Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Tiện lợi nhiều đường

VIỆT NGUYỄN 23/09/2019 11:21

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là hướng phát triển để khắc phục nhiều hạn chế trong thời gian qua, tạo thuận tiện cho cả bệnh viện lẫn gia đình bệnh nhân. 

Khám, chữa bệnh và thu lệ phí, viện phí hiện nay còn bất cập. Ảnh: QUANG VIỆT
Khám, chữa bệnh và thu lệ phí, viện phí hiện nay còn bất cập. Ảnh: QUANG VIỆT

Nhiều ưu điểm

Khu vực khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đông nghịt người bệnh, gia đình bệnh nhân. Các hàng ghế dù được bố trí ngăn nắp nhưng nhiều người vẫn phải đứng vì chờ đến lượt mình. Chị Hồ Nguyễn Ái Nhân (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Quy trình khám, chữa bệnh, thu lệ phí, viện phí của bệnh viện quá nhiều bước, rườm rà. Chúng tôi nóng lòng đến lượt khám chữa bệnh đã đành. Chờ thanh toán các khoản phí cũng tốn quá nhiều thời gian”. Không riêng trường hợp nêu trên, đó cũng là thực tế tại một số bệnh viện đa khoa ở TP.Hội An, thị xã Điện Bàn hay cơ sở y tế của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Người dân khi vào khám bệnh ở các bệnh viện, phải xếp hàng, nhận số thứ tự khám bệnh rồi đến quầy thu xếp hàng chờ nộp lệ phí. Sau khi khám bệnh, người dân lại phải xếp hàng chờ nộp tiền. Sau khám bệnh, khi đi thực hiện xét nghiệm, siêu âm lại phải quay lại quầy thu tiền xếp hàng chờ nộp tiền. Trong trường hợp nhập viện, người dân lại phải xếp hàng, chờ nộp tiền tạm ứng viện phí. Khi ra viện, người dân cũng phải xếp hàng, chờ đến lượt thực hiện các thủ tục thanh toán viện phí. Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, việc thanh toán viện phí bằng tiền mặt của người dân ở các bệnh viện đã gây nhiều bất tiện. Người dân nộp viện phí phải qua 3, 4 lượt xếp hàng, không ít lúc, ít nơi đã gây ức chế tâm lý, mất trật tự.

Đối với bệnh viện, phải bố trí số đông cán bộ chỉ thực hiện thanh toán viện phí là bất cập trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay. Ở nhiều thời điểm, do lượng người thanh toán viện phí quá đông, dồn dập đã gây quá tải, áp lực cho cán bộ thu viện phí. Theo ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng và trở nên tất yếu trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin. Ngành y tế nói chung, các bệnh viện nói riêng không thể đứng ngoài xu thế đó. “Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi phải thực hiện thủ tục khám chữa bệnh. Các bệnh viện sẽ giảm được nguồn nhân lực cho thanh toán viện phí, đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các tổ chức tín dụng có thể dễ dàng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt giúp bệnh viện và người dân giảm thiểu rủi ro khi phải thanh toán bằng tiền mặt” - ông Trần Quang Hổ nói. 

Đồng bộ vào cuộc

Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế có thể áp dụng thẻ thanh toán nội bộ của bệnh viện. Ngoài ra, có thể áp dụng ví điện tử, bởi hiện nay trên thị trường có một số ví điện tử cung cấp dịch vụ cho phép người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng cũng có thể thanh toán trực tuyến. Với giải pháp này, khi thanh toán, người dân nộp tiền vào ví điện tử thông qua các điểm giao dịch của đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc điểm giao dịch được ủy quyền như FPTshop, Viettelshop.

Tại hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế” do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian đến. Theo đó, từ trung ương đến địa phương, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, vai trò của người đứng đầu, chỉ đạo mạnh mẽ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. “Từ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành, các địa phương phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện thực tiễn” - bà Tiến nói. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như thanh toán bằng chuyển khoản qua dịch vụ của ngân hàng, qua máy đọc chấp nhận thẻ (POS), qua mã phản hồi nhanh QR Code, qua mã hóa đơn thanh toán, thẻ thanh toán nội bộ của bệnh viện, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, tiền di động mobile money... 

Ông Trần Quang Hổ cho biết, thuận tiện trong thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, viện phí nói riêng tại Quảng Nam là các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 292 máy ATM, 1.755 máy POS. Để tạo bước chuyển trong thời gian đến, các bệnh viện cần phối hợp với các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ, công ty viễn thông để đẩy nhanh thanh toán bằng internet banking, mobile banking, các loại thẻ. “Rất cần có sự hỗ trợ, khuyến khích, quy định của cơ quan nhà nước đối với thanh toán viện phí không dùng tiền mặt để đảm bảo tốt an sinh xã hội trong thời gian đến” - ông Hổ nói. Còn ông Mai Văn Mười cho biết, Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo nguồn lực triển khai các phương án thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong thời gian đến. Sở sẽ kiểm tra việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện, trung tâm y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Tiện lợi nhiều đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO