Những thầy thuốc đặc biệt

PHƯƠNG NAM 27/02/2019 16:46

Dù công việc khó khăn, vất vả, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng các thầy thuốc ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (xã Sông Trà, Hiệp Đức) vẫn luôn tận tụy hết lòng với việc chăm sóc, chữa trị cho những người nghiện ma túy.

Đối mặt với hiểm nguy

Chúng tôi được anh Nguyễn Đình Trinh - Trưởng phòng Y tế Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho xem hồ sơ của các học viên cai nghiện. “15 giờ 20 ngày 28.10.2018, học viên P.T.T. (SN 1980, xã Bình Tú, Thăng Bình) dùng tay đập vào nền gạch để lấy mảnh gạch vỡ cắt mạch máu. 17 giờ 50 ngày 12.2.2019, học viên N.A.D. (SN 1993, xã Tam Dân, Phú Ninh) la hét, đòi uống bia rượu. 21 giờ ngày 12.2.2019, học viên L.Đ.K. (SN 1988, xã Tam Thái, Phú Ninh) gây rối, không thực hiện nội quy. 20 giờ ngày 18.2.2019, học viên N.T.A. (SN 1972, trú xã Tam Đại, Phú Ninh) quậy phá, đập đầu vào tường khi lên cơn vật thuốc...”.

Có đọc những trang hồ sơ này mới hiểu hết những khó khăn, vất vả của thầy thuốc nơi đây. Anh Trinh cho biết, cam go nhất là giai đoạn cắt cơn, giải độc cho học viên mới vào. Phần lớn học viên là người đã sử dụng ma túy nhiều năm, có tiền án, tiền sử hoặc mang trong mình bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chính vì thế, công việc của người thầy thuốc ở đây không tránh khỏi rủi ro. Gần đây nhất, 28 Tết Kỷ Hợi, khi mới được đưa vào cơ sở, học viên L.T.T. (SN 1991, phường Điện Ngọc, Điện Bàn) đã dùng tay hất tung bàn làm việc và lao đến đánh cán bộ y tế. Một thầy thuốc của cơ sở còn bị cựu học viên trả thù bằng cách chặn ô tô, đập xe và đuổi đánh khi đang trên đường về nhà. Y sĩ Lê Minh Cơ tâm sự: “Ban đầu, gia đình, bạn bè phản đối khi tôi làm việc tại cơ sở vì sợ nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Nhưng tôi nghĩ, nếu sợ hãi thì ai sẽ là người làm công việc cai nghiện và chữa bệnh cho các học viên ở đây. Bây giờ thì gia đình đã ủng hộ công việc của tôi”.

Hiện có 167 học viên cai nghiện tại cơ sở, trong đó có 20 học viên được bố trí ở cơ sở xã hội để điều trị cắt cơn. Học viên đông nhưng đội ngũ y tế chỉ có 6 y sĩ, trong đó 3 y sĩ nữ. Mỗi ca trực phải chia làm hai nhóm, một nhóm trực ở cơ sở xã hội để điều trị cắt cơn cho học viên mới vào, một nhóm trực bên trong cơ sở cai nghiện để kịp thời xử lý khi học viên ốm đau. “Khi trực ở cơ sở xã hội hầu như anh em đều không ngủ. Bởi khi lên cơn đói thuốc, học viên la hét cả đêm” - anh Trinh nói. Tuy nhiên, sau thời gian cắt cơn, các học viên được đưa vào nền nếp, thực hiện đúng các quy định, nội quy của cơ sở.

Thay cả người nhà

“Thông thường, bệnh nhân cần và tìm đến thầy thuốc nhưng ở đây thì ngược

lại, chúng tôi tìm họ, cần họ hợp tác để cai nghiện, điều trị bệnh, dù

trên người họ mắc đủ các loại bệnh xã hội, có cả nhiễm vi rút HIV, lao

phổi, hen suyễn... Nếu không xuất phát từ một trái tim nhân hậu và tinh

thần trách nhiệm thì những người thầy thuốc nói riêng và cán bộ của cơ

sở đã không thể hoàn thành nhiệm vụ”.

(Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh)

Việc đưa học viên đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện là chuyện khá thường xuyên đối với các thầy thuốc ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Theo quy định, khi học viên bị bệnh, nếu nằm ngoài khả năng điều trị của cơ sở, học viên sẽ được đưa đến Trung tâm Y tế huyện hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khi đó, cơ sở sẽ liên lạc với người nhà bệnh nhân và bàn giao cho gia đình chăm sóc. Khi nào học viên khỏi bệnh gia đình sẽ đưa học viên trở lại cơ sở để tiếp tục cai nghiện. Tuy nhiên, nhiều gia đình không hợp tác hoặc bỏ mặc người thân nên các thầy thuốc phải làm thay vai trò gia đình chăm sóc học viên suốt thời gian điều trị. Điển hình là trường hợp của học viên N.V.T. (SN 1985, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước). Khi T. bị bệnh nặng phải đưa đến bệnh viện điều trị, cán bộ cơ sở liên hệ để phối hợp chăm sóc thì gia đình trả lời rằng “không có tiền đón xe đến bệnh viện”. Thế là các thầy thuốc phải gửi lộ phí để phụ huynh đến bệnh viện chăm sóc T.. Cũng có trường hợp gia đình học viên bỏ mặc không đến bệnh viện dù con em mình bệnh nặng. Lúc đó, các thầy thuốc của cơ sở trở thành người nhà học viên và làm rất nhiều việc như bón cháo, bón sữa, thay bỉm. Có lần, nửa đêm cơ sở phải đưa 15 học viên xuống Trung tâm Y tế huyện cấp cứu vì họ đồng loạt uống nước tẩy rửa nhà vệ sinh... Tuy nhiên, với mong muốn cai nghiện thành công cho các học viên, các thầy thuốc đã chịu khó gần gũi, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của học viên để tư vấn, cảm hóa, giúp học viên qua “cơn đau” của quá trình cắt cơn và tiếp tục động viên họ suốt quá trình cai nghiện. “Tôi tin rằng dẫu gì bản tính lương thiện vẫn tồn tại trong mỗi con người, chỉ là nhất thời họ bị “nàng tiên nâu” chi phối mà thôi…” - anh Trinh nói. Với suy nghĩ đó, anh Trinh và các đồng nghiệp đã luôn gần gũi, động viên, chia sẻ để bệnh nhân của mình có thêm quyết tâm và niềm tin vượt qua khó khăn, sớm được trở về với cuộc sống đời thường.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những thầy thuốc đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO