Chật vật nguồn nhân lực ngành y - Bài 2: Y tế cơ sở thiếu bác sĩ

XUÂN HIỀN 12/10/2021 05:59

Nhiều trung tâm y tế huyện trong tỉnh thiếu trầm trọng bác sĩ. Việc luân phiên để bác sĩ về trạm y tế chỉ được vài địa phương thực hiện. Trong khi đó, lực lượng y sĩ, điều dưỡng ở các địa phương đang đứng ngồi không yên trước nguy cơ bị cắt hợp đồng...

Nhân lực y tế tuyến huyện phải đảm trách song song công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân.
Nhân lực y tế tuyến huyện phải đảm trách song song công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân.

Thiếu cả lượng và chất

Ông Đinh Hữu Long - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Quế Sơn cho biết, hiện nay, nếu xét theo giường bệnh do Sở Y tế giao hằng năm thì các TTYT không thể nào đủ y bác sĩ để khám chữa bệnh. Trong khi đó, theo đề án vị trí việc làm hằng năm, mỗi TTYT phải cắt giảm 10% nhân lực. Cụ thể, căn cứ theo quy định thì Quế Sơn có 220 giường bệnh.

“Thế nhưng, ở thời điểm này, sở giao cho chúng tôi 165 giường bệnh theo kế hoạch, nhưng thực kê đến 200 giường bệnh. Như vậy, nhân lực phục vụ cho 35 giường bệnh kia thì chúng tôi phải hợp đồng. Nhưng tỉnh lại quy định không được hợp đồng ngoài chỉ tiêu. Do vậy, rất khó đảm bảo nguồn nhân lực cho tuyến huyện” - ông Đinh Hữu Long phân tích.

Số lượng y bác sĩ công tác khám chữa bệnh tại tuyến huyện đang chịu áp lực rất lớn. “Chúng tôi đã thiếu về số lượng và đang chật vật về chất lượng. Bác sĩ chính quy bây giờ không về tuyến huyện. Trong khi các trường đại học hiện nay không đào tạo y sĩ học lên bác sĩ nữa. Riêng Quế Sơn, hiện chỉ có 11 - 12 bác sĩ trực tiếp làm việc tại TTYT. Ở tuyến huyện còn thiếu như vậy thì làm sao đòi hỏi có bác sĩ ở trạm y tế?” - ông Long nói.

Hiện nay, nhân viên y tế tuyến huyện vẫn là lực lượng chủ chốt trong công tác phòng chống dịch ở cơ sở. Ảnh: X.H
Hiện nay, nhân viên y tế tuyến huyện vẫn là lực lượng chủ chốt trong công tác phòng chống dịch ở cơ sở. Ảnh: X.H

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay tại tuyến huyện, ở hệ điều trị, nguồn nhân lực có 1.485 người, trong đó chỉ có 328 bác sĩ và 51 dược sĩ đại học. TTYT huyện thực hiện đa chức năng của y tế cơ sở, bao gồm công tác y tế dự phòng, công tác khám bệnh, chữa bệnh và công tác dân số. “Tuy nhiên, về cơ cấu tổ chức của TTYT huyện vẫn còn thiếu so với quy định.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, nếu chỉ tiêu biên chế được giao còn thiếu, sẽ cho phép tuyển dụng hợp đồng để đủ chỉ tiêu biên chế được giao. Đối với các cơ sở y tế có nguồn thu khác và có thể chi trả cho lao động hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao, Sở Y tế có nhiệm vụ tổng hợp nhu cầu, báo cáo số giường thực kê và số giường được giao, chỉ tiêu chênh lệch bao nhiêu; từ đó tính toán cần bao nhiêu biên chế, quá trình này nếu có chi phí phát sinh do đơn vị tự chi trả từ nguồn thu.

Hầu hết chưa thành lập đủ 15 khoa chuyên môn như quy định tại Thông tư 37 của Bộ Y tế do thiếu người và biên chế được giao chưa đảm bảo với nhu cầu vị trí việc làm của các đơn vị, phải ghép nhiều khoa chuyên môn với nhau” - đại diện Sở Y tế cho biết.

Tất cả 15 bệnh viện, đồng thời là TTYT huyện trên địa bàn tỉnh đều không có bác sĩ của chuyên ngành truyền nhiễm. Nhi, ngoại, sản, nội, răng hàm mặt, tai mũi họng, phục hồi chức năng... là những chuyên ngành đang thiếu trầm trọng bác sĩ tại các TTYT huyện.

Câu chuyện chỉ tiêu giường bệnh do Sở Y tế giao chênh lệch với nguồn nhân lực và năng lực chuyên môn là bất cập phổ biến ở nhiều địa phương.

Ông Phan Đình Mỹ - Giám đốc TTYT huyện Phú Ninh cho biết, ở hệ điều trị, chỉ tiêu giường bệnh so với con người thì Phú Ninh chỉ mới đáp ứng được 68%.

“Chúng tôi không có con người để thực hiện việc khám chữa bệnh tại trung tâm. Với Phú Ninh, nguồn nhân lực ở trạm y tế là điều đáng lo. Năm nay, tại Phú Ninh có hơn một nửa trưởng trạm y tế nghỉ hưu và không có người thay thế.

Chưa kể, trong thời gian dịch bệnh, đội ngũ y bác sĩ phải chia làm nhiều ca kíp để phục vụ công tác truy vết, lấy mẫu rồi phục vụ tại chốt chặn. Anh em chúng tôi không có thời gian để nghỉ bù. Phú Ninh phải tận dụng cả y tế thôn để cùng chung tay hỗ trợ các chốt ở địa phương. Nhưng lực lượng này, cả 9 tháng rồi không được hưởng phụ cấp” - ông Phan Đình Mỹ nói.

“Biên chế ngồi trông, hợp đồng cắt giảm”

Phải nhắc lại Nghị định 161 với chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ. Trong năm 2021, ngành y tế, đặc biệt tại các TTYT phải loay hoay tìm giải pháp cắt hợp đồng lao động chuyên môn.

Bên cạnh số biên chế thiếu hụt do giảm hằng năm tương đối lớn, với hợp đồng chuyên môn hàng trăm lao động, nếu cắt giảm theo đúng quy định thì hệ thống y tế đã thiếu nay còn hao hụt trầm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.

 

Tháng 7 năm nay, TTYT huyện Duy Xuyên cắt 15 hợp đồng lao động bao gồm các điều dưỡng, dược, bảo vệ. Ông Lưu Văn Quân - Phó Giám đốc TTYT huyện Duy Xuyên cho biết, đó mới chỉ là con số đợt 1. Trung tâm này sẽ tiếp tục cắt giảm đợt 2 thêm 10 người nữa.

“Trước đây, bệnh viện được giao 240 biên chế. Trước năm 2019, bệnh nhân đông nên chúng tôi phải hợp đồng thêm. Giờ số bệnh nhân giảm xuống hơn 2/3, trung tâm không có thu nhập trả cho số lượng hợp đồng nên chúng tôi tiến hành cắt hợp đồng nhiều nhân viên. Đồng thời chúng tôi cũng biết việc hợp đồng ngoài biên chế là sai quy định nên phải cắt giảm” - ông Lưu Văn Quân chia sẻ. Hiện chỉ tiêu biên chế của TTYT huyện Duy Xuyên là 124 người, tuyến xã được giao 84 chỉ tiêu.

Lượt người đến khám chữa bệnh ở các năm 2020, 2021 giảm sâu khiến nguồn thu của các cơ sở y tế tuyến huyện giảm đáng kể. Đây cũng là lý do khiến hàng loạt lao động bị cắt hợp đồng, dù có người đã cống hiến trong ngành rất nhiều năm. Trong khi đó, hiện nay bên cạnh công tác khám chữa bệnh, các TTYT phải gánh vác rất nhiều việc để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc TTYT Duy Xuyên thừa nhận, hiện nay đội ngũ y bác sĩ của TTYT Duy Xuyên quá tải vì phải chăm sóc y tế ở khu cách ly, các chốt kiểm soát, truy vết, xét nghiệm cho đến khám chữa bệnh thông thường. Lúc cao điểm của dịch bệnh, TTYT Duy Xuyên phải chia làm nhiều ca để thay nhau thực hiện nhiệm vụ.

“Anh em từ lái xe, bảo vệ cho đến lực lượng điều dưỡng, kỹ thuật viên, bác sĩ đều gần như không có thời gian để nghỉ, phục hồi sức” - ông Nguyễn Văn Thạnh nói. Hiện tại, TTYT huyện Duy Xuyên còn thiếu 8 - 10 bác sĩ, trong đó, chuyên ngành sản và nội khoa dự kiến sẽ thiếu hụt khi đội ngũ bác sĩ tại đây về hưu.

Hiện nay tổng số biên chế giao cho tuyến huyện là 1.554 chỉ tiêu, trong khi tính đến tháng 6.2021, nguồn nhân lực của y tế tuyến huyện là 1.942 người. Như vậy, số lao động bị cắt giảm trong hệ thống y tế tuyến huyện lên đến 388 người, đa số là điều dưỡng, y sĩ.

Tại cuộc làm việc với ngành y tế hồi tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho phép các đơn vị y tế trong điều kiện thu chi của mình có thể hợp đồng thêm lao động ngoài biên chế và tự chi trả. UBND tỉnh đã có văn bản cho phép về vấn đề này. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn thu tại các cơ sở y tế trong thời điểm này khiến việc giữ lại hợp đồng lao động chuyên môn là bài toán khó.

------------------

Bài 3: Xoay xở với biên chế

Đợt thi tuyển viên chức sự nghiệp y tế sắp tới tại Quảng Nam được kỳ vọng sẽ là giải pháp căn cơ cho bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực y tế thời gian qua. Tuy nhiên, những vướng mắc không chỉ có thể giải quyết trong một đợt thi tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chật vật nguồn nhân lực ngành y - Bài 2: Y tế cơ sở thiếu bác sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO