Lặng thầm tỏa hương...

XUÂN HIỀN 26/02/2023 07:54

Bao nhiêu năm nay, người nữ bác sĩ này vẫn bền bỉ sớm hôm cho từng cuộc sinh, từng câu chuyện về sức khỏe của phụ nữ vùng cao. Rồi gồng gánh toan tính để mấy chục con người bám trụ với công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi không bị thiệt thòi...

Bác sĩ Lê Thị Quyết - người đã 25 năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe người dân miền núi. Ảnh: T.Q
Bác sĩ Lê Thị Quyết - người đã 25 năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe người dân miền núi. Ảnh: T.Q

Nhưng trong cuộc chuyện, nữ bác sĩ Lê Thị Quyết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, lại ngại kể về mình. Chị nói đó chỉ là nhiệm vụ của một người đã chọn theo đuổi ngành y, là trách nhiệm của người được chọn làm quản lý. Và may mắn, đã 25 năm qua, chị tròn vai của mình.

Trở về quê hương

Năm 1998, cô gái vừa tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, nhất mực trở về quê hương. Dù huyện Hiên khi ấy, vô vàn khốn khó và thiếu thốn. Mọi cuộc quay về đều nhẹ như đất trở mình trong một sáng sớm cuối xuân.

Quay về, có lẽ bao giờ cũng dễ dàng hơn. Nhưng với tuổi trẻ, lựa chọn giữa trở lại quê nhà và dấn thân theo đuổi điều mới mẻ ở một vùng đất mới, luôn là những tầng nấc chênh vênh, buộc họ phải lựa chọn.

Chị Quyết nói, trong tâm trí mình, chưa bao giờ chị muốn xa vùng núi đồi với đồng bào dân bản. Lựa chọn ngành y cũng vì bản thân đã chứng kiến những bất lực trong cuộc giành giật sự sống của chính những người ở quanh mình.

Và cũng bởi, đầy chặt trong ký ức, nữ bác sĩ Lê Thị Quyết nói, là những lần theo chân cha - cũng là nhân viên y tế tại huyện miền núi Hiên đến từng nóc, từng bản. Chị quen thuộc với ống nghe, với blouse trắng trước khi biết đến y học là gì.

Từng ngày một, bước chân người nữ bác sĩ trẻ đi qua từng bản làng, từng cụm dân cư. Chuyên ngành sản khoa cho chị cơ hội để gần hơn với phận đàn bà miền núi.

Ở đó, câu chuyện chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ vùng cao chưa bao giờ là điều dễ dàng. Từ tập tục, nếp sinh hoạt, nhận thức cho đến điều kiện dành cho họ, đều trở thành những thách thức.

Lê Thị Quyết nói, những ngày còn trẻ, từ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, nhưng nhiệt huyết thì đầy chặt, lúc ấy dù là bác sĩ cơ hữu của bệnh viện huyện Hiên, mỗi lúc nghe đâu có cuộc trở dạ bất trắc, quơ vội túi đồ nghề, chị lại bươn bả đến hỗ trợ cô đỡ thôn bản để... cứu sống sản phụ.

Không nhớ biết bao lần nửa đêm vượt núi, cũng không đếm hết được đã có bao nhiêu đứa trẻ huyện Hiên này lớn lên từ cuộc sinh khó nghèo không tã lót, không cả sự chuẩn bị cho chuyến vượt cạn từ bản thân người phụ nữ. Không là câu chuyện ở Đông Giang nhưng mỗi khi nghĩ tới các cuộc sinh ở miền núi, cảm giác rùng mình hiện lên ở mỗi gương mặt người làm ngành y.

Để cứu người, thậm chí phải vượt qua những tập tục. Nhiều năm về trước, luôn có những câu chuyện rúng động về cuộc sinh nở của người đàn bà vùng cao. Con số sản phụ tử vong vì sinh đẻ tại nhà hoặc không được thăm khám trong suốt thai kỳ, không phát hiện kịp các biến chứng thai kỳ… hầu như năm nào cũng có, địa phương nào cũng có.

Cho đến một ngày, huyện Hiên tách ra để soạn sửa cho những cuộc phát triển mới. Và may mắn, từ đây, công tác chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm hơn. Lê Thị Quyết vẫn tiếp tục ở lại Đông Giang, trở thành nữ bác sĩ chuyên tâm cho việc điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bền bỉ góp mật

Nhiều người đã đến và rời đi, vì không chịu nổi khốn khó. Chỉ duy Lê Thị Quyết bền bỉ bám trụ, và có lẽ trở nên ngoan cường. Tư chất một phụ nữ sinh ra ở vùng khó buộc chị không thể vì khó hơn mà từ bỏ.

Dù làm quản lý nhưng mỗi cuộc sinh khó, phẫu thuật sản khoa phức tạp, Lê Thị Quyết đều là bác sĩ mổ chính. Ảnh: T.Q
Dù làm quản lý nhưng mỗi cuộc sinh khó, phẫu thuật sản khoa phức tạp, Lê Thị Quyết đều là bác sĩ mổ chính. Ảnh: T.Q

Càng khó, càng phải nỗ lực. Đó gần như là tất cả những gì nữ bác sĩ Lê Thị Quyết cho là hành trang để ở mãi với chốn quê nhà của chị. Huyện chia tách, mọi thứ với Đông Giang đều ở mức lưng chừng.

Không phải địa phương có quá nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Càng không phải địa phương được xác định là vùng biên viễn. Đông Giang vẫn nhiều hơn là dân ngụ cư, dân kinh tế mới. Nên cái tâm tình của người ở lại đất này, vẫn chỉ xem là đất tạm, đất gởi chớ không phải đất quê nhà.

Bác sĩ Quyết nói chị biết điều đó, bởi đa số y bác sĩ của Trung tâm Y tế Đông Giang, vẫn chủ yếu không là dân địa phương. Nhưng qua thời gian, thiên chức của những người chọn ngành y, đã giữ lấy họ nhiệt tâm với từng hoạt động liên quan đến sức khỏe, sinh mệnh con người miền núi.

Y tế vùng cao không chỉ đơn thuần là điều trị bệnh. Nó là hàng tỉ thứ liên quan từ nhận thức, văn hóa truyền thống cho đến điều kiện sống. Bác sĩ Lê Thị Quyết nói, cán bộ y tế vùng cao hệt như những con ong mà mỗi bản làng được ví như một cánh đồng hoa. Ví von vậy thì anh em mới có động lực làm việc. Mật hoa là chính sự thay đổi của bà con.

Họ chịu đến trạm y tế, đến trung tâm y tế khi có bệnh. Chịu tiêm vắc xin. Chịu chăm sóc con cái theo nguyên lý cơ bản nhất. Tuyên truyền nối tiếp tuyên truyền, những cán bộ y tế thôn bản, y tế trung tâm... mòn vẹt chân đến những bản làng xa xôi nhất...

Nhưng lương của một bác sĩ trẻ ở miền núi thì chỉ chưa tới 5 triệu đồng. Con số này so với chi phí sinh hoạt ở Đông Giang, gần như nhấp nhổm. Lê Thị Quyết nói, giống như tình trạng các địa phương miền núi, vài năm nay, Trung tâm Y tế Đông Giang xoay đủ đường để không phải thiếu nợ lương người lao động. Vì sao? Cơ chế tự chủ tài chính đẩy những cơ sở có hệ điều trị của y tế cơ bản gần như rơi vào cảnh bất lực.

Quy định hệ dự phòng được chi 100% từ ngân sách nhà nước, nhưng hệ điều trị thì phải có bệnh nhân nhiều, sử dụng nhiều danh mục của bảo hiểm y tế thì y bác sĩ mới có thu nhập. Kể cả chi phí mua sắm trang thiết bị, tất cả đều dựa hết vào chi phí khám chữa bệnh thu được.

“Nhưng ở miền núi, một đơn vị y tế chủ yếu vẫn điều trị những bệnh cơ bản, chi phí thấp. Khi bệnh nhân thực hiện các thủ thuật kỹ thuật cao thì con số chi của bảo hiểm y tế mới tăng lên. Riêng Đông Giang, dân lại ít hơn so với các huyện khác. Giao tự chủ tài chính cho các trung tâm y tế miền núi như chúng tôi là gây khó cho anh em y tế” - bác sĩ Lê Thị Quyết nói.

Vì khó đủ thứ, nên để giữ chân một bác sĩ ở lại với vùng núi, phải bằng những chân thành từ phía người quản lý. Từ vóc người đã mang tính cách cương nghị, nên sự quyết liệt để cải thiện từng bước một y tế cộng đồng vùng cao, đã nhìn thấy ở Đông Giang. Hầu hết trạm y tế của Đông Giang đều có bác sĩ cơ hữu. Trong khi đa số huyện miền núi, vị trí bác sĩ ở trạm y tế đều ở mức thiếu hụt. Hẳn chỉ riêng điều này, đã thấy người nữ bác sĩ Lê Thị Quyết đã tròn vai với cộng đồng quê nhà...

“Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc”

Năm 2020, Trung tâm Y tế huyện Đông  Giang là đơn vị tuyến huyện đầu tiên được nhận danh hiệu Bệnh viện nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc tại Quảng Nam. Con số trung tâm y tế trên cả nước được nhận danh hiệu này cũng chỉ đếm đầu ngón tay. Tất cả đều là nỗ lực của bác sĩ sản khoa Lê Thị Quyết.

“Người mẹ ở vùng cao chưa bao giờ cho con bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng. Dù tỷ lệ dùng sữa công thức tại vùng núi dĩ nhiên so với đồng bằng rất chênh lệch. Nhưng họ không ý thức được rằng cần phải cho bé bú mẹ.

Có nhiều mẹ mới sinh con hơn 1 tháng đã giao cho ông bà hoặc người nhà chăm để lên rẫy. Họ hoàn toàn không có khái niệm vắt sữa để trữ. Ở nhà, người thân có thể cho bé uống nước cơm, hoặc thậm chí cho ăn” - bác sĩ Lê Thị Quyết nói.

Cho nên, cứ mỗi sản phụ đến trung tâm y tế để khám thai hoặc sinh nở, bắt buộc đều có nhân viên y tế tư vấn về tác dụng tuyệt vời của sữa mẹ. Mãi cho đến khi con số sản phụ sinh nở tại trung tâm và trạm hoàn toàn cam kết cho bé bú mẹ lên đến hàng trăm, thì Trung tâm Y tế Đông Giang cũng đồng thời được ghi nhận từ các tổ chức xây dựng nên danh hiệu này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lặng thầm tỏa hương...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO