Nghe tiếng bác sĩ Trần Ngọc Pháp từ khá lâu, nhưng tôi lại biết ông qua những ngón đàn ngọt lịm ở mỗi bận “Cung đàn mùa xuân” - nơi hội ngộ của các guitarist với người yêu nhạc cổ điển. Bây giờ, tiếp cận ông ở góc độ một thầy thuốc, một bác sĩ tận tâm, lại vỡ ra những điều thú vị ở con người này...
Th.S - BSCK II. Thầy thuốc Ưu tú Trần Ngọc Pháp. Ảnh: XUÂN HIỀN |
Một trưa nắng ở góc sân Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - nơi bác sĩ Trần Ngọc Pháp đang làm quản lý, nhiều bệnh nhân ngồi dưới những tàn cây đang bao phủ gần như cả khoảng sân giữa của bệnh viện. Không gian như thơ ở một nơi hầu như chỉ có những tiếng thở dài, những cái cau mày nhíu mắt, hay những nếp nhăn đã xô lệch đi gương mặt của rất nhiều người già. Có góc sân, khoảng nắng đầu ngày và bóng mát giữa trưa này, như bác sĩ Pháp nói, để tạo cho người bệnh có một không gian thoáng, thì cả y bác sĩ lẫn cán bộ nhân viên của bệnh viện, phải nỗ lực. Không chỉ vì cơ sở vật chất. Mà sự nỗ lực có trong những nụ cười, những câu hỏi han tận tình, hay thậm chí là một ánh mắt đừng tỏ vẻ mỏi mệt của mỗi y bác sĩ. Bởi người bệnh, họ cũng đã đủ mệt với chính mình rồi. Đừng để họ thấy sự nhọc nhằn trên chính người họ đang đặt cược mọi niềm tin.
Vì bệnh nhân
Là người đầu tiên từ ngày Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thành lập, từng góc sân, từng khu chữa trị... bác sĩ Trần Ngọc Pháp là người rõ rành nhất. Năm 2012, bác sĩ Trần Ngọc Pháp nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, như một cách để nhận chân những cống hiến của ông với người bệnh lao truyền nhiễm ở Quảng Nam - Đà Nẵng. “Từ chỗ ban đầu chỉ có hơn 35 cán bộ, viên chức, lao động, trang thiết bị chuyên dụng y tế gồm 1 kính hiển vi và 1 máy X-quang tiếp nhận từ Trạm chống Lao, trong khi đó bệnh viện phải đảm nhận hai nhiệm vụ khó khăn là vừa triển khai chương trình chống lao quốc gia trong toàn tỉnh vừa khám chữa bệnh tại bệnh viện. Công tác phòng chống lao là một chuyên ngành khó thực hiện, vì tính chất đặc thù về xã hội, hoạt động phát hiện và quản lý điều trị. Đặc biệt Quảng Nam có địa bàn trải rộng, nhiều huyện vùng núi còn khó khăn...” - Thầy thuốc ưu tú Trần Ngọc Pháp trầm ngâm.
Th.S-BSCK II. Trần Ngọc Pháp sinh năm 1960 là Thầy thuốc Ưu tú được Chính phủ trao tặng hồi năm 2012. Năm 2015, ông nhận được giải thưởng Phạm Ngọc Thạch do Bộ Y tế trao tặng cũng như nhiều bằng khen từ Bộ Y tế, UBND tỉnh... Ông cũng là một trong các bác sĩ, cán bộ y tế đầu tiên từ Đà Nẵng vào Quảng Nam từ năm 1997. |
Ngay cả tên gọi từ Trạm chống Lao chuyển thành Bệnh viện Lao và bệnh phổi Quảng Nam, đến hiện tại là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đủ để thấy những bước chuyển từ một nỗi ám ảnh với người dân, nỗi mặc cảm với người bệnh, trở nên dễ chấp nhận hơn. Bác sĩ Pháp nói, tên bệnh viện thay đổi, để người dân vơi đi những mặc cảm và cũng để bệnh viện gần với người dân hơn. Vì bác sĩ Phạm Ngọc Thạch không chỉ là tấm gương lớn về y đức, ông là một trong những thầy thuốc chuyên khoa lao đầu tiên ở Việt Nam, là hội viên độc nhất ở Đông Dương trong Hội Nghiên cứu về lao của Pháp từ năm 1936. “Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng là người sáng lập và là viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp chống lao thế giới. Ông có công lớn nhất xây dựng chuyên khoa và là người thầy lớn nhất của chuyên khoa lao - bệnh phổi… Do đó, việc thay tên bệnh viện như nhắc nhở toàn thể cán bộ, y - bác sĩ của bệnh viện noi gương bác sĩ Phạm Ngọc Thạch để phục vụ bệnh nhân” - bác sĩ Trần Ngọc Pháp nói. Và người đứng đầu bệnh viện này cũng mang theo tinh thần như vậy, mang tất cả tâm lực của mình để ngày đêm tìm kiếm những phương cách điều trị tốt nhất đến người bệnh.
Lao từng là căn bệnh không chữa trị được, là nguồn lây nhiễm cao cho cộng đồng. Đã từng và hiện tại vẫn là căn bệnh phải điều trị dài ngày lại có khả năng lây nhiễm cao, nhiều bệnh nhân không muốn để người nhà đến chăm sóc. Vậy mà từ thưở thanh niên, thầy thuốc Trần Ngọc Pháp đã chọn chuyên khoa lao để theo suốt cuộc đời mình. Ông nói, truyền thống gia đình làm ngành y, nên cứ như một con đường định sẵn, một tư duy đã được định hình từ khi trưởng thành, rằng tất cả là vì người bệnh. Dẫu có thể gặp hiểm nguy, phải lựa chọn những lằn ranh giữa riêng tư, phải chịu hy sinh... Ông từng bị phơi nhiễm sau một quá trình tiếp xúc với bệnh nhân từ những ngày đầu. Gần 20 năm, câu chuyện này vẫn được nhiều đồng nghiệp trong những lúc trà dư tửu hậu kể với nhau, cùng niềm cảm phục, trân trọng.
Cơn gió lành từ âm nhạc
Và người thầy thuốc đáng kính này còn một mảng miếng khác, khiến người ta quên đi sự lạnh lùng của dao kéo, sự hiểm nguy từ bệnh tật, sự nhọc nhằn đau đớn từ những gương mặt đang chờ đợi một phép màu... Trần Ngọc Pháp trên sân khấu của guitar cổ điển, như là một người đàn ông khác, phảng phất âm hưởng của một nghệ sĩ mê say. Những giai điệu réo rắt, khi trầm, khi bổng, khi thủ thỉ lúc cao trào đã chạm được vào trái tim của người yêu nhạc. Hình ảnh người đàn ông si mê cây đàn, và từ giai điệu của Tây ban cầm đã xoa dịu bao nhiêu cảm xúc hờn giận của con người. Có người ví giai điệu guitar cổ điển giống như những đợt sóng, lúc rỉ rả dịu êm, lúc lại dâng như cơn sóng trào, khiến người nghe không bao giờ gặp cảm giác nhàm chán. Ở đó, ngay trong cái không gian của âm nhạc đích thực, nếu thả mình liên tưởng theo những giai điệu người nghệ sĩ trình diễn, khán thính giả sẽ được chu du qua bao nhiêu miền văn hóa. Và khi nhìn người thầy thuốc này tay mê mải lướt trên cung đàn, như quên đi rằng ông đã từng phải rất nghiêm cẩn với bao nhiêu xét nghiệm, từng cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ của phác đồ điều trị.
Bác sĩ ở BV Phạm Ngọc Thạch với bệnh nhân. Ảnh: AN - VY |
Bác sĩ Trần Ngọc Pháp nói, trước âm nhạc, ông như mới chính là mình, ở góc thẳm sâu nhất. Nghề y gắn như một định mệnh đời người thì âm nhạc là cơn gió lành trên con đường đi đầy khắc nghiệt. Không qua trường lớp cơ bản, ông mày mò tự học. Để đến khi có thể tự chơi một bản nhạc chuyển soạn từ đơn thuần nên một khúc nhạc chơi theo những thể điệu của guitar cổ điển, Trần Ngọc Pháp mới tìm đến với số đông. Ông được bạn bè yêu quý vì ở đam mê nào, ông cũng say sưa nhiệt thành. Ở nhiều chuyên ngành y học khác, âm nhạc như một liệu pháp để phần nào giúp người bệnh chữa trị. Và với những bệnh cần sự điều trị lâu dài, âm nhạc giúp xoa dịu những thương tổn về cảm xúc mà người bệnh đang chịu đựng.
Riêng với thầy thuốc Trần Ngọc Pháp, ông nói, ở góc độ người yêu nhạc cổ điển, ông mong sẽ có nhiều không gian, nhiều khán giả hơn cho thứ âm nhạc đầy tinh tế và mê hoặc này. Bởi không chỉ có thể góp phần vơi đi những mệt mỏi lo lắng, âm nhạc còn giúp người ta suy nghĩ tích cực hơn. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Guitar cổ điển Quảng Nam, ông luôn mong có thể kết nối với các nhóm nhạc cổ điển từ khắp nơi, nhiều hơn những sân chơi thiên về bộ môn âm nhạc này cho các em nhỏ.
Mối giao thoa giữa người thầy thuốc và chơi nhạc, đủ để Trần Ngọc Pháp truyền cảm hứng sống tích cực, lành hiền đến với nhiều người hơn, đặc biệt là những người đang cùng ông làm ở cơ sở y tế đặc thù như Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Người bệnh nhân già Trần Văn Thanh (Hà Lam, Thăng Bình), giữa trưa nắng ngồi cùng bác sĩ Trần Ngọc Pháp, kể lại câu chuyện rằng mới hồi hôm nhập viện, các cô y tá chạy khắp nơi để tìm cho ông cây mắc màn, rồi sáng nay lại mang cháo từ thiện đến. Và hiện hữu trên gương mặt hai người đàn ông, là nụ cười rằng điều đó, ắt đã trở nên bình thường ở bệnh viện này...
XUÂN HIỀN