Sẵn sàng nguồn lực điều trị Covid-19

XUÂN HIỀN 06/09/2021 08:07

Yêu cầu phải sẵn sàng nguồn nhân lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được đặt ra trong bối cảnh lực lượng y bác sĩ các tuyến đang thiếu. Đào tạo khẩn cấp cho nguồn lực y tế địa phương là điều cần tính đến.

Tiếp tục tăng cường nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 là điều cần thiết hiện nay. Ảnh: X.H
Tiếp tục tăng cường nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 là điều cần thiết hiện nay. Ảnh: X.H

Nhân lực cho tầng điều trị thấp nhất

Ông Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho rằng, nguồn nhân lực y tế trong thời gian tới là điều cần phải được quan tâm tại các địa phương.

Theo đó, sự xuất hiện biến chủng Delta với tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm đã làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước. Trong khi đó, năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực ở nhiều địa phương không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, nâng cao năng lực của bệnh viện các tuyến là vấn đề cấp bách.

Cũng như cả nước, Quảng Nam hiện nay phân tầng điều trị Covid-19 với tháp 3 tầng. Theo đó, tầng 1 là các cơ sở điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng. Tầng 2 tiếp nhận và thu dung các trường hợp cấp cứu, điều trị F0 có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng, có hoặc không kèm bệnh nền. Tầng 3 là thể nặng, hồi sức chuyên sâu cho các F0 nặng.

Với thực trạng xuất hiện số lượng ca tái dương hay dương tính kéo dài trên địa bàn thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu: “Tiểu ban Điều trị có ý kiến với Bộ Y tế về các tiêu chuẩn ra viện tại Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14.7, cần thiết đề nghị được nâng các tiêu chuẩn ra viện lên mức độ cao hơn tại Quảng Nam trong bối cảnh số lượng bệnh nhân trên địa bàn tỉnh còn chưa nhiều”.

“Kinh nghiệm điều trị Covid-19 trong thời gian qua, tôi cho rằng nhân lực điều trị ở tầng 1 rất quan trọng. Nếu tầng này làm không tốt thì sẽ dẫn đến số bệnh nhân chuyển nặng và khó lòng xoay sở. Ngay cả hệ thống camera cũng nên ưu tiên cho tầng 1.

Để tầng trên không bị quá tải, đòi hỏi tầng dưới phải theo dõi bệnh nhân sát. Do vậy, tuyến y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng vì đây là nơi tiếp cận người dân nhanh nhất.

Tuyến này cần phải có kiến thức về Covid-19 để xử lý cho bệnh nhân, thậm chí có thể bổ sung nhân lực cho các bệnh viện dã chiến. Nếu bệnh nhân được xử lý tốt ở tuyến dưới thì không cần phải chuyển lên tuyến trên, có như vậy mới không gây vỡ trận trong tình hình dịch bệnh phức tạp” - ông Đinh Đạo nói.

Khẩn trương có kế hoạch đào tạo

Nhanh chóng thiết lập một hệ thống y tế gần dân, cơ sở y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, cũng như cần có hệ thống điều phối nhân lực, thiết bị y tế được sắp xếp khoa học.

Các cơ sở y tế hiện nay nên chủ động nguồn lực đáp ứng với tình hình dịch bệnh là yêu cầu được nhiều chuyên gia đặt ra. TS. Lê Viết Nhiệm - Trường Đại học Y Dược Đà Nẵng cho rằng, việc đào tạo nên phân ra các nhóm khác nhau như nhóm hồi sức, truyền nhiễm, nhóm các chuyên khoa khác. Trong nhóm chuyên khoa khác nên có nhóm báo động đỏ để không bị động.

“Hiện tại chúng ta đang rất bị động. Chúng ta nên nghĩ đến chuyện đào tạo ngay từ bây giờ. Trong trường hợp nếu dịch bệnh lan rộng thì các cơ sở y tế tuyến huyện phải có nhân lực điều trị.

Tôi kiến nghị Sở Y tế nên để các đơn vị đăng ký danh sách nhân lực chống dịch. Mỗi bệnh viện nên cử lần lượt 1 ê kíp gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng để cùng làm việc với lực lượng tại các cơ sở đang điều trị Covid-19, quay vòng 14 ngày.

Hết kíp này đến kíp khác, như vậy tại tất cả cơ sở y tế chúng ta sẽ có nhân lực hiểu biết kinh nghiệm điều trị Covid-19” - TS. Lê Viết Nhiệm nói.

Yêu cầu các cơ sở y tế nên chủ động nguồn lực đáp ứng với tình hình dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị Sở Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo về các tầng của điều trị, đảm bảo sẵn sàng điều động khi cần thiết, tính tới lâu dài toàn bộ cơ sở y tế trên địa bàn đều có ê kíp điều trị Covid-19.

“Việc phân tầng, điều phối các ca bệnh cần linh hoạt giữa các cơ sở điều trị trong bối cảnh số ca bệnh trên địa bàn vẫn đang ở mức kiểm soát. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam khẩn trương xây dựng Đề án thành lập trung tâm Hồi sức tích cực tại đơn vị với quy mô 80 - 120 giường bệnh để điều trị các ca bệnh nặng và nguy kịch theo đúng quyết định của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, phát huy tối đa kinh nghiệm điều trị Covid-19 của cán bộ điều trị, cán bộ có trình độ chuyên môn sâu theo các nội dung tại bệnh viện. Các đơn vị điều trị Covid-19 rà soát tổng thể cơ số thuốc, trang thiết bị cần thiết để đáp ứng điều trị tại cơ sở mình” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Tiểu ban Điều trị thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẵn sàng nguồn lực điều trị Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO