Cao điểm dịch sốt xuất huyết

LÊ QUÂN 20/10/2022 06:37

Nhận định đỉnh dịch sẽ rơi vào thời điểm cuối tháng 10 và 11, ngành y tế và các địa phương đang nỗ lực tìm mọi cách để khống chế dịch sốt xuất huyết lây lan mạnh.

Dự báo thời gian tới dịch SXH còn diễn biến phức tạp. Ảnh: X.H
Dự báo thời gian tới dịch SXH còn diễn biến phức tạp. Ảnh: X.H

Ca mắc tăng cao

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) thông tin, tính đến ngày 11/10, Quảng Nam đã ghi nhận 10.838 ca sốt xuất huyết (SXH) và sốt xuất huyết do Dengue (SXHD) cao nhất từ năm 2017 đến nay, phân bố ở 243 ổ dịch và ghi nhận tại 107 xã, phường, thị trấn của 18 địa phương. Trong đó, số mắc SXH bắt đầu tăng cao từ tháng 6/2022. Riêng tháng 9/2022 số mắc SXH ghi nhận 3.430 ca, cao gấp 2,45 lần so với năm 2019.

Các địa phương có số ca mắc cao trong tỉnh chủ yếu ở khu vực đồng bằng, cụ thể Thăng Bình 2.065 ca, Điện Bàn 1.927 ca, Tam Kỳ 1.456 ca, Đại Lộc 1.137 ca…

Ông Kiệm thông tin thêm, trong số các ca mắc, có 343 ca SXH dấu hiệu cảnh báo và 32 ca SXH nặng, tập trung chủ yếu ở các huyện đồng bằng. Tuy nhiên, khá phức tạp khi ở khu vực miền núi như Nam Giang, ca SXHD dấu hiệu cảnh báo và nặng vẫn chiếm số lượng lớn.

Dự báo thời gian tới dịch SXH còn diễn biến phức tạp. Ảnh: X.H
Dự báo thời gian tới dịch SXH còn diễn biến phức tạp. Ảnh: X.H

“Theo chu kỳ các năm từ 2016 - 2021, tuần 37 đến tuần 48 (những tháng cuối năm) là khoảng thời gian số ca mắc SXHD gia tăng cao và đạt đỉnh trong năm. Do đó, dự kiến tình hình dịch bệnh SXHD sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian đến. Dự đoán thì đỉnh dịch SXHD của năm nay sẽ xuất hiện vào tháng 11” - ông Trần Văn Kiệm nói.

Nguyên nhân dẫn đến dịch SXH bùng phát mạnh mẽ trong thời gian tới, theo ngành y tế, đây chính là thời điểm thời tiết thay đổi, rất thuận lợi cho muỗi phát triển, cũng như công việc vệ sinh môi trường ở những khoảng thời gian cuối năm sẽ bị các hộ dân lơ là.

Bệnh nặng nhiều hơn

Năm nay, dịch SXH lây lan ở khắp các địa phương, trong khi những năm trước, số mắc ghi nhận chủ yếu ở các huyện đồng bằng. Ông Võ Văn Cường - Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức cho biết, số ca mắc tại địa phương tăng vọt từ 21 ca lên đến 202 ca trong năm nay. Ở một số huyện miền núi, số ca mắc tăng cao khiến các địa phương bị động.

Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam cho rằng, ở một số huyện miền núi, trong nhiều năm không có dịch nên một vài địa phương chủ quan, chưa xem công tác phòng chống dịch SXH là nhiệm vụ trọng tâm, do vậy, chưa thực hiện phòng, theo dõi, phát hiện và loại bỏ triệt mầm bệnh khi có ca bệnh SXH.

“Một số ổ dịch phát hiện trễ do người dân mắc SXH tự điều trị tại nhà mà không đến cơ sở y tế gây khó khăn cho y tế cơ sở trong việc xử lý ổ dịch. Hiểu biết về phòng chống SXH đúng cách vẫn chưa được bao phủ trong cộng đồng (cách vệ sinh môi trường đúng cách để hoàn toàn loại bỏ trứng, lăng quăng và muỗi SXH).

Việc thực hiện phương châm “không có lăng quăng, bọ gậy, không có SXH” chưa thực sự được người dân quan tâm, trong khi người dân chỉ quan tâm việc có SXH phải thực hiện phun hóa chất để phòng chống” - ông Huỳnh Công Quang nói.

Không chỉ lây lan diện rộng, năm nay, SXH ghi nhận số mắc ở trẻ em tăng cao. Bác sĩ Minh Trang - Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện cho biết, số ca nhi nhập viện theo dõi do SXH mỗi ngày gia tăng, bên cạnh các bệnh lý hô hấp do giao mùa ở trẻ nhỏ.

Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, số trẻ phải nhập viện điều trị SXH tăng cao so với năm 2021. Bộ Y tế ghi nhận bệnh nhân mắc SXH năm nay có biểu hiện lâm sàng nặng hơn so với những năm trước.

Bệnh nhân vào sốc sớm, tái sốc nhiều hơn, số ca suy gan nặng, xuất huyết nặng cũng tăng. Tại Khoa Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam), phần đông bệnh nhân mắc SXH có dấu hiệu cảnh báo và nặng phải điều trị dài ngày.

Theo các chuyên gia y tế, SXH cũng có các triệu chứng ban đầu giống như các bệnh nhiễm siêu vi: sốt cao, đau đầu, lạnh run… Tuy nhiên, SXHD có khác biệt là bệnh nhân những ngày đầu sốt rất cao, sau khi hết sốt thì bắt đầu mới có nguy cơ trở nặng.

Tức là khoảng từ tầm ngày thứ 4 tới ngày thứ 7 bệnh nhân bớt sốt và hết sốt thì lại dễ diễn tiến nặng. Do đó sự theo dõi và điều trị SXH hoàn toàn khác với các bệnh nhiễm, sốt khác. SXH không phải là một bệnh có miễn dịch lâu dài và có thể tái nhiễm trở lại. Nếu bị SXH rồi mà lần sau bị mắc tiếp thì sẽ có diễn biến bệnh phức tạp, nặng hơn lần mắc trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cao điểm dịch sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO