Người chữa khỏi Covid-19 không được chủ quan trước nguy cơ tái nhiễm

TRƯỞNG HOA 17/03/2022 15:56

(QNO) - Hiện nay nhiều người sau khi mắc và đã điều trị khỏi Covid-19 chủ quan cho rằng mình có kháng thể mạnh, đã tiêm 3 mũi vắc xin nên không lo bị tái nhiễm trong ít nhất 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp mắc Covid-19 điều trị khỏi, trong vòng hơn 1 tháng lại tiếp tục bị tái nhiễm lần 2.

Bệnh nhân đến khám tại cơ sở y tế.
 Bệnh nhân đến khám bệnh tại Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Tái nhiễm sau khi vừa khỏi bệnh

Chị Nguyễn Thị L. (xã Điện Phong, Điện Bàn) bị dương tính với Covid-19 cách đây 2 tháng, chị phải điều trị và cách ly tại nhà 7 ngày, sau đó lấy mẫu làm test nhanh cho kết quả âm tính. Chị thực hiện cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày nữa rồi mới quay trở lại công sở để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Do mới mắc Covid-19 nên chị cũng yên tâm, thậm chí có lúc tự tin đi ra ngoài ăn uống với đồng nghiệp cơ quan, đi cà phê với bạn bè vào các ngày cuối tuần vì nghĩ bản thân đã tiêm 3 mũi vắc xin, lại vừa mới bị F0 nên kháng thể sẽ rất mạnh, khó bị lây nhiễm. Thế nhưng sau 2 tuần đi làm, chị L. thấy người hơi mệt, sốt nhưng không bị mất vị giác như lần trước. Nghĩ rằng đó là biểu hiện của hậu Covid-19 nên chị đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, qua test nhanh, bác sĩ thông báo chị tiếp tục bị dương tính với SARS-Co-V2.

 "Lúc đầu tôi không tin nên yêu cầu bác sĩ test lại lần nữa thì vẫn 2 vạch, hỏi bác sĩ thì được lý giải hoàn toàn có khả năng tái dương tính. Cũng may là lần sau không nặng như lần trước, chỉ hơi ho một chút, không bị mất vị giác, tôi vẫn ăn uống bình thường, Sau 5 ngày ăn uống, bồi dưỡng sức khỏe, tôi đã âm tính. Do vậy, mọi người đừng chủ quan vì mắc Covid-19 rồi hoàn toàn vẫn có thể bị lại" - chị L. chia sẻ.

Các chuyên gia y tế nhận định, khi nhiễm Covid-19 cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch, nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính chất bền vững vì sẽ luôn có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu. Chưa kể với những biến chủng mới của Covid-19 gần đây sẽ thâm nhập vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh mà kháng thể chưa kịp đáp ứng lại được.

Theo bác sĩ Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế, vi rút SARS-Co-V2 gây bệnh Covid-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh. Do đó, ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh.

Làm gì khi tái nhiễm Covid-19?

Bác sĩ Mai Văn Mười cho rằng, trong khoảng thời gian ngắn sau khi mắc Covid-19, việc bị tái nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra, bởi người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau. Tuy nhiên, nếu chẳng may tái nhiễm thì cũng không nên quá hoang mang. Bởi lẽ, tái nhiễm đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, đặc biệt là những người đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin Covid-19. 

Bên cạnh đó, nhóm người trên 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cũng thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm Covid-19.

Cũng theo người đứng đầu Sở Y tế, dù tỷ lệ tái nhiễm Covid-19 không cao và thường có triệu chứng nhẹ hơn nhưng không được chủ quan, xem thường vì những người bị tái nhiễm là người có cơ địa miễn dịch giảm, tuổi cao, nhiều bệnh nền. Đây là cơ hội để các bệnh này tái phát gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Chính vì vậy, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh cũng không được chủ quan, âm tính không có nghĩa là đã tạo được miễn dịch suốt đời. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của vi rút. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, theo dõi và thăm khám sớm khi có triệu chứng hậu Covid và đặc biệt là cần tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người chữa khỏi Covid-19 không được chủ quan trước nguy cơ tái nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO