Tổng lực cải thiện y tế cơ sở - Bài 2: Loay hoay nhân lực

XUÂN HIỀN 22/02/2023 06:48

Dù đã tốc lực triển khai nhiều đề án đào tạo, các trung tâm y tế, trạm y tế trong tỉnh vẫn loay hoay với câu chuyện thiếu y, bác sĩ...

Cán bộ ở hệ thống y tế cơ sở chịu áp lực công việc khá lớn, nhưng thu nhập lại thấp. Ảnh: X.H
Cán bộ ở hệ thống y tế cơ sở chịu áp lực công việc khá lớn, nhưng thu nhập lại thấp. Ảnh: X.H

Y bác sĩ bỏ việc

Sau đại dịch COVID-19, hệ thống y tế cơ sở bắt đầu đối diện với hàng loạt khoảng trống về nguồn lực ở cả hệ điều trị lẫn dự phòng. Tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Tam Kỳ, từ năm 2016 đến nay, đặc biệt là khoảng thời gian sau khi dịch bệnh tạm lắng, có đến 10 y bác sĩ nghỉ việc.

Hệ thống y tế cơ sở của Quảng Nam đến nay có 2.954 nhân viên y tế, gồm 2.662 biên chế (còn thiếu 526 biên chế so với chỉ tiêu được giao năm 2022) và 292 hợp đồng lao động. Trong đó, có 497 bác sĩ (chiếm 16,8%), 255 dược sĩ (chiếm 8,6%), 608 điều dưỡng (chiếm 20,6%) và 1.594 nhân viên y tế khác (chiếm 54%) phân bổ ở tuyến huyện và tuyến xã. Riêng ở hệ điều trị, tuyến huyện có 1.485 người, trong đó chỉ có 328 bác sĩ và 51 dược sĩ đại học.

Báo cáo về tình hình hoạt động của TTYT TP.Tam Kỳ đến tháng 10/2022 cho thấy, cơ sở này đối diện với hàng loạt khó khăn, trong đó có thực trạng bác sĩ chuyên môn cao bỏ việc đến các bệnh viện tư nhân, dẫn đến TTYT thiếu bác sĩ khám chữa bệnh phù hợp với giấy phép hành nghề.

“Đội ngũ bác sĩ bỏ việc nhiều, nhất là bỏ việc sau khi được đào tạo chuyên môn sâu, để ra làm ở các bệnh viện tư với chế độ tiền lương và đãi ngộ tốt hơn, nên TTYT luôn ở tình trạng không có bác sĩ chuyên môn tại một số khoa, lĩnh vực trọng yếu.

Sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo về vấn đề chính sách thu hút bác sĩ chưa được triển khai nên bác sĩ mới ra trường không muốn về làm việc tại đơn vị. Do vậy, rất khó khăn trong việc đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn” - đại diện TTYT TP.Tam Kỳ nêu ý kiến.

Không chỉ ở các cơ sở y tế có hệ điều trị, tình trạng bỏ việc của cán bộ y tế còn tiếp diễn tại các trạm y tế.

Ông Lê Văn Tiến - Giám đốc TTYT huyện Núi Thành cho biết, Núi Thành có 17 trạm y tế với tổng số 102 người làm việc, trung bình mỗi trạm có 6 biên chế, về cơ cấu chức danh nghề nghiệp thì đảm bảo.

Tuy nhiên, thời gian qua, trạm y tế các xã, thị trấn bị quá tải do vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo công tác chuyên môn khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số... Vì vậy một số cán bộ tuyến xã đã bỏ việc hoặc xin chuyển ra làm tư. Từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2021, kể cả cán bộ trạm y tế và TTYT, Núi Thành có đến 8 cán bộ, viên chức nghỉ việc, bỏ việc để tìm công việc khác.

Thông qua cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách cho y tế cơ sở của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tại các địa phương trong tỉnh đều ghi nhận, hiện tại nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân ngày càng cao nhưng số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập không đảm bảo.

Số liệu ghi nhận qua giám sát cho thấy, từ năm 2021 đến nay, Quảng Nam có 87 nhân viên y tế bỏ việc, trong đó, nhân viên y tế cơ sở chiếm tỷ lệ tương đối lớn với 40% (tuyến huyện 20 người, tuyến xã 15 người) gây thiếu hụt sâu nguồn nhân lực y tế tuyến đầu. Nguyên nhân bỏ việc được đưa ra chủ yếu là do áp lực công việc, lương, chế độ, chính sách thấp không đảm bảo cuộc sống.

Khó đào tạo tại chỗ

Năm 2022, UBND tỉnh đã tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế và các đơn vị sự nghiệp liên quan đến ngành y tế tỉnh. Tháng 11/2022, UBND tỉnh có quyết định công nhận 401 thí sinh trúng tuyển viên chức y tế và phân bổ nhiệm vụ theo đề án việc làm do Sở Y tế xây dựng.

Áp lực công việc lớn, chế độ đãi ngộ thấp nhiều bác sĩ đã bỏ việc hoặc xin chuyển ra làm tư.
Áp lực công việc lớn, chế độ đãi ngộ thấp nhiều bác sĩ đã bỏ việc hoặc xin chuyển ra làm tư.

Cùng với tổ chức thi tuyển, Quảng Nam triển khai hàng loạt chính sách, quyết định từ cấp trung ương đến địa phương nhằm đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế các tuyến.

Đại diện Sở Y tế cho biết, sở liên tục tổ chức đào tạo nhân lực cho cán bộ y tế cơ sở, kể cả nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số được tập huấn, đào tạo hàng năm theo các chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020 cũng như đào tạo theo Đề án 1816 và 1718 bệnh viện vệ tinh...

Ngoài ra, đào tạo ê kíp chuyên sâu theo chính sách của tỉnh với việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành về chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập tỉnh, gia đoạn 2017 - 2021... Tuy vậy, nguồn nhân lực y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu hụt đến hàng trăm biên chế.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay các cơ sở y tế công lập nhất là y tế cơ sở và các bệnh viện trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh thiếu bác sĩ do công tác tuyển dụng, thu hút gặp nhiều khó khăn.

Lý do là không có nguồn để tuyển dụng cũng như cơ chế thu hút bác sĩ tại địa phương chưa được Trung ương hướng dẫn. Sự thiếu hụt nhân lực ở một số chuyên khoa như pháp y, giải phẫu, lao, phong, tâm thần... và ở các TTYT được xác định là do thu nhập thấp, không đủ thu hút cán bộ y tế.

Nhiều bệnh viện tuyến huyện, TTYT nhiều năm không tuyển được bác sĩ nào trong khi số lượng cán bộ chuyển đi nơi khác vẫn tiếp diễn. Tỷ lệ số trạm y tế có bác sĩ cũng chênh lệch đáng kể khi ở Hà Nội là 93,8% thì Lào Cai là 35,4% trong khi tỷ lệ ở Quảng Nam là 31,6%.

Lý giải về sự thiếu hụt nhân lực ở y tế cơ sở, đại diện Sở Y tế cho rằng, cũng với các yêu cầu khách quan, một phần nguyên nhân do chưa có thông tư hướng dẫn và thay thế Thông tư liên tịch số 08 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước.

“Những năm qua, chưa có thông tư thay thế Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV đã bãi bỏ, dẫn đến khó khăn trong áp dụng định mức số lượng người làm việc khi xây dựng đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp của ngành. Do đó hiện nay, ngành y tế không có cơ sở để đánh giá sự thiếu hụt về nhân lực y tế cơ sở so với định mức quy định hiện hành.

Hơn nữa, do các quy định về lộ trình tinh giản biên chế nên hằng năm số biên chế giao đều phải cắt giảm theo quy định để đảm bảo lộ trình tinh giản, đã ảnh hưởng đến số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế, trong khi đó nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao” - đại diện Sở Y tế chia sẻ.

Đối với cơ chế đào tạo viên chức, dù triển khai nhiều quyết định, chính sách, nhưng từ năm 2018 đến nay, số cán bộ y tế được tổ chức đào tạo lại không đủ đáp ứng nhu cầu.

Nguyên nhân được Sở Y tế đưa ra: Từ tháng 3/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 36 hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, quy định kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, nguồn thu của đơn vị y tế các tuyến chủ yếu từ kinh phí chi thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp đối với hệ dự phòng. Hệ điều trị phải lấy từ nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh, trong lúc cơ cấu giá dịch vụ chưa tính đến chi phí đào tạo. Do vậy, từ năm 2018 đến nay, các đơn vị sự nghiệp tự chủ thu chi tại Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn trong công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích viên chức y tế nâng cao trình độ chuyên môn...

-------------------------
Bài 3: Chờ đổi mới cơ chế tài chính

Một số nghịch lý trong tự chủ thu chi khiến nhiều đơn vị y tế cơ sở không đủ kinh phí chi trả cho người lao động và sắm sửa trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng lực cải thiện y tế cơ sở - Bài 2: Loay hoay nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO