Ý kiến cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14: Vướng ở lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên môi trường

M.ĐỨC 23/05/2017 09:06

Trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp sát thực tế, trong đó tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và tài nguyên môi trường.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nuôi trồng thủy sản phát triển, nhiều cử tri đề nghị Chính phủ xem xét ban hành các cơ chế, chính sách mới hỗ trợ nông dân như đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vay vốn, giống, kỹ thuật… Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức đầu tư cho các xã để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xem xét quy định cơ chế hỗ trợ ngân sách nhà nước để các xã đầu tư, thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 như hỗ trợ mua sắm thiết bị, xây dựng điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; hỗ trợ đài truyền thanh xã... Cử tri cho rằng Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới quy định tiêu chí tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên là không phù hợp với thực tiễn, nhất là ở các xã vùng cao, khu vực miền núi. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Ở lĩnh vực tài nguyên môi trường, cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường có văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình, nội dung thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân (không thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai) để các địa phương thực hiện thống nhất. Cử tri cũng phản ảnh, hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư nhiều nơi gặp vướng mắc khi bồi thường bằng việc giao đất ở tái định cư, do giá đất tái định cư thường cao hơn giá trị đất được bồi thường, người dân không đủ khả năng nộp phần chênh lệch nên không chấp thuận việc giải phóng mặt bằng. Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 47/2014/NĐ-CP theo hướng: Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất chênh lệch trong trường hợp tiền bồi thường về đất ở nhỏ hơn tiền đất tái định cư.

Một vướng mắc khác được nhiều cử tri phản ảnh, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, một trong những giấy tờ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15.10.1993”. Tuy nhiên, tại Quảng Nam, hầu hết Sổ địa chính được lập sau ngày 15.10.1993; riêng Sổ đăng ký ruộng đất được lập theo Chỉ thị 299 (thời điểm sau năm 1980) nên hiện nay tại các địa phương không còn lưu trữ hoặc còn nhưng không đảm bảo tính pháp lý (không có cơ quan nào ký xác nhận), vì vậy việc áp dụng quy định này đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhiều hộ dân. Do vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét tham mưu Chính phủ có hướng dẫn cụ thể hoặc xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai 2013 nhằm phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo quyền lợi của người dân...

M.ĐỨC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ý kiến cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14: Vướng ở lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO