Bên cạnh nền y học hiện đại đã có những bước tiến vượt bậc, y học cổ truyền cũng đang phát huy được những thế mạnh của mình, chung tay góp sức đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Phát huy thế mạnh
Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, lợi thế của đông y chính là chữa những bệnh mãn tính kinh niên, một số bệnh xuất hiện theo mùa, bệnh của người già như: chấn thương về cơ gân, đau thần kinh tọa, phong, tê thấp khớp, dạ dày, di chứng sau các tai biến mạch máu não… Hiện nay, toàn tỉnh có 13/18 huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Hội Đông y với 500 hội viên được cấp thẻ và 90 chi hội hoạt động lồng ghép vào trạm y tế. Các hội viên cũng đã được Sở Y tế tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận hành nghề. “Y học hiện đại còn gọi là y học chứng cứ, nghĩa là bằng những hình ảnh có thể thấy được thông qua chụp phim, siêu âm, cắt lớp… từ đó có cách chữa trị hợp lý. Còn y học cổ truyền là y học của sự trải nghiệm được đúc rút từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay để có những phương thuốc phù hợp nhằm kìm hãm, chữa trị từ gốc của căn bệnh…” - ông Sỹ nói.
Y học cổ truyền tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ảnh: B.T.T.M |
Cũng chính vì thế, số lượng người bệnh hướng đến sự chăm sóc của y học cổ truyền vẫn không hề giảm trong thời gian qua. Ông Lê Thân - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết, bệnh viện có quy mô 190 giường theo kế hoạch, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu điều trị, thực kê của bệnh viện lên đến 278 giường. Năm 2015, bệnh viện đã tổ chức khám cho hơn 35.000 lượt bệnh, điều trị nội trú cho 5.000 lượt bệnh nhân, trong đó tỷ lệ người cao tuổi chiếm 66,7%. Nói về cấp cứu, hồi sức thì Đông y không thể so sánh với Tây y. Nhưng Đông y có mặt mạnh trong việc chữa trị về nguồn gốc của căn bệnh hoặc những di chứng để lại của chứng tai biến mạch máu não. Nói như thế không phải để so sánh cái nào tốt hơn, mà là để thấy những mặt mạnh của mình, từ đó phát huy được hiệu quả. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Nhơn (65 tuổi, xã Quế Long, huyện Quế Sơn) tự nhiên bị méo miệng hơn tuần nay (theo thuật ngữ của Tây y là liệt dây thần kinh số 7) đã nhờ đến sự can thiệp của Đông y. “Nhờ châm cứu, bấm huyệt, bệnh đã đỡ nhiều rồi, nói năng cũng dễ dàng hơn” - bà Nhơn nói.
Việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu từ cây thuốc nam luôn được các hội Đông y chú trọng. |
Việc kết hợp giữa Đông và Tây y sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân, cũng là một cách để gìn giữ và phát huy những thành tựu đã đạt được của ngành Đông y trong thời gian qua. “Hiện nay, Đông y đã biết vận dụng, kết hợp với Tây y để chữa trị bệnh. Bác sĩ Đông y hiện nay đều được trang bị kiến thức cơ bản về xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh tốt hơn” - ông Thân cho hay. Ông Thân còn chia sẻ, để tiếp tục phát huy vai trò của Đông y trong đời sống nhân dân, Bộ Y tế nói chung và Sở Y tế nói riêng đã có những phương án để bảo tồn và phát huy y học cổ truyền trong thời gian tới.
Bảo tồn nguồn dược liệu quý
“Tại các trạm y tế xã đã bắt đầu tổ chức lồng ghép hoạt động khám chữa bệnh Đông y cho người dân. Đây là cách tốt nhất để dần khẳng định vai trò của y học cổ truyền. Quan trọng nhất vẫn là để hướng dẫn cho người dân biết cách tận dụng những cây thuốc quý có sẵn ngay trong tự nhiên, phục vụ cho việc chữa bệnh của bản thân cũng như người trong gia đình mình”. (Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế) |
Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, một trong những lợi thế lớn nhất của Đông y chính là nguồn thuốc có từ tự nhiên, nếu biết cách vận dụng thì hiệu quả rất cao mà ít có tác dụng phụ. Cũng chính vì vậy, Hội Đông y tỉnh luôn vận động, tổ chức những lớp tập huấn cho người dân để trang bị kiến thức cho họ, tận dụng được nguồn thuốc từ trong tự nhiên. “Lâu nay nguồn dược liệu của chúng ta bị hạn chế rất nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào nơi khác cung cấp. Trong khi đó, những cây thuốc nam sẵn có trên địa bàn lại rất nhiều nhưng người dân lại không biết khai thác. Vì vậy, việc phát huy và bảo tồn, khai thác nguồn dược liệu trên địa bàn trong thời gian tới sẽ được Hội Đông y đẩy mạnh, tạo ra nguồn dược liệu một cách chủ động để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân” - ông Sỹ nói.
Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Hội Đông y tỉnh đã thực hiện khám bệnh cho 8,3 triệu lượt người; điều trị theo các phương pháp y học cổ truyền cho 6,1 triệu lượt người (trong đó có điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc: châm cứu, xoa bóp, vật lý trị liệu, day bấm huyệt…). Tổng số thang thuốc đã bốc bán hơn 7,3 triệu thang; tổng số thuốc hoàn đã sản xuất phục vụ 9.320kg; tổng số cao lỏng và thuốc nước 12.200 lít. Trong đó, hội đã phục vụ cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện và chính sách xã hội cho hơn 35 nghìn lượt người với các loại hình khám bệnh, bốc tặng thuốc y học cổ truyền và thực hiện các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. |
Ông Trần Trừng - Chủ tịch Hội Đông y thị xã Điện Bàn cho biết, tại các phòng khám trên địa bàn đều treo nhiều pa nô, áp phích, trưng bày hình ảnh ở quanh phòng tuyên truyền trực quan về phương pháp chữa bệnh bằng cây thuốc nam. Ngoài ra, các cơ sở Đông y dán giấy ghi rõ công dụng của những cây thuốc nam dễ tìm thấy, dễ trồng trong vườn nhà để người dân khi đến khám chữa bệnh có thể tìm hiểu, sử dụng ở nhà lúc cần thiết. Người thầy thuốc ngoài công tác khám chữa bệnh còn có trách nhiệm truyền đạt chu đáo về công dụng cây thuốc nam và hướng dẫn người dân tìm kiếm những cây thuốc này trong tự nhiên từ ruộng, vườn, bờ ao… “Khi tìm thấy những loại cây thuốc, người dân nhổ đem về phơi khô để gửi lại cho phòng khám. Và chính những cây thuốc này sẽ được dùng để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Từ cách làm này, Hội Đông y thị xã Điện Bàn đã bổ sung được số lượng thuốc nam rất lớn để chữa bệnh phục vụ cho công tác từ thiện” - ông Trừng cho hay.
Cũng theo ông Trần Trừng, việc sử dụng cây thuốc nam có hiệu quả rất lớn trong việc điều trị những căn bệnh mãn tính như xơ gan, tiểu đường, men gan cao, thận hư, dạ dày, đại tràng và nhiều chứng khó trị khác. Chính vì vậy, hội đã phối hợp với các đơn vị khác như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm về việc sử dụng những loại cây thuốc nam. Các hội sẽ trở thành kênh thông tin tuyên truyền trong cộng đồng để người dân nhân rộng cách trồng và thu hái những loại cây thuốc cung cấp cho các phòng khám Đông y tại địa phương. Tương tự, ông Bùi Quang Nhẫn - Chủ tịch Hội Đông y Phú Ninh cho biết, hội thảo, tọa đàm về cây thuốc nam cũng là hoạt động thường xuyên của hội để chia sẻ kiến thức chuyên môn trong hội viên và giúp người dân hiểu được giá trị của việc điều trị từ cây thuốc nam. “Đôi khi là những cây thuốc rất đơn giản nhưng hiệu quả lại cao. Chính vì vậy, hội thường bắt đầu bằng những bài thuốc đơn giản như hướng dẫn sử dụng nồi lá xông, thuốc xông, cách điều trị các bệnh thông thường như đau bụng, cảm cúm… cho người dân” - ông Nhẫn nói.
NGUYỄN DƯƠNG - BÙI THANH MINH