Gia tăng số ca mắc Covid-19 tại cộng đồng

XUÂN HIỀN 23/11/2021 07:43

Số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng đột biến tại các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức cũng như sự xuất hiện của các ca bệnh cộng đồng tại nhiều địa phương buộc những nơi này phải nỗ lực khoanh vùng, truy vết để khống chế dịch bệnh...

TP.Tam Kỳ thực hiện xét nghiệm cho toàn thể học sinh Trường THPT Duy Tân ngay khi phát hiện ca F0 là học sinh vào sáng 22.11. Ảnh: T.X
TP.Tam Kỳ thực hiện xét nghiệm cho toàn thể học sinh Trường THPT Duy Tân ngay khi phát hiện ca F0 là học sinh vào sáng 22.11. Ảnh: T.X

Số ca mắc tăng nhanh

Tại huyện Hiệp Đức, ngay khi ghi nhận ca mắc cộng đồng vào ngày 17.11, cho đến chiều 22.11, số ca mắc tại địa phương này đã lên đến 39 ca. Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp khoanh vùng và truy vết các trường hợp liên quan để thực hiện xét nghiệm.

“Các ca F0 đã được đưa điều trị tại cơ sở điều trị Covid-19 của tỉnh. Chúng tôi đang tiến hành thành lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân thể nhẹ không triệu chứng tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, dự kiến sẽ trưng dụng Phòng khám Đa khoa khu vực Sông Trà làm bệnh viện dã chiến” - ông Nam nói.

Theo nhận định của ngành y tế, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng dịch Covid-19 tại địa bàn Quảng Nam hiện nay là việc phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế còn chậm để tạo vùng xanh an toàn, đạt miễn dịch cộng đồng. Việc thiếu vắc xin đã làm chậm tiến độ tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người dân, cùng với đó Quảng Nam vẫn chưa được nhận vắc xin để tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Do đó, UBND tỉnh vừa có công văn đề xuất nhu cầu vắc xin từ nay đến cuối năm 2021 là 1,32 triệu liều và năm 2022 là 1,26 triệu liều gửi Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang.

Tại huyện Thăng Bình, từ ngày 14 - 18.11 đã ghi nhận 3 ổ dịch. Liên quan đến Trường THPT Hùng Vương (Bình An ) đã phát hiện 44 ca.

Ngành y tế nhận định, tại ổ dịch ở trường học, các ca F0 đều là học sinh nên nguy cơ lây lan rất cao. Ổ dịch tại xã Bình Nguyên với 12 ca được xác định nguồn lây người từ TP.Hồ Chí Minh về thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà.

“Tình hình dịch hết sức phức tạp, vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan ra cộng đồng, công tác truy vết, giám sát tại địa phương đang được đẩy nhanh” - ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết.

Theo ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, số ca mắc của địa phương chỉ trong 3 ngày sau khi phát hiện ca mắc cộng đồng đầu tiên đã lên đến 49 ca.

Một nửa số ca F0 đã được đưa đi điều trị tại cơ sở điều trị Covid-19 của tỉnh, số còn lại thể nhẹ và không có triệu chứng đang được theo dõi tại địa phương. Đã tiến hành phong tỏa tạm thời thôn Cẩm Tây, xã Tiên Cẩm kể từ trưa 22.11 để tiến hành truy vết. Huyện dự kiến trưng dụng Trung tâm Văn hóa huyện thành lập bệnh viện dã chiến, thu dung và điều trị F0 thể nhẹ tại chỗ.

Nguy cơ phát sinh các ổ dịch

Đại diện Sở Y tế cho biết, gần đây, trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã phát sinh nhiều ca bệnh mới, tập trung chủ yếu ở lực lượng công nhân.

Trong đó số F0 ghi nhận ở xưởng lượm vải Phú Bông, Duy Trinh đều có chung yếu tố dịch tễ là tiếp xúc với công nhân đi về từ các địa phương khác, thậm chí có người còn đến gia đình có ca dương tính.

Các địa phương buộc phải dốc toàn lực để truy vết và khống chế, kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: X.H
Các địa phương buộc phải dốc toàn lực để truy vết và khống chế, kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: X.H

Hiện tại số lượng F1 thành F0 nhiều, liên quan nhiều xã trong huyện, có ca F0 là học sinh, các ca F0 lại không nhớ lịch trình di chuyển của mình, do đó mức độ lây lan và bùng phát dịch rất cao.

Sau khi Quảng Nam thực hiện theo Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ thì số lượng người từ các nơi khác về địa phương nhiều, dẫn đến việc không thể tránh khỏi số ca mắc Covid-19 tăng lên.

“Điều này có phần do ý thức người dân về từ vùng dịch không thực hiện đúng quy định khi cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà và người dân không trung thực khi khai báo y tế, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch của địa phương” - Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Mười nói.

Ngoài ra, việc phòng chống dịch tại các huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số hoặc trường học cũng gặp khó do ý thức bảo vệ sức khỏe của những đối tượng này chưa cao.

Để chủ động việc điều trị các F0 không triệu chứng, phù hợp với chủ trương thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, Quảng Nam đã cho phép các địa phương được thành lập bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung tại tuyến cơ sở.

Thị xã Điện Bàn và huyện Thăng Bình đã hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất cũng như trang bị thuốc men, vật tư y tế để điều trị F0 tại địa phương.

Ông Mai Văn Mười cho biết, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cũng như yêu cầu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam hỗ trợ về chuyên môn, cách sắp xếp giường bệnh để đạt hiệu quả thu dung, điều trị bệnh nhân tốt nhất.

Về cơ số thuốc điều trị cũng như vật tư y tế, trung tâm y tế các địa phương phải báo cáo lên UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức mua sắm và có kế hoạch hỗ trợ bệnh nhân được chi trả bảo hiểm y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gia tăng số ca mắc Covid-19 tại cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO