Thúc đẩy hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử

XUÂN HIỀN 06/05/2022 10:25

Hồ sơ sức khỏe điện tử được xác định có vai trò quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tuy nhiên việc triển khai hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Hồ sơ sức khỏe điện tử đem lại nhiều thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ảnh: X.H
Hồ sơ sức khỏe điện tử đem lại nhiều thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ảnh: X.H

Cơ sở dữ liệu về sức khỏe

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Quảng Nam đã khởi động việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử vào tháng 7.2017. Theo đó, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử (SKĐT) được hiểu là một phần mềm quản lý thông tin sức khỏe của người dân bằng internet, liên thông với nhau giữa các cơ sở y tế trên địa bàn.

Thông qua đó, khi người dân đến bất kỳ cơ sở y tế nào trên địa bàn tỉnh để khám chữa bệnh, những thông tin liên quan đến sức khỏe, chẩn đoán từ lần khám trước sẽ dễ dàng tìm thấy.

Từ những thông tin nền như vậy, y bác sĩ có thể điều trị đúng với tiền sử bệnh đã và đang có. Sổ SKĐT được đánh giá rất hữu ích với mục tiêu thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người dân, qua đó quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế. Thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý sức khỏe, theo dõi tình hình bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hồ sơ sức khỏe điện tử đem lại nhiều thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ảnh: X.H
Hồ sơ sức khỏe điện tử đem lại nhiều thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ảnh: X.H

Tại Trạm Y tế xã Tam Phước (Phú Ninh), người dân khi đến khám chữa bệnh đều được cấp một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử. Chị Nguyễn Thị Huyền Linh (cán bộ Trạm Y tế xã Tam Phước) cho biết, qua hồ sơ SKĐT, y bác sĩ có thể biết tình hình sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bệnh nhân trước đây.

Quá trình khám chữa bệnh sẽ nhanh chóng, chính xác và thuận lợi hơn. Thông tin minh bạch cũng giúp việc quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc và xét nghiệm.

Ông Văn cho biết, thời gian qua, Sở Y tế đã chủ trì, kết nối để các đơn vị cung ứng phần mềm trong tỉnh phối hợp với nhau đảm bảo liên thông dữ liệu phần mềm hồ sơ SKĐT với phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến huyện đến xã, phường, thị trấn.

Trợ lý sức khỏe thông minh

Năm 2017, Sở Y tế phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel xây dựng hồ sơ SKĐT cho các cơ sở y tế trên toàn tỉnh. Theo đó, trên hệ thống hồ sơ SKĐT sẽ lưu dữ liệu khám chữa bệnh và tiêm chủng quốc gia, được tuyến y tế cơ sở quản lý, theo dõi chủ động, định kỳ từ lúc khai sinh cho đến lúc khai tử.

Hiện nay trên hệ thống có thống kê số lượng nhân khẩu trên toàn tỉnh, tỷ lệ trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi và thống kê số người mắc bệnh trên tổng dân số…

Ngoài hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân, ngành y tế và Viettel Quảng Nam còn xây dựng thêm cổng tra cứu sức khỏe cho người dân Quảng Nam và hệ thống ứng dụng di động sổ SKĐT.

Người dân sử dụng có thể tìm thấy lịch sử khám chữa bệnh của mình. Hiện đã có gần 322 nghìn người tải và sử dụng app này, chiếm khoảng 69% trên tổng số người dân có điện thoại thông minh.

 

Ông Nguyễn Kỹ Anh - Phó Giám đốc Viettel Quảng Nam cho biết, app sổ SKĐT là công cụ để mỗi người dân có quyển sổ y bạ điện tử gồm thông tin sức khỏe, lịch sử khám chữa bệnh, tiêm chủng…, tạo thuận lợi cho cán bộ y tế chẩn đoán và điều trị bệnh, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe liên tục, giảm bớt chi phí khám chữa bệnh.

“Thời gian đến, Viettel Quảng Nam sẽ đồng hành với ngành y tế tỉnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào ngành y tế, phục vụ nhân dân tốt hơn” - ông Nguyễn Kỹ Anh nói.

Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ vẫn là “điểm nghẽn” của ngành y tế và đối tác. Cụ thể, theo ông Văn, trong quá trình triển khai thực hiện hồ sơ SKĐT, Sở Y tế gặp khó khăn khi chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế để thực hiện quy định của pháp luật về bảo mật thông tin người bệnh. Quy định về việc chuyển dữ liệu khám, chữa bệnh vào hồ sơ SKĐT đối với các đơn vị như công an, quân đội... vẫn chưa có.

Cùng với đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa tích hợp đầy đủ vào hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT) để hình thành một mã định danh. Điều này dẫn đến việc đồng bộ cơ sở dữ liệu người tham gia BHYT để khởi tạo, hình thành hồ sơ SKĐT vẫn gặp nhiều khó khăn từ việc cập nhập số thẻ BHYT đúng của người dân có thẻ BHYT trên địa bàn, hay việc thay đổi đối tượng theo mã số thẻ... Cán bộ y tế tuyến xã phải thường xuyên theo dõi, giám sát để điều chỉnh và bổ sung.

“Hiện nay, các đơn vị y tế đang sử dụng các phần mềm khác nhau về quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân (phần mềm tiêm chủng, phần mềm quản lý khám chữa bệnh của bệnh viện…) do các đơn vị khác nhau cung cấp, gây khó khăn trong việc liên thông, kết nối với hệ thống hồ sơ SKĐT.

Hạ tầng công nghệ thông tin tại một số xã ở các huyện miền núi còn hạn chế như: chưa có mạng internet, đường truyền không ổn định, máy tính cũ… Cơ chế tài chính cho triển khai hoạt động này tại tỉnh trong giai đoạn hiện nay chưa cụ thể...” - ông Văn chia sẻ thêm.

Mới đây, tại cuộc làm việc về công tác triển khai xây dựng hồ sơ SKĐT trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu ngành y tế phải phối hợp với các ban ngành khác, nhanh chóng xây dựng hồ sơ SKĐT rộng rãi trong toàn dân, phấn đấu đạt mục tiêu 70% dân số có hồ sơ SKĐT trong tháng 6 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO