Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Khắc phục những vướng mắc từ thực tiễn

XUÂN HIỀN 24/05/2022 07:04

Được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, khó khăn trong ngành y tế hiện tại, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đang nhận được nhiều ý kiến góp ý.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được kỳ vọng sẽ khắc phục những vướng mắc, khó khăn vận hành trong ngành y tế hiện nay. Ảnh: X.H
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được kỳ vọng sẽ khắc phục những vướng mắc, khó khăn vận hành trong ngành y tế hiện nay. Ảnh: X.H

Lấy người bệnh làm trung tâm

Sau 11 năm đi vào thực tiễn, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KB-CB) ban hành năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, nhiều vướng mắc nảy sinh từ thực tế vẫn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Theo đó, dự thảo Luật KB-CB (sửa đổi) gồm 10 chương và 101 điều (thêm 1 chương và 10 điều so với Luật KB-CB năm 2009) được xây dựng theo hướng giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế cho người dân. Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám chữa bệnh.

Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật KB-CB do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì mới đây, ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho rằng, ở điều 7, chương I về Những quy định chung, đặt ra quy định người đại diện khi vào viện cùng bệnh nhân yêu cầu phải có xác nhận của người bệnh thì rất khó.

“Trong quá trình vận hành thực tiễn, khi bệnh nhân vào viện có thể tỉnh hoặc không, nếu luật quy định cần phải có xác nhận của bệnh nhân hoặc chính quyền về người đại diện thì gây khó cho phía cơ sở y tế” - ông Nguyễn Đình Hùng nói.

Ngoài ra, theo ông Hùng, người bệnh không chỉ được quyền tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản mà cần phải là tất cả dịch vụ khám chữa bệnh, kể cả cơ bản và chuyên sâu (tại điều 8, chương 2 về Quyền, nghĩa vụ của người bệnh).

Còn ông Nguyễn Ngọc Văn Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho rằng, luật cần phải tạo điều kiện để người dân được hưởng các chính sách về bảo hiểm y tế...

Đánh giá năng lực thường xuyên

Đại diện các bệnh viện cũng góp ý nhiều vấn đề liên quan đến công tác khám chữa bệnh và hỗ trợ hoạt động này từ xa, các vướng mắc trong việc kê đơn thuốc cho người bệnh... Chưa kể, cần quy định tách bạch việc khám bệnh và kê đơn thuốc để thực hiện khám chữa bệnh từ xa, nhất là trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A… sẽ được phân tuyến thực hiện như thế nào.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi do Đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức vào ngày 20.5. Ảnh: X.H
Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi do Đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức vào ngày 20.5. Ảnh: X.H

Các đại biểu cho rằng, Luật KB-CB ban hành cần quan tâm đến quyền quyết định khám chữa bệnh của người bệnh, quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh. Luật cần quy định rõ, thống nhất về giá dịch vụ khám chữa bệnh cho từng tuyến, trên cơ sở quy định của pháp luật, có thể quy định khung giá tùy theo vùng, miền. Cần quy định về nghĩa vụ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về tôn trọng người thực hiện công tác khám chữa bệnh...

Theo tờ trình dự thảo Luật KB-CB (sửa đổi) của Chính phủ, những chức danh như bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh... sẽ phải kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề.

Theo đó, thay vì quy định người có văn bằng chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề như Luật KB-CB hiện hành, dự thảo luật thay thế bằng quy định chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề.

Người hành nghề bắt buộc phải đăng ký hành nghề trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám chữa bệnh. Giấy phép hành nghề có giá trị trong 5 năm, được gia hạn khi cập nhật kiến thức y khoa; có đủ sức khỏe và không bị cấm hành nghề. Dự thảo đưa ra quy định về việc cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Thời hạn của giấy phép là 5 năm.

Ông Nguyễn Tải - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam cho rằng, công tác đánh giá chất lượng khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sĩ cần giao cho Sở Y tế thay vì Bộ Y tế, nếu không sẽ tạo nên áp lực lớn khiến chất lượng đánh giá sẽ thiếu chính xác. Việc cập nhật kiến thức y khoa cần phải song song với quá trình vận hành công việc trong thực tế.

Ông Tải cho rằng, nhiều sinh viên y khoa mới ra trường vài tháng nhưng được tạo cơ hội làm việc, phẫu thuật thì đôi khi tay nghề còn vững hơn một bác sĩ lâu năm nhưng ít thực hiện công tác khám chữa bệnh. Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng quy định để Bộ Y tế, Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện công tác cấp, thu hồi giấy phép là khó khả thi.

Dự thảo Luật KB-CB sửa đổi đang được các tỉnh thành tiếp tục góp ý và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10.2022. Nếu được thông qua, Luật KB-CB sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7.2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Khắc phục những vướng mắc từ thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO