Một, hai, ba…
Loài người thuộc các nền văn minh sơ khai đều bắt đầu biết đếm và ghi số từ những sự vật cụ thể. Các dân tộc ở vùng rừng núi Trường Sơn, Tây Nguyên trước đây dùng dây mây “thắt gút” để tính tuổi. Người Ca Dong ở Quảng Nam “cân đo” một con heo lớn bé bằng cánh tay, bàn tay và ngón tay. Nhiều bộ lạc thổ dân ở khu vực Thái Bình Dương ngày nay vẫn còn dùng cách đếm bằng vỏ sò, hạt dẻ, cọng dừa… từ xa xưa của tổ tiên họ. Còn các chữ số I, II, III… của người La Mã hay 一, 一, 三… của người Trung Hoa đều là hình ảnh các ngón tay chìa ra trước mặt, khác nhau chẳng qua chỉ là nằm dọc hay nằm ngang mà thôi. Những cách đếm như thế rất trực quan nhưng không biểu thị được những thực thể có số lượng lớn. Không rõ trên thế giới, các số “triệu, tỷ” xuất hiện từ bao giờ. Đọc các sử thi Trung Hoa chỉ thấy nói tới số “muôn” hay “vạn”; còn các chữ số La Mã I, V, X, L, C, M chỉ ghi được số lớn nhất là 3.999 (MMMCMCIX), cho dù có dùng thêm cách biểu diễn gạch ngang trên đầu (-) để nhân lên 1.000 lần đi nữa thì cũng chưa đến 4 triệu. Như vậy, có lẽ người xưa chưa có ý niệm về những thực thể đếm được có số lượng quá lớn. Nếu cần diễn tả, họ sẽ dùng những cách nói trừu tượng như “Nhiều như sao trên trời” hoặc “Hằng hà sa số” (Số cát bên sông Hằng)…
Dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ảnh: Internet |
Triệu triệu, tỷ tỷ…
Trong một số bản tin trên tivi, đôi khi nghe phát thanh viên diễn tả số đông bằng những câu đại loại như “…chiến thắng trong trận bóng này đã làm nức lòng hàng triệu triệu khán giả nhà…”, hoặc “… chương trình này đang được hàng tỷ tỷ người trên thế giới theo dõi…”. Có lẽ phát thanh viên này vì… “cao hứng” quá nên “quên” rằng “triệu triệu” bằng 1.000 tỷ, còn “tỷ tỷ” thì có tới 18 chữ số “0”, trong khi dân số nước ta chưa đến 100 triệu, còn thế giới mới cán mốc 7,29 tỷ người vào ngày 1.1.2016. Khi xem tivi, những khán giả tinh ý sẽ thấy một số bản tin thường bị nhầm lẫn về số, chẳng hạn: “… Đập thủy điện Lai Châu có dung tích 1.250 tỷ mét khối…”, nghĩa là gấp 100 lần dung tích của hơn 6.000 hồ thủy lợi trên cả nước cộng lại (12,4 tỷ m3). Con số thực là 1,25 tỷ hay 1.250 triệu m3. Hoặc mới đây, trong chương trình “Thế giới kết nối” lúc 17h ngày 5.1.2017, có một tin làm… “trợn mắt” những ai thường nhạy cảm về “số”: “Cụ ông Robert Marchand 105 tuổi người Pháp vừa giành kỷ lục về xe đạp đối với người cao tuổi khi chỉ mất 1 tiếng đồng hồ để đi hết quãng đường dài 22.528km”. Với con số này thì chiếc xe đạp của cụ Marchand đã lao đi với vận tốc gần bằng… trạm vũ trụ quốc tế ISS (27.743km/h), hoặc cụ chỉ cần chưa hết 2 tiếng đồng hồ để chạy giáp vòng trái đất(!). Kinh!
Phần trăm
Trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, người ta thường biểu thị sự tăng giảm bằng chỉ số phần trăm (%). Đó là một trong các nguyên tắc của bộ môn thống kê. Tuy nhiên, nếu không dẫn ra con số đi kèm thì không phải ai cũng hình dung được cái quy mô của số phần trăm đó như thế nào, nhất là giới bình dân. Chẳng hạn nói “GDP của Mỹ năm 2015 tăng 2,4%” thì có lẽ nhiều người sẽ trề môi cho là quá kém. Nhưng nếu phiên ra con số tương ứng thì sẽ bằng 590 tỷ USD, tức gấp 3 lần GDP của nước ta. Có anh bạn ở gần nhà làm luận án tiến sĩ về cây đậu phụng. Anh về quê thuyết phục bà con nông dân thử nghiệm kỹ thuật phun các hóa chất như Bhor, Molypden trên lá đậu hàng đêm. Bà con hỏi: “Tăng được mấy?” - “8 phần trăm” - “Tám phần trăm là mấy séc?” - “ Cứ trước đây 100 ký thì nay sẽ tăng được 8 ký” - “Phừ… Rứa thì chỉ cần đổ thêm một gánh phân cũng đủ chớ cần chỉ phải thức đêm thức hôm đi phun cho mệt!”. Lại có hai bác nông dân cãi nhau bên bờ ruộng: “Đám dưa ni trúng trăm phần trăm lão hỉ?” - “ Hứ! Trăm phần ngàn đó cho hết nữa là trăm phần trăm!”.
Chín nghìn tỷ
Ngành tư pháp đang “mở màn” cho năm 2017 bằng phiên phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh ở Ngân hàng xây dựng (VNCB). Hầu hết báo đài đều nhắc đến con số 9.000 tỷ đồng đã bị thất thoát. Một bữa ngồi kháo chuyện này với anh trưởng thôn, anh bảo: “9.000 tỷ thì thấm béo gì so với vụ Vinashin 86.000 tỷ hồi 5 năm trước” - “Nhưng mà lớn lắm ông ạ” - “ Lớn cỡ bao nhiêu?”- “Này nhé! Số tiền này lớn hơn tổng thu ngân sách của 9 tỉnh nghèo miền núi phía Bắc trong năm 2013, tức là năm mà thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ Phạm Công Danh…” – “Thôi, ông nói xa vời quá, ai mà hiểu được!” - “Ừ thì nói gần. Thôn mình có khoảng 2.000 dân phải không? Nếu tính mỗi người ăn theo mức lương tối thiểu hiện nay thì số tiền này có thể nuôi cả thôn mình trong vòng… 300 năm đó!”- “Cũng hơi khó hình dung, ông so với cái chi cụ thể hơn đi!” - “Được rồi, thì cụ thể! Giá mỗi con bê cái như của Lục lạc vàng là bao nhiêu?” - “Rẻ rồi. Bữa ni khoảng tám, chín triệu chi đó.” – “Vậy thì chín nghìn tỷ mua được 1 triệu con, hỗ trợ cho 1 triệu hộ nghèo trên cả nước. Số tiền này cũng có thể bỏ tiết kiệm, với lãi suất 7% thì mỗi năm lãi được 630 tỷ, có thể “bao cân” chi phí phẫu thuật cho 15.750 trẻ em bị dị tật tim bẩm sinh (chi phí trung bình mỗi ca 40 triệu đồng), nghĩa là tất cả các ca bệnh này đang tồn tại trên phạm vi toàn quốc, khỏi phải rát họng đi kêu gọi tài trợ”.
Chín nghìn tỷ đồng đã có giá trị so sánh như thế thì những thiệt hại do tham nhũng, lãng phí gây ra trong mấy năm gần đây còn “khủng” biết dường nào? Trong 12 dự án thua lỗ, “đắp chiếu” mà chính phủ đã nêu ra cuối năm 2016, chỉ tính riêng 3 dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy xơ sợi Đình Vũ và nhà máy đạm Ninh Bình đã vô hiệu hóa 27 ngàn tỷ đồng, tức gấp 3 lần những con số kể trên.
PHAN VĂN MINH