đình chỉ hoạt động thu hồi giấy phép kinh doanh và yêu cầu tháo dỡ các xưởng cưa xẻ gỗ, xưởng mộc có tiêu thụ nguồn nguyên liệu gỗ bất hợp pháp. Đặc biệt không để tồn tại các vùng trọng điểm như cửa rừng, ven các tuyến giao thông đường thủy, các điểm nóng, tụ điểm chứa chấp buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép. Thế nhưng trên thực tế, nhiều xưởng cưa, xưởng mộc trá hình tồn tại dai dẳng, trong khi khâu kiểm tra, xử lý của ngành chức năng và chính quyền sở tại lại lơ là, thiếu cương quyết.

Kiểm tra các xưởng mộc trên địa bàn thôn 1 (xã Trà Mai), lực lượng kiểm lâm đều phát hiện phần lớn các cơ sở này nhận gia công, tiêu thụ gỗ bất hợp pháp. Lâu nay, người dân ở Nam Trà My tỏ ra nghi ngờ về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp tuồn về các xưởng mộc và đặt dâu hỏi tại sao lâm tặc lại ngang nhiên cất giấu gỗ gần trung tâm hành chính huyện? Và tại sao kiểm lâm cơ động của tỉnh phát hiện còn Hạt Kiểm lâm huyện Nam Trà My thì không nắm thông tin? chúng tôi tìm hiểu , sau khi biết ngành kiểm lâm quyết liệt kiểm tra, truy tìm nguồn gốc gỗ lậu, hàng chục xưởng mộc khác lợi dụng ban đêm đã gấp rút đưa gỗ đi cất giấu ở nhiều địa điểm nhằm đối phó. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Trà My – ông Nguyễn Văn Trị cho biết: “Khó quy hết trách nhiệm cho kiểm lâm huyện được. Trên địa bàn huyện có ban quản lý rừng phòng hộ. Gỗ khai thác ở rừng do họ quản lý mà không biết thì kiểm lâm chúng tôi làm sao biết được. Nếu dân biết, báo cho kiểm lâm, kiểm lâm không làm thì kiểm lâm sẽ chịu trách nhiệm”.

Hiện nay, Nam Trà My quản lý và bảo vệ hơn 80 nghìn héc ra rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nhiều năm qua, tình trạng phá rừng khu vực giáp ranh, sát với lòng hồ thủy điện rất nghiêm trọng. Trước đây, sau khi triệt hạ rừng, cưa xẻ thành từng tấm gỗ, các đường dây buôn bán, vận chuyển gỗ lậu lén lút đưa về đồng bằng tiêu thụ. Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên Báo Quảng Nam, trên địa bàn huyện Nam Trà My cũng như các địa phương miền núi, gần đây lâm tặc ít đưa gỗ nguyên khối về đồng bằng mà bán cho các cơ sở chế biến gỗ đóng thành sản phẩm, rồi hợp thức hóa đem tiêu thụ khắp nơi. Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của kiểm lâm địa bàn, với “chiêu bài” trên, nhiều khối lượng gỗ bất minh đã được hợp thức hóa dễ dàng. Mặt khác, sự móc nối giữa lâm tặc và các xưởng mộc rất tinh vi nên ngành chức năng rất khó phát hiện. Thực tế, dư luận địa phương cho rằng, các xưởng cưa sở dĩ tồn tại và lén lút lấn sang hoạt động trá hình là nhờ các khoản “bôi trơn” hằng tháng, được ai đó bật đèn xanh. Ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, ngành đã đề nghị cơ quan chức năng điều tra vụ việc, đồng thời sẽ mở rộng truy quét trên phạm vi rộng, kiểm tra ráo riết và siết chặt các xưởng mộc.
Các xưởng cưa bắt tay với lâm tặc tiêu thụ gỗ lậu là hình thức phá rừng dù không có gì mới nhưng thực sự gióng lên hồi chuông báo động vào thời điểm “đóng cửa rừng” như hiện nay.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xưởng cưa "bắt tay" với lâm tặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO