Sốt xuất huyết: S.O.S!

XUÂN HIỀN 09/11/2022 07:14

Lưu lượng bệnh tăng đột biến, đặc biệt là số trẻ em mắc sốt xuất huyết ghi nhận ở mức báo động. Lần đầu tiên, các cơ sở y tế trong tỉnh gần như phải gồng mình xoay xở để điều trị...

Xoay xở để đủ giường nằm cho bệnh nhân tại BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc.
Xoay xở để đủ giường nằm cho bệnh nhân tại BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc.

Ghi ở một bệnh viện

Tại BVĐK KVMN phía Bắc, trong 11 tháng của năm 2021 chỉ tiếp nhận 45 bệnh nhân SXH, thì năm 2022, từ ngày 1/1 - 8/11 BV đã tiếp nhận đến 4.628 ca nhập viện điều trị SXH. Đến ngày 8/11, còn 310 bệnh nhân đang điều trị.

Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi (BVĐK KVMN) phía Bắc, đóng tại huyện Đại Lộc, ngay trong sáng 8/11, số bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) nằm tràn cả khu vực hành lang.

Thậm chí, để đủ số giường đáp ứng cho số bệnh tăng mỗi ngày, BV này còn tận dụng khu vực trống ở kề các lan can - nơi vốn dĩ là khoảng không gian của khu vực chờ bệnh hoặc để tạo thông thoáng cho khu vực phòng bệnh.

Ngay khi thang máy tầng 4 của tòa nhà BV mở ra, chúng tôi ngỡ mình đang nhầm vào khu vực... buồng bệnh nội trú. Thậm chí, có giường phải kê sát cửa thang máy vì không có chỗ. Bồng bế, dỗ dành, lau mát..., mỗi người nhà bất đắc dĩ trở thành một “điều dưỡng” đặc biệt, chung tay chăm sóc trẻ mắc bệnh cùng đội ngũ y bác sĩ.

Chị Hồng - người dân xã Đại Sơn (Đại Lộc) đang hai tay thoăn thoắt lau mát cho con trai 4 tuổi, đã nhập viện 2 ngày tại đây nhưng vẫn còn sốt khá cao. Hai mẹ con được bố trí một giường kê sát lan can của BV, dù được che chắn bằng bạt, nhưng gió vẫn lùa khá lạnh. Và đây cũng là tình cảnh chung của hầu hết bệnh nhi phải nằm giường kê thêm, vì số lượng bệnh tăng quá nhanh.

Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc đang nỗ lực tối đa để điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: X.H
Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc đang nỗ lực tối đa để điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: X.H

Bác sĩ Lê Công Huýt - Trưởng khoa Nhi BV cho biết, chưa bao giờ khoa tiếp nhận số bệnh nhân trẻ em mắc SXH nhiều như vậy. Từ con số chỉ tiêu là 60 giường cho khoa Nhi, cho đến đầu tháng 11, số giường thực kê tại khoa đã lên đến... 250 giường. Trong số này, có đến gần 208 bệnh nhân mắc SXH.

“Khoa Nhi phải kê thêm 140 giường trong tháng này để tiếp nhận bệnh nhân. Tại khoa cũng đã xuất hiện một số ca mắc SXH có dấu hiệu nặng. May mắn chúng tôi kịp thời phát hiện và theo dõi, điều trị đúng phác đồ” - bác sĩ Lê Công Huýt nói. Gần như các không gian trống được dùng để kê giường, thậm chí, bệnh nhân mắc SXH phải chuyển sang khoa... Sản, cạnh khoa Nhi, để tiện cho các bác sĩ theo dõi.

Số ca mắc SXH tại Quảng Nam tăng đột biến trong thời gian gần đây, dẫn đến các cơ sở y tế quá tải, đặc biệt là các cơ sở y tế công lập.

Trong số các BV, gần như BVĐK KVMN phía Bắc đang phải tải số lượng lớn nhất bệnh nhân mắc SXH. Bởi đây là cơ sở y tế tuyến tỉnh duy nhất, cũng là BV lớn nhất cho người dân vùng Tây Quảng Nam, bao gồm Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang... Khu vực này không có bệnh viện tư nhân, hầu hết người dân mắc SXH chỉ biết đến BV này, khiến BV có số bệnh nhân tăng đột biến trong tuần đầu của tháng 11.

“Chưa bao giờ”

Trước tình hình quá tải của các khoa truyền nhiễm đang điều trị bệnh nhân SXH, Sở Y tế có văn bản yêu cầu các đơn vị dựa trên số lượng bệnh nhân đang được điều trị SXH tại đơn vị, khả năng thu dung điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới, khả năng tiếp nhận của các khoa khác để chủ động xây dựng phương án phù hợp, chi tiết và tự điều tiết chuyển bệnh nhân từ khoa Y học nhiệt đới/khoa được phân công điều trị bệnh truyền nhiễm qua các khoa khác trong bệnh viện. Việc điều tiết bệnh nhân giữa các khoa cần linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ yếu tố về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, có đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân.

“Chưa bao giờ” trở thành cụm từ được nhiều nhân viên y tế BVĐK KVMN phía Bắc nhắc đi nhắc lại, khi lần đầu tiên họ phải ứng phó với tình hình dịch bệnh SXH phức tạp như hiện tại. Cho đến hôm nay, đỉnh dịch vẫn chưa thấy dừng lại, con số mắc vẫn không ngừng gia tăng.

Bác sĩ Nguyễn Thống Nhất - Phó Giám đốc BVĐK KVMN phía Bắc nhận định, số lượng bệnh nhân mắc SXH tăng ngoài khả năng dự báo. “Chưa có năm nào bệnh nhân nhập viện vì SXH đông như vậy. Cũng chưa bao giờ chúng tôi phải tổ chức điều động nhân viên y tế từ các khoa phòng khác tăng cường cho khoa Nhi và Truyền nhiễm như năm nay” - ông Nhất nói.

Điều dưỡng Đoàn Thị Quý - Khoa Nội thận được điều động tăng cường cho Khoa Nhi hơn tuần nay. Công việc nhiều vất vả hơn khi phải liên tục theo dõi nhiệt độ, biểu hiện của trẻ nhập viện cũng như kịp thời cập nhật thông tin lên hệ thống của BV..., khiến cô điều dưỡng đang có con nhỏ này xoay không ngừng. Cùng với chị Quý, BVĐK KVMN phía Bắc điều động 12 điều dưỡng tăng cường cho hai khoa đang trở nên quá tải.

“Trước tình hình bệnh nhân đông như vậy, tôi nghĩ mình được điều động để hỗ trợ đồng nghiệp là điều cần thiết. Các bác sĩ trong khoa cũng tạo điều kiện, cho những chị em có con nhỏ làm hành chính hoặc không phải trực đêm” - chị Quý nói.

Cần nâng cao ý thức phòng bệnh

Theo ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam: “Nếu các địa phương đồng loạt và quyết liệt triển khai biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy thì đường cong của dịch khả năng sẽ đi xuống”. Có tới 2.600 tổ xung kích cộng đồng đã được thành lập ở tất cả địa phương, nhưng gần như việc triển khai vệ sinh môi trường mới chỉ dừng lại là việc cộng đồng.

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện.
Bệnh nhân bị sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện.

Ý thức của mỗi người dân về nguy cơ mắc SXH từ chính môi trường sống vẫn còn quá hời hợt. Đó là lý do để thấy số ca mắc SXH vẫn ghi nhận tăng cao mỗi ngày. Những người làm trong ngành y tế cho rằng, con số hơn 13 nghìn ca mắc SXH tại Quảng Nam có phần nguyên nhân từ tâm lý chủ quan của cả chính quyền các địa phương lẫn người dân. Mặc dù, ngay những ngày đầu tháng 6/2022, CDC Quảng Nam đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch SXH, bởi năm nay chính là chu kỳ phát triển của dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thống Nhất cho rằng, sẽ không có tình trạng quá tải, nếu tuyến y tế cơ sở phát triển mạnh. Bởi ngay ban đầu, nếu các trạm y tế cùng lực lượng của địa phương quyết liệt các biện pháp dập dịch, người dân hiểu rõ tình trạng của bệnh SXH và được theo dõi tại nhà để biết khi nào cần thật sự nhập viện thì sẽ không xảy ra tình trạng quá tải như hiện tại.

Chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng và tăng sức đề kháng. Tuy là bệnh thường niên nhưng SXH vẫn là bệnh có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Nhưng cũng đồng thời, bệnh này có thể phòng tránh từ chính cộng đồng.

Một lần nữa nhìn lại, căn nguyên của dịch bệnh, hầu như bao giờ cũng xuất phát từ năng lực của y tế tuyến cơ sở...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sốt xuất huyết: S.O.S!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO