Bệnh viện lại thiếu thuốc, vật tư

XUÂN HIỀN 26/05/2023 07:56

Bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Vật tư y tế gần như cạn kiệt, phải chuyển viện với nhiều phẫu thuật thông thường. Chưa kể, máy móc thiết bị hiện đại bị hư hỏng dừng hoạt động nhưng không thể sửa chữa vì vướng cơ chế...

Nhiều cơ sở y tế công lập đang phải đối diện với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: X.H
Nhiều cơ sở y tế công lập đang phải đối diện với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: X.H

Ngày 4/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP song hành với Nghị định 07/2023/NĐ-CP nhằm thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, với nhiều quy định được kỳ vọng từng bước tháo gỡ khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu vật tư y tế và cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại nhiều bệnh viện (BV). Tuy nhiên, hiện nay nhiều BV công lập tại Quảng Nam vẫn phải tìm cách xoay xở với câu chuyện thuốc và vật tư y tế.

Thiết bị hỏng nhưng không được sửa chữa

Một bác sĩ tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam chia sẻ, mỗi lúc tư vấn cho bệnh nhân về chi phí mua thuốc, chị lại phải nghe lời cằn nhằn. Các thuốc cơ bản giảm đau hiện nay đều phải tính vào viện phí bệnh nhân. Thuốc an thần hay hạ sốt loại tiêm truyền, bệnh nhân phải tự đi mua.

“Thuốc điều trị viêm gan B đứt hàng cả năm nay, bệnh nhân điều trị phải đi mua ngoài. Họ liên tục cằn nhằn bác sĩ” - bác sĩ này chia sẻ.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng Luật BHYT sửa đổi, Luật Dược sửa đổi, Luật Trang thiết bị y tế. Đồng thời phối hợp với Bộ KH-ĐT sửa đổi Luật Đấu thầu và Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022; phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Luật Giá, Nghị định số 29/NĐ-CP, Nghị định số 151/NĐ-CP; Thông tư số 58/2016/TT-BTC; Thông tư số 277/2016/TT-BTC và Thông tư số 278/2016/TT-BTC. Trong thời gian sớm nhất Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư sửa đổi thay thế Thông tư 03/2020/TT-BYT và Thông tư 15/2020/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu tập trung; khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 07. Bộ Y tế và Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp xây dựng quy chế đấu thầu thuốc, tham gia đấu thầu. Đối với Nghị quyết 30 của Chính phủ, trong quý 2 này sẽ phải xong hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng để các cơ sở y tế căn cứ thực hiện.

Hồi cuối tháng 4, một bệnh nhân từ Quảng Ngãi gặp phải tình trạng đột quỵ phải được can thiệp tim mạch. Người nhà dự kiến đưa bệnh nhân vào điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam vì được các bác sĩ ở Quảng Ngãi cho biết, Khoa Nội tim mạch của BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam được trang bị dàn máy DSA dùng để can thiệp tim mạch, lấy huyết khối trong nhồi máu cơ tim... Đây cũng là một trong số 15 máy hiện có tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi liên hệ tại BV, người nhà được biết dàn máy DSA này đã hư hỏng từ trước tết 2023 đến bây giờ chưa được sửa chữa.

Ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết, với sự cố của dàn hệ thống DSA can thiệp tim mạch, ban đầu BV cứ ngỡ sẽ áp dụng Nghị quyết 30 của Chính phủ để thực hiện thủ tục sửa chữa. Tuy nhiên, khi trình hồ sơ lên Sở Y tế, Sở Tài chính, lại được trả lời rằng đây là một vật tư thay thế chứ không phải máy móc thiết bị, do đó không phải là phạm vi áp dụng của Nghị quyết 30. Nếu không thể áp dụng Nghị quyết 30, BV phải tìm cho được 3 báo giá về thiết bị cần thay thế của dàn DSA này.

“Nhưng nhà thầu kinh doanh lại cho biết mỗi hệ thống DSA tại Việt Nam hư hỏng các vị trí khác nhau, nên linh kiện thay thế khác nhau. Đối với máy độc quyền, tìm được 3 báo giá với cùng linh kiện là điều không thể. Chúng tôi đã trình nhiều thủ tục xin cơ chế để sửa chữa nhưng đều không được thông qua” - ông Phạm Ngọc Ẩn nói. Hệ thống DSA không thể vận hành khiến nhiều bệnh nhân gặp các bệnh lý nặng về tim mạch cần can thiệp phải chuyển viện.

Chưa thông thủ tục đấu thầu

Tại BV Đa khoa khu vực Quảng Nam (thị xã Điện Bàn) cũng diễn ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Ông Nguyễn Tải - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết, hiện nay kho thuốc trong danh mục BHYT của BV đã hết.

Một số bệnh thông thường hiện phòng khám vẫn còn gồng gánh được nhưng cũng chỉ có thể trong thời gian ngắn sắp tới. BV từ đầu năm đến nay chỉ mua bổ sung được 1 gói vật tư, do vậy vật tư y tế vẫn đang thiếu. BV phải kê đơn để bệnh nhân ra ngoài mua thuốc.

Trong khi đó, ngày 24/6/2022, tại Quyết định số 1702, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung cấp địa phương thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao năm 2023 - 2024. Theo phương án, danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương được duyệt gồm danh mục hóa chất, vật tư y tế tiêu hao; danh mục thuốc Generic; danh mục thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và vị thuốc cổ truyền.

Các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao năm 2023 - 2024 gồm: BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam mua sắm tập trung hóa chất, vật tư y tế tiêu hao (năm 2023); BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam mua sắm tập trung thuốc Generic (năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024); BV Đa khoa khu vực Quảng Nam mua sắm tập trung thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và vị thuốc cổ truyền (năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024).

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam nói, đối với gói thầu mua sắm tập trung hóa chất, vật tư y tế tiêu hao được giao, BV đã làm đến những bước cuối cùng trình Sở Y tế.

Tuy nhiên, Sở Y tế thông báo ngày 14/4 Bộ Y tế ban hành Thông tư 08 trong đó có nội dung bãi bỏ toàn bộ Thông tư 14 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư 08 cũng không hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ như thế nào sau khi bãi bỏ Thông tư 14.

Ông Ẩn nói, BV đã tích cực đi hỏi khắp nơi và được biết bây giờ phải làm lại quy trình đấu thầu theo Nghị định 98 - tức là phải có 3 báo giá đối với từng loại vật tư. Do vậy, việc thiếu vật tư y tế trên diện rộng tại Quảng Nam là điều chắc chắn sẽ xảy ra...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh viện lại thiếu thuốc, vật tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO