“Thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ

CHÂU NỮ 17/09/2019 12:08

Các bệnh viện tuyến tỉnh ở Quảng Nam điều trị tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ) khá thành công cho hầu hết trường hợp nhập viện trong “thời gian vàng” (khoảng 3 - 4 giờ đầu khi có triệu chứng). Đối với các trường hợp nhập viện không kịp thời, di chứng để lại khá nặng nề cho chính bệnh nhân và người nhà của họ.

Điều trị bệnh nhân tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: C.N
Điều trị bệnh nhân tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: C.N

“Thời gian vàng”

Bệnh nhân B.T.H. (41 tuổi, ở phường An Xuân, Tam Kỳ) đột ngột bị méo miệng, tê liệt chân tay và nhanh chóng được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam cấp cứu. Nhờ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân H. đã hồi phục rất nhanh, có thể nói được và bắt đầu tập đi chỉ sau vài ngày điều trị. Chị H. chia sẻ, chị cũng không ngờ mình hồi phục một cách ngoạn mục như vậy, vì khi vừa phát hiện triệu chứng, chị và gia đình đã nghĩ đến hậu quả là sống đời sống thực vật. Nhiều bệnh nhân đột quỵ đến điều trị ở BVĐK Trung ương Quảng Nam cũng qua cơn nguy kịch, hồi phục nhanh nhờ nhập viện kịp thời. Bệnh nhân N.T.L. (67 tuổi) nhập viện trong tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp; sau đó đột ngột méo miệng và yếu nửa người, được BVĐK Trung ương Quảng Nam chẩn đoán nhồi máu não cấp và được chỉ định tiêu sợi huyết. Người nhà bệnh nhân L. cho biết, sau vài giờ làm tiêu sợi huyết, bệnh nhân cải thiện rõ rệt tình trạng yếu liệt, sức khỏe phục hồi nhanh chóng.

Theo bác sĩ Trần Anh Quý - Trưởng khoa Nội tổng hợp BVĐK Trung ương Quảng Nam, đột quỵ do nhồi máu não diễn ra bất ngờ và rất nguy hiểm. Thời gian vàng trong điều trị nhồi máu não bằng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là 3 - 4 giờ từ khi phát hiện triệu chứng. Chính vì vậy, khi phát hiện người bệnh có các dấu hiệu đột quỵ như đau đầu, nôn, méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường, rối loạn ý thức… cần đưa ngay đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ để được điều trị hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.  Bác sĩ Trần Lâm - Trưởng khoa Tim mạch BVĐK Quảng Nam nói thêm về dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ theo quy tắc F.A.S.T (nhanh). Đó là: Face (khuôn mặt): méo miệng, biểu hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười, nhe răng. Arm (tay): yếu liệt tay chân, để biết bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không, cần yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Speech (lời nói): ngôn ngữ bất thường, cần đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản để xem họ có lặp lại được không, và xem giọng nói có bị “đơ” hay không. Time (thời gian): Khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên một cách đột ngột, cần gọi cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất. Tuy nhiên, hiện nay ít người hiểu về đột quỵ nên khi bệnh nhân đột quỵ, người nhà thường cho là bị “trúng gió” (theo quan niệm dân gian) và cũng tự ý cứu chữa tại nhà mà không nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Áp dụng kỹ thuật cao

Theo bác sĩ Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện nay BVĐK tỉnh, BVĐK Trung ương Quảng Nam, BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam... đều có đủ năng lực chuyên môn và thiết bị phục vụ điều trị bệnh lý đột quỵ. Với phương pháp điều trị bằng tiêu sợi huyết, BVĐK Trung ương Quảng Nam đã cứu sống và phục hồi nhanh chóng cho nhiều bệnh mà không để lại di chứng nào. Tỷ lệ cứu chữa thành công các ca đột quỵ do nhồi máu não lên tới 70%.

Bác sĩ Trần Lâm cho biết, BVĐK Quảng Nam đã áp dụng các phương pháp điều trị đột quỵ như điều trị bằng tiêu sợi huyết tại chỗ, lấy huyết khối cũng như áp dụng kỹ thuật hồi sức tim - não và tỷ lệ thành công khá cao; bệnh nhân nhanh chóng phục hồi phục sức khỏe, rút ngắn thời gian điều trị. Trường hợp của bệnh nhân B.T.L., 73 tuổi, nhập Khoa Cấp cứu BVĐK Quảng Nam trong tình trạng lơ mơ, liệt nặng nửa người phải, không nói được là một trong những ví dụ điều trị thành công bằng các phương pháp trên. Bệnh nhân B.T.L. được chẩn đoán nhồi máu não và được sử dụng ngay thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch nhưng không thành công. Bệnh nhân được chuyển lên phòng can thiệp tim mạch, và ê kíp can thiệp đã thực hiện kỹ thuật tái thông động mạch não bằng dụng cụ lấy huyết khối. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, tự đi lại, sinh hoạt bình thường. Trường hợp này, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, sẽ để lại di chứng tàn phế nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Trần Lâm cho biết, đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi nhưng bệnh ngày càng “trẻ hóa” và có xu hướng gia tăng. Nhiều trường hợp nhập viện điều trị căn bệnh này ở BVĐK Quảng Nam khi ở tuổi ngoài 40 và hầu như ngày nào cũng có trường hợp nhập viện vì đột quỵ. “Đối với những người có nguy cơ bị đột quỵ (cao huyết áp, đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì...), cần có lối sống lành mạnh như phải bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, tập thể dục đều đặn và ăn uống lành mạnh (ăn trái cây, rau, cá, dầu thực vật; hạn chế ăn thịt đỏ, nội tạng, mỡ động vật và hạn chế tinh bột...)” - bác sĩ Trần Lâm khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO