Chật vật nguồn nhân lực ngành y - Bài cuối: Lời giải căn cơ cho y tế công

XUÂN HIỀN 14/10/2021 07:28

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phải quan tâm đầu tư cho công tác y tế, trong đó chất lượng đội ngũ cán bộ là ưu tiên hàng đầu với yêu cầu cụ thể đến năm 2025, Quảng Nam phải đạt 12 bác sĩ/1 vạn dân và 43,6 giường bệnh/1 vạn dân.

Cần những chính sách thiết thực hơn để nâng cao đời sống cho đội ngũ y bác sĩ.
Cần những chính sách thiết thực hơn để nâng cao đời sống cho đội ngũ y bác sĩ.

Nhiều chuyên gia nhận định, hệ thống y tế sẽ phải thay đổi để đối phó dài lâu với đại dịch Covid-19 hoặc những đại dịch mới có thể xuất hiện trong tương lai. Do đó, một hệ thống y tế khỏe mạnh, có sức chống chịu, đồng bộ từ cơ chế tài chính, nhân lực, trang thiết bị là điều cần phải tính toán ở tầm nhìn dài hạn.

Đòn bẩy từ y tế tư nhân

Trong khi các cơ sở y tế công lập chịu sự ràng buộc của hành lang pháp lý khi muốn xã hội hóa y tế bằng cách kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, thì hệ thống các bệnh viện ngoài công lập lại có xu hướng phát triển mạnh về khâu dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

Ông Trần Công Ân - Giám đốc Bệnh viện (BV) Vĩnh Đức cho biết, về câu chuyện nhân lực, BV Vĩnh Đức có hẳn một chiến lược vừa thu hút vừa đào tạo nhân lực tại chỗ.

“BV Vĩnh Đức đã thực hiện chủ trương đầu tư đào tạo nhân lực cho bác sĩ nội trú, tính đến nay đã có hơn 30 bác sĩ tại BV được hỗ trợ để theo học cao hơn và trở về làm việc tại BV” - ông Trần Công Ân cho biết.

Nhân viên y tế vất vả và chịu nhiều áp lực trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: X.H
Nhân viên y tế vất vả và chịu nhiều áp lực trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: X.H

Bên cạnh việc “chi” khá mạnh tay với hệ thống trang thiết bị hiện đại, ông Trần Công Ân cho rằng, với y tế tư nhân, nhân lực là vấn đề cốt lõi để phát triển. Theo đó, BV Vĩnh Đức liên tục tổ chức các đợt tuyển dụng và đào tạo tại chỗ.

Lựa chọn và tạo cơ hội để các bác sĩ trẻ được đào tạo từ chính nguồn kinh phí của BV, do vậy, đội ngũ bác sĩ của BV không ngừng được bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn. BV Đa khoa Vĩnh Đức ngày càng khẳng định năng lực khám chữa bệnh cho người dân trong khu vực.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương xây dựng Đề án tổng thể thích ứng an toàn trong tình hình mới, trong đó sắp xếp các cơ sở y tế cho phù hợp, sẵn sàng các phương án tổ chức và nhân lực phù hợp, khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y bác sĩ đáp ứng yêu cầu điều trị dịch bệnh Covid-19. Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cũng yêu cầu Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam triển khai thí điểm dịch vụ chăm sóc bệnh nhân trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, khối y tế tư nhân phát triển nhanh tại Quảng Nam. Theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay có 358 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, trong đó có 7 BV đa khoa, 13 phòng khám đa khoa và 338 phòng khám chuyên khoa. Tổng số giường bệnh của hệ thống này là 1.450 giường với 1.389 cán bộ y tế, trong đó có 320 bác sĩ.

Khối y tế tư nhân tăng mạnh kéo theo sự chuyển mình mạnh mẽ ở khối y tế công lập. Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đây là quy luật tất yếu khi đòi hỏi của con người với dịch vụ y tế ngày càng cao và thị trường y tế ở Việt Nam còn rất rộng.

Thị trường y tế cạnh tranh mạnh mẽ sẽ thúc đẩy phát triển và người dân được lợi với dịch vụ y tế tốt hơn, chi phí tối ưu hơn. Theo xu thế, y tế tư nhân phát triển sẽ gánh đỡ nhiều hơn cho y tế công. Nhà nước giảm dần gánh nặng ngân sách y tế và y tế công tập trung lo những vấn đề như phòng ngừa bệnh tật, môi trường, dịch bệnh...

Đầu tư mũi nhọn

Nhìn nhận việc triển khai dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến của hệ thống y tế Quảng Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả, ông Hồ Hữu Tuấn - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết, đây là nguyên nhân để con số chi đa tuyến đi của Quảng Nam hiện khá cao.

“Hằng năm, các tỉnh thành bạn vẫn đang chi giúp chúng ta từ 500 – 600 tỷ đồng vì đa tuyến đi. Vậy thì phải làm thế nào đó chúng ta đầu tư để bệnh nhân an tâm ở lại Quảng Nam điều trị chứ không chuyển viện, đi ra ngoại tỉnh.

Nếu chúng ta không đầu tư rộng rãi ở các cơ sở y tế được thì cũng nên đầu tư trọng điểm, trên cơ sở nghiên cứu những dịch vụ kỹ thuật gì, những bệnh gì mà chúng ta chưa triển khai được. Có thể nói năng lực y bác sĩ Quảng Nam không tệ, chỉ có điều chúng ta chưa đầu tư xứng đáng để bệnh nhân yên tâm điều trị tại Quảng Nam” – ông Hồ Hữu Tuấn nói.

Hiện nay, hệ thống BV, kể cả công và tư của Quảng Nam đang phát triển mạnh nhưng lại thiếu trọng điểm khi các mũi nhọn chuyên sâu chưa hình thành. Ở khu vực Tam Kỳ chẳng hạn, công tư đều có nhưng chủ yếu là đa khoa, trong khi các BV chuyên sâu thì chưa có.

Ông Tô Mười - Giám đốc BV Đa khoa Khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam cho rằng, đã đến lúc cần phải tháo gỡ sự ràng buộc về cơ chế đối với hệ thống y tế công lập.

“Ở các tỉnh thành khác, việc xã hội hóa y tế trong hệ thống y tế công phát triển rất mạnh. Tôi đơn cử như tại BV Trung ương Huế hoặc các BV ở Đà Nẵng chẳng hạn, đều có khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu. Không thể nào các BV công lập tại Quảng Nam chỉ có một nguồn thu duy nhất từ bảo hiểm mà có thể sống được” - ông Tô Mười trăn trở.

Đây cũng là điều Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu ngành y tế xây dựng đề án xã hội hóa về y tế để trình HĐND tỉnh trong thời gian tới. “Xã hội hóa y tế là điều cần phải triển khai trong giai đoạn tới. Ngành y tế cần xác định tập trung thu hút cho giai đoạn 2021 - 2025 là những loại hình gì? Cần phải có danh mục, định hướng, quy hoạch lại mạng lưới BV, đa khoa ở đâu, chuyên khoa ở đâu, phục vụ cho đối tượng nào. Hợp tác y tế công tư sẽ phải là điều cần tính toán trong nay mai” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Quảng Nam là địa phương ban hành khá nhiều chính sách về y tế. Bên cạnh chính sách thu hút bác sĩ của tỉnh (ban hành năm 2014 cho giai đoạn 2013 - 2015), năm 2017, Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017 - 2021 được ban hành.

Mục tiêu đến năm 2021, đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho 64 bác sĩ và 88 ê kíp với 382 viên chức y tế công lập. Tuy nhiên, đến tháng 1.2021, toàn tỉnh chỉ có 50 ê kíp chuyên sâu đạt yêu cầu.

Sở Y tế nhìn nhận nguyên nhân do tình trạng dịch chuyển cán bộ y tế từ đơn vị công lập sang tư nhân, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, bác sĩ sau đại học, nên các đơn vị gặp khó khăn và chưa đáp ứng kịp thời trong việc cử cán bộ đi đào tạo ê kíp, chuyên sâu theo quy định…

Tuy vẫn còn tiếp diễn nhưng tình trạng bác sĩ công dịch chuyển sang hệ thống y tế tư nhân đã giảm. Đây là tín hiệu tích cực khi cơ chế, chính sách và những đãi ngộ dành cho nguồn nhân lực chất lượng cao ở khối y tế công lập đang từng bước được cải thiện tại Quảng Nam.

Tiếp tục có những chính sách đột phá hơn để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực - cũng là chất lượng của y tế Quảng Nam, trong năm 2021, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 01 nhằm sửa đổi, bổ sung những điều khoản phù hợp hơn đối với Nghị quyết số 11.

Bên cạnh đó, để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII, những bước đi cụ thể đã được vạch ra cho ngành y tế: “chú trọng y tế cơ sở, y tế dự phòng, công tác phòng chống dịch cho nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, đầu tư, nâng cấp ít nhất một BV có chất lượng cao tại Quảng Nam”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chật vật nguồn nhân lực ngành y - Bài cuối: Lời giải căn cơ cho y tế công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO