Huyện Núi Thành vừa tổ chức thành công cuộc tọa đàm về thực hiện các phong trào, xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH) ở khu dân cư. Tại đây, có nhiều ý kiến trao đổi về những thuận lợi, khó khăn rất thiết thực, bổ ích.
Đường làng thôn Trung Thành, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành). ẢNH: TAM MỸ |
Kết quả đáng mừng
Nhiều năm nay, huyện Núi Thành lấy khu dân cư (thôn, khối phố) làm địa bàn quan trọng để triển khai các nội dung, tiêu chí để đánh giá việc triển khai thực hiện xây dựng ĐSVH. Theo đó, mặt trận, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã có nhiều biện pháp vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện sôi nổi các phong trào thi đua xây dựng ĐSVH, góp phần đáng kể vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành chia sẻ: “Từ xuất phát điểm của mỗi khu dân cư, ban vận động xây dựng ĐSVH đã chọn nội dung trọng tâm của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để triển khai thực hiện. Ở những khu dân cư vùng biển phát huy thế mạnh khai thác, đánh bắt hải sản, nhiều mô hình vận động nhân dân đoàn kết vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo được nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện. Ở những khu dân cư vùng đồi núi, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế rừng, kinh tế trang trại. Ở vùng đô thị, việc đoàn kết giữ vững an ninh trật tự thôn xóm với các hoạt động nổi bật của nhân dân là tham gia các mô hình “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh trật tự” đã được mọi người dân đồng tình hưởng ứng, tham gia sôi nổi. Thành tích của các khu dân cư đã “cộng hưởng” nên những kết quả nổi bật của phong trào xây dựng ĐSVH huyện. Đến cuối năm 2017, huyện có 36.822 gia đình, 42 tộc họ, 124 khu dân cư và 146 cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Núi Thành cũng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thể hiện tính bền vững của phong trào. Bằng việc thực hiện tốt mô hình “5 đoàn kết - 3 trong sạch”; xây dựng con đường tự quản “sáng, xanh, sạch, đẹp”; “ không đốt vàng mã khi đưa tang”… được nhân dân đồng thuận hưởng ứng. Các khu dân cư, tổ đoàn kết hoàn thành sớm các chỉ tiêu huy động quỹ, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững; phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân...
Chồng chéo, bất cập
Tại buổi tọa đàm chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện các phong trào do huyện tổ chức, đại diện lãnh đạo xã Tam Thạnh, khu dân cư Nam Định (xã Tam Anh Nam), tộc Phan thôn Tân Lộc (xã Tam Tiến), khu dân cư Đông Xuân (xã Tam Giang), tộc Võ Đăng ở thôn Xuân Ngọc 1 (xã Tam Anh Nam)... đã có những đề xuất thiết thực về các vấn đề trọng tâm ở cơ sở. Đó là việc chồng chéo các danh hiệu thi đua của các ngành; việc kiểm tra phong trào của mỗi tổ chức, đoàn thể ở cùng địa bàn dân cư; việc phân định rõ ràng trách nhiệm tuyên truyền vận động của Mặt trận, việc tham gia hưởng ứng thực hiện các nội dung cuộc vận động của các tổ chức đoàn thể cần có sự hiệu triệu, phối hợp và thống nhất hành động để nâng cao chất lượng phong trào; việc tổ chức tập huấn cụ thể từng phần việc mà Mặt trận cơ sở cần phải tham gia; việc định hình các tiêu chí mở ở dạng “khung” để từng địa phương cụ thể hóa phong trào thi đua “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng” ở cơ sở để đưa vào thang điểm; việc khống chế tỷ lệ gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương chỉ 1% khó động viên, cổ vũ phong trào… Thực tế cho thấy, để công nhận các danh hiệu văn hóa trong phong trào “xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện” gặp không ít khó khăn. Vấn đề điểm liệt khi xét gia đình văn hóa (hội họp ở khu dân cư, tham gia các chỉ tiêu pháp lệnh, bảo đảm an toàn thực phẩn; ly hôn; bạo lực gia đình…); việc công nhận “thôn văn hóa” liên tục (có 70% số thôn đạt danh hiệu văn hóa 3 năm liền mới xét đạt tiêu chí văn hóa nông thôn mới)...
Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư huyện ủy Núi Thành cho biết, với tinh thần cầu thị, phát huy tính dân chủ, buổi tọa đàm đã thành công ngoài mong đợi. Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đã sôi nổi thảo luận, trao đổi thẳng thắn. Từ những kinh nghiệm và hiểu biết qua thực tiễn công việc và đời sống đã đóng góp cho lãnh đạo địa phương nhiều thông tin, ý kiến bổ ích, đưa ra những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, tộc văn hóa trên địa bàn huyện. Trên cơ sở nội dung tọa đàm cấp huyện, với thế mạnh của từng địa phương, ban chỉ đạo xây dựng ĐSVH cấp xã cũng phần nào định hình những phần việc thiết thực để triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn; phấn đấu xây dựng nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu,nhiều khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
LÊ NHƯ