Thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập

XUÂN HIỀN 19/11/2020 05:50

Đánh giá 9 năm thực hiện Nghị quyết 47 về quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế giai đoạn 2012 - 2020 của Quảng Nam cho thấy ngành y tế đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, việc thiếu hụt đội ngũ y bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập đã dẫn đến nhiều hệ lụy. 

Nhân lực y tế công lập đang thiếu và không ổn định. Ảnh: L.Q
Nhân lực y tế công lập đang thiếu và không ổn định. Ảnh: L.Q

Thiếu bác sĩ tuyến tỉnh

Tin từ Sở Y tế, về cơ cấu chuyên môn của các bệnh viện tuyến tỉnh thì số bác sĩ/điều dưỡng, kỹ thuật viên là 1/2,35 (quy định 1/3 - 1/3,5). Tại 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tổng số bác sĩ (BS) là 398, tỷ lệ BS chuyên khoa II (4%) và BS chuyên khoa I (34,7%) đều đạt thấp so với mục tiêu phát triển nhân lực đến năm 2020 là đối với các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có ít nhất 20% BS chuyên khoa II và ít nhất 50% BS chuyên khoa I trở lên theo quyết định của Bộ Y tế. So với chỉ tiêu Nghị quyết 47 về nhân lực y tế đã đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với các quy định của Bộ Y tế về chuyên môn hiện hành, nhân lực y tế toàn ngành còn bất cập về cơ cấu, chưa đạt 0,2 BS/giường bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Mười cho biết, trên địa bàn tỉnh, nhiều bệnh viện tư nhân phát triển, chênh lệch về thu nhập giữa bệnh viện công - bệnh viện tư, chưa kể không còn chính sách thu hút, dẫn đến nguồn nhân lực bác sĩ về các đơn vị y tế công lập ít, cộng thêm việc di chuyển BS từ bệnh viện công lập ra bệnh viện tư nhân. Do vậy, đơn vị y tế công lập đã thiếu càng thêm thiếu.

Bên cạnh lý do chủ quan là tiền lương mà các bệnh viện công lập trả thấp hơn so với các bệnh viện ngoài công lập thì môi trường làm việc, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, phòng ốc... cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các BS. Hầu hết cơ sở hạ tầng tuyến tỉnh được xây dựng từ khi tái lập tỉnh đến nay, dù đã qua nhiều lần được sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu làm việc của đội ngũ y BS lẫn người bệnh. Đối với 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, khu vực, hiện các khối nhà khu kỹ thuật, khu khám bệnh, khu điều trị nội trú đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nặng, công năng sử dụng không đáp ứng với số lượng bệnh nhân nội trú đã vượt gấp 1,5 - 2 lần so với quy mô thiết kế sàn xây dựng trước đó. 

Cần giải pháp căn cơ

Hiện nay, Quảng Nam có số lượng cơ sở y tế tư nhân khá lớn. Tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 7 bệnh viện đa khoa tư nhân với quy mô 1.140 giường bệnh, 187 phòng khám chuyên khoa, 18 phòng khám đa khoa, 152 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Ngoài ra, toàn tỉnh phát triển 151 cơ sở dịch vụ y tế, 1.097 cơ sở hành nghề tân dược...

Để giữ chân BS, lãnh đạo các bệnh viện kiến nghị Sở Y tế, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách cho bệnh viện được tự chủ thực sự để triển khai thêm các dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu nhằm tạo nguồn thu, nâng cao thu nhập cho đội y BS. Ngoài ra, theo chia sẻ của một số BS, cần có chế độ hỗ trợ, thu hút BS phù hợp cũng như chế độ lương, phụ cấp hợp lý cho các BS bởi trên thực tế tiền trực một đêm của các BS bệnh viện công lập chỉ bằng 1/20 số tiền trực một đêm của các BS bệnh viện ngoài công lập.

Trong khi đó, số lượng nhân viên y tế thôn bản kiêm nhiệm vụ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em hiện nay trên toàn tỉnh là 2.243 người/2.269 người. Tuy nhiên, hầu hết nhân viên y tế thôn bản ở các khối phố, tổ dân phố không ổn định, có nguy cơ bỏ việc do không được hưởng chế độ phụ cấp y tế thôn bản theo quyết định của Chính phủ.

“Năm 2020 đội ngũ nhân viên y tế thôn bản - cộng tác viên dân số - gia đình và trẻ em sau khi kiện toàn, sắp xếp lại thì những nhân viên đã được đào tạo phải nghỉ việc do không đủ điều kiện về độ tuổi. Đội ngũ nhân viên khác thay thế chưa được đào tạo đạt chuẩn nên tỷ lệ thấp, chỉ đạt 32% trên tổng số nhân viên y tế thôn bản đang hoạt động” - bà Nguyễn Thị Nha, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Y tế nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO