Điều trị bệnh không lây nhiễm trong dịch Covid-19

AN THƯ 19/11/2021 06:58

Dịch Covid-19 khiến việc điều trị bệnh không lây nhiễm gặp không ít thách thức. Ngoài ra, người mắc các bệnh không lây nhiễm cũng đồng thời sẽ là người có bệnh nền, khi mắc phải Covid-19 sẽ khó khăn hơn cho việc điều trị.

Điều trị các bệnh không lây nhiễm cần thay đổi thói quen sinh hoạt. Ảnh: A.T
Điều trị các bệnh không lây nhiễm cần thay đổi thói quen sinh hoạt. Ảnh: A.T

Bệnh không lây nhiễm (KLN) còn gọi là bệnh mạn tính không lây, tập trung vào 4 nhóm bệnh chính là tăng huyết áp, bệnh tim mạch (đột quỵ, suy tim, bệnh mạch vành…), đái tháo đường, các bệnh ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đây là các bệnh đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời.

Các bệnh này không phải do nguyên nhân nhiễm khuẩn và không lây truyền giữa người với người mà do các hành vi thói quen, lối sống không lành mạnh diễn ra trong khoảng thời gian dài.

Mới đây, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học thường niên với chủ đề “Đại dịch Covid-19 và phòng chống các bệnh KLN: chuyên đề hô hấp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tâm thần và bệnh hiếm” với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc.

Nhận định về tình trạng kháng thuốc và nhiễm khuẩn bệnh viện do kháng thuốc bên cạnh sự xuất hiện các loại vi khuẩn đa kháng hoặc siêu kháng thuốc là những thách thức cho ngành y tế Việt Nam hiện nay.

Chưa kể, sự gia tăng các bệnh liên quan đến xã hội trong giai đoạn hiện nay như bệnh tự kỷ, rối loạn tâm trí, dinh dưỡng, già hóa dân số sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật trong giai đoạn tới của Việt Nam.

Tại Quảng Nam, ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho biết, với các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, số bệnh nhân của Quảng Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Với bệnh tăng huyết áp, số mới phát hiện là 4.325 người, tăng 40,51% so với cùng thời điểm năm 2020, nâng tổng số người mắc bệnh tăng huyết áp lên đến 43.079 người. Bệnh nhân đái tháo đường hiện đang điều trị là 16.556 người.

Với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, số bệnh nhân mới phát hiện đều cao hơn so với năm ngoái, lũy kế quản lý là 2.591 bệnh nhân.

Trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn ra, người mắc bệnh KLN sẽ gặp khó khăn khi tới cơ sở y tế khám chữa bệnh định kỳ. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã có những quy định, hướng dẫn nhằm hạn chế đứt quãng điều trị đối với bệnh nhân KLN.

Tuy nhiên, nếu thuộc vùng giãn cách, bệnh nhân sẽ gặp khó do phải thực hiện cách ly. Chưa kể, các bệnh KLN trở thành bệnh nền và gây nguy hiểm khi người mắc bệnh nền đồng thời mắc Covid-19.

Ở những người mắc bệnh nền rất nặng, nếu mắc Covid-19 sẽ dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Đã có nhiều trường hợp người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, COPD khi nhiễm Covid-19 làm cho bệnh nặng thêm và dẫn tới tử vong nhanh chóng.

Để bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm được chăm sóc thường xuyên, Bộ Y tế đã đưa ra các giải pháp tức thời: xây dựng các trạm y tế gồm các bác sĩ và các điều dưỡng để theo dõi sức khỏe, tư vấn dùng thuốc của cộng đồng dân cư ở mỗi địa phương.

Ông Trần Văn Kiệm cho biết, mục tiêu của Bộ Y tế đến năm 2025 sẽ có 95% trạm y tế thực hiện công tác quản lý và điều trị các bệnh KLN trong cộng đồng. Thời gian tới, đối với nhóm bệnh KLN nằm trong chương trình mục tiêu y tế - dân số của tỉnh, ngành y tế sẽ tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc tại cơ sở cũng như đào tạo, tập huấn chuyên môn cho các nhân viên y tế thôn bản...

Các chuyên gia y tế khuyến cáo với người mắc bệnh KLN trong đại dịch Covid-19 nên hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời vẫn phải duy trì đều, ổn định chế độ điều trị hiện tại kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng... Không tự ý ngừng/bỏ thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác.

Nên có đủ thuốc trong thời gian dài, ít nhất là trong vòng 1 tháng. Khuyến khích tự theo dõi tình trạng bệnh tại nhà như đo huyết áp, xét nghiệm đường máu mao mạch, dùng máy đo SPO2… nhưng không do dự việc đi khám nếu đã có các bất thường để tránh biến chứng nặng.

Hãy giữ lá phổi khỏe mạnh

Ngày thế giới phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD năm nay (17.11) nhấn mạnh đến việc căn bệnh này vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu; tập trung vào sức khỏe của phổi là một việc làm vô cùng quan trọng.

Theo bác sĩ Trình Trung Phong - Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hen - COPD  tại Quảng Nam, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh COPD là khói thuốc lá, theo đó có một số yếu tố khác có thể gây ra hoặc làm cho COPD tồi tệ hơn, bao gồm phơi nhiễm môi trường và yếu tố di truyền. Trong tất cả các phơi nhiễm đường hít, khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính. Bệnh nổi trội với triệu chứng ho đờm, ho dai dẳng, khó thở.

Bác sĩ Trình Trung Phong khuyên mọi người hãy giữ cho phổi khỏe mạnh bằng cách ngừng hút thuốc lá, tránh ô nhiễm không khí, duy trì và thông qua các hoạt động thể chất phù hợp với giai đoạn bệnh để phục hồi chức năng phổi.

Ngoài ra, việc tiêm các loại vắc xin quan trọng như cúm, phế cầu và theo dõi định kỳ bằng cách tham gia câu lạc bộ Hen-COPD khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để được hướng dẫn cách sử dụng thuốc hít, theo dõi chức năng hô hấp mỗi 3 tháng để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng người bệnh.

“Bệnh COPD tuy không chữa khỏi hẳn, nhưng có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng. Việc phát hiện và điều trị sớm COPD giúp làm giảm diễn biến nặng, giảm tỷ lệ tử vong và giảm gánh nặng kinh tế xã hội” - bác sĩ Phong chia sẻ. (TRƯỞNG HOA)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điều trị bệnh không lây nhiễm trong dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO