Kiểm soát đái tháo đường thai kỳ

BS. NGUYỄN THỊ KIỀU TRINH 09/12/2021 07:57

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời gian mang bầu. Bệnh thường phát triển từ tuần thai thứ 24 - 28. Việc kiểm soát đái tháo đường thai kỳ là cần thiết đối với các mẹ bầu.

Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp kiểm soát việc đái tháo đường trước và sau thai kỳ. Ảnh: X.H
Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp kiểm soát việc đái tháo đường trước và sau thai kỳ. Ảnh: X.H

Nếu bạn bị đái tháo đường trong thai kỳ, không đồng nghĩa với bạn đã mắc bệnh từ trước lúc mang thai hoặc sau khi sinh con. Tuy nhiên, đái tháo đường thai kỳ sẽ khiến bạn tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.

Bên cạnh đó, nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường ở trẻ, đồng thời gây ra những biến chứng sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.

Biến chứng cho mẹ thường gặp là tăng huyết áp khi mang thai và tiền sản giật, tăng nguy cơ sinh non, sinh mổ, tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Về phía thai nhi sẽ dễ gặp phải chấn thương trong lúc sinh hoặc không thể sinh thường, sinh non, suy hô hấp sơ sinh, dị tật bẩm sinh...

Những biện pháp giúp phòng tránh hiệu quả: Chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe: thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt… Vận động thường xuyên: 30 phút vận động hợp lý, nhẹ nhàng mỗi ngày như tưới cây, lau dọn nhà cửa, đi bộ… cũng rất tốt cho sức khỏe mẹ và thai nhi. Giữ cân nặng hợp lý khi có ý định mang thai: Thừa cân - béo phì tiền mang thai là căn nguyên của đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non… Do đó, nếu bạn thừa cân và đang có kế hoạch sinh em bé, hãy giảm cân để tạo nền tảng cho một thai kỳ khỏe mạnh. Tránh tăng cân hơn mức khuyến nghị trong thời kỳ mang thai vì việc tăng cân quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Làm thế nào để phát hiện đái đường thai kỳ? Thông thường thai phụ sẽ được tầm soát thường quy bằng nghiệm pháp dung nạp glucose trong khoảng thời gian từ tuần thứ 24 - 28 của tuổi thai.

Việc xét nghiệm dung nạp glucose sẽ phải yêu cầu nhịn ăn (không ăn trong 8 giờ) trước khi thực hiện xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết bạn có bị đái tháo đường thai kỳ hay không.

Đái tháo đường có thể kiểm soát được dựa vào tiết thực theo chế độ ăn dành cho người đái đường thai kỳ. Chế độ ăn này phải đáp ứng được hai yêu cầu: duy trì lượng đường trong máu ở giới hạn an toàn, nhưng vẫn cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.

Tránh tăng cân quá mức trong thai kỳ bằng cách dung nạp lượng calo vừa đủ, từ 2.200 - 2.500 calo/ngày nếu có cân nặng trung bình. Nếu thừa cân, sẽ giảm xuống khoảng 1.800 calo/ngày. Bên cạnh đó, bạn cần cân bằng chế độ ăn.

Nếu sức khỏe của bạn và em bé đều ổn, bạn có thể tập thể dục, giúp cơ thể sản xuất và sử dụng insulin hiệu quả hơn, kiểm soát tốt lượng đường trong máu, thực hiện các bài tập ở mức độ nhẹ đến trung bình trong 15 - 30 phút.

Liệu đái tháo đường thai kỳ sau khi sinh có tự khỏi không? Theo nghiên cứu, khoảng 50% phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường trong thời gian mang thai sẽ phát triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.

Chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này. Bác sĩ có thể đề nghị bạn xét nghiệm đường huyết từ 4 - 12 tuần sau khi sinh để theo dõi khả năng phát triển bệnh đái tháo đường.

Hiện nay không có biện pháp phòng ngừa tình trạng đái tháo đường khi mang thai tuyệt đối. Nhưng nếu bạn duy trì thói quen và lối sống lành mạnh trước/trong khi mang thai, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đáng kể.

Ngoài ra, trong trường hợp bạn từng bị bệnh từ trước, việc tuân thủ những thói quen lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trong những lần mang thai kế tiếp hoặc phát triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát đái tháo đường thai kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO