(QNO) - Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân sinh sống xung quanh xưởng mắm ở thôn Đông Quan (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) vô cùng bức xúc vì thực trạng bốc mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất chưa được giải quyết triệt để.
Lối vào của cơ sở sản xuất mắm ruốc, nước mắm tại thôn Đông Quan, xã Điện Hòa. Ảnh: Q.T |
Ô nhiễm kéo dài
Theo thông tin từ người dân thôn Đông Quan cung cấp, xưởng sản xuất mắm ruốc, nước mắm này đã hoạt động cách đây hơn 10 năm. Mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh xuất hiện ngay từ lúc cơ sở này mới hình thành bởi không có quy trình khép kín, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo trong quá trình sản xuất, bảo quản sản phẩm.
Do phải chịu đựng thực trạng này suốt một thời gian dài nên đến năm 2015, hàng trăm người dân của 4 thôn Đông Quan, Quan Hiện (xã Điện Hòa) và Đức Ký Nam, Đức Ký Bắc (xã Điện Thọ, Điện Bàn) đã bao vây xưởng phản đối và đòi đóng cửa cơ sở này. Ngay sau đó, chủ xưởng đã cam kết sẽ cải thiện tình hình, tuy nhiên được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy khi thực trạng ô nhiễm môi trường vẫn tái diễn.
Ông Nguyễn Kéo, người dân thôn Đông Quan cho biết: “Nhà tôi cách xưởng mắm khoảng 500m và thường xuyên hứng chịu mùi hôi thối của xác cá, mắm nồng nặc từ cơ sở này lan đến. Những ngày mưa thì còn đỡ chứ vào mùa nắng thì ban đêm không tài nào ngủ được bởi mùi hôi thối xộc vào tận giường”. Theo ông Kéo, ông cùng nhân dân trong khu vực đã kiến nghị sự việc này nhiều nơi, cũng đã thương thuyết với đại diện cơ sở nhưng vẫn chưa nhận được cam kết thỏa đáng.
Sẽ giải quyết triệt để
Từ ý kiến khiếu nại của cử tri, cách đây vài tháng, các ngành chức năng của thị xã Điện Bàn đã tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất này và xác nhận cơ sở hoạt động trong tình trạng không đảm bảo điều kiện về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, môi trường. Theo đó, toàn bộ diện tích đất của xưởng hiện nay là đất nông nghiệp thuê của xã Điện Hòa và các hộ dân địa phương, không có hồ sơ pháp lý về môi trường.
Diện tích sản xuất của cơ sở nước mắm này vốn là đất nông nghiệp thuê lại của xã Điện Hòa và người dân địa phương. Ảnh: Q.T |
Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Điện Hòa, diện tích đất nhà xưởng thuê của nhân dân là đất nông nghiệp, trong đó có một phần đất vòng 2 do xã quản lý nhưng đã ủy quyền lại cho thôn quản lý, cho thuê để tạo nguồn quỹ cho các hội, đoàn thể tại cơ sở hoạt động.
Ngày 10.8 vừa qua, UBND thị xã Điện Bàn đã tổ chức cuộc họp giữa các ngành chức năng liên quan với ông Trương Thành Nam, chủ cơ sở nước mắm này. Tại đây, ông Trần Tài - Đội phó Đội kiểm tra quy tắc đô thị thị xã Điện Bàn đề nghị UBND thị xã xem xét bố trí đất ở vị trí khác để doanh nghiệp có kế hoạch di chuyển, tạo điều kiện tái sản xuất cho cơ sở này. Được biết, hợp đồng thuê đất hiện tại của xưởng mắm có hiệu lực đến tháng 3.2018.
Còn theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, hiện tại cơ sở này thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích. Do đó địa phương buộc cơ sở phải nhanh chóng thực hiện giải quyết các thủ tục theo đúng quy định của Luật Đất đai, chậm nhất trước ngày 30.8.2017, nếu không nhà nước sẽ có quyết định thu hồi.
QUỐC TUẤN