Tổng lực cải thiện y tế cơ sở - Bài 3: Chờ đổi mới cơ chế tài chính

XUÂN HIỀN 24/02/2023 08:26

Từ năm 2022, các cơ sở khám chữa bệnh và hệ điều trị của trung tâm y tế thực hiện cơ chế tài chính theo nguyên tắc tự đảm bảo chi thường xuyên. Việc thực hiện tự chủ tài chính ngay thời điểm sau đại địch COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn...

Hệ thống y tế cơ sở ở miền núi gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính. Ảnh: X.H
Hệ thống y tế cơ sở ở miền núi gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính. Ảnh: X.H

Nguồn thu sụt giảm

Năm 2022, Quảng Nam ở vào năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do vậy, tiếp tục thực hiện tự chủ như giai đoạn trước, các cơ sở khám chữa bệnh và hệ điều trị của các trung tâm y tế (TTYT) thực hiện cơ chế tài chính theo nguyên tắc tự đảm bảo chi thường xuyên hoàn toàn.

Trong khi đó, nguồn thu từ các cơ sở y tế chủ yếu là triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), nguồn này chiếm 85 - 90% tổng thu dịch vụ khám chữa bệnh và các dịch vụ khác của y tế cơ sở. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, tình hình khám chữa bệnh của y tế cơ sở giảm sút, hụt thu.

Theo báo cáo của TTYT huyện Quế Sơn, năm 2022 nguồn thu tại đơn vị chỉ đạt khoảng 44% so với số giao về tự chủ tài chính của Sở Y tế. Trong khi đó, tại TP.Tam Kỳ, với mức độ tự chủ 61%, đơn vị này luôn trong tình trạng vượt chi.

Không đảm bảo cân đối thu - chi là điều gặp phải ở các TTYT có hệ điều trị thuộc khu vực đồng bằng. Đây là thực trạng được ghi nhận qua các cuộc giám sát do Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam thực hiện về chuyên đề triển khai chính sách pháp luật cho y tế cơ sở.

Căn nguyên được các địa phương nêu ra, hiện nay đã thông tuyến khám chữa bệnh nên người dân được lựa chọn nơi điều trị ban đầu. Cộng với chênh lệch trong việc phân đầu thẻ BHYT cho các bệnh viện tư lẫn phòng khám đa khoa tư nhân với các TTYT, khiến nguồn thu từ các cơ sở công lập bị sụt giảm.

Hệ thống y tế cơ sở ở miền núi gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính. Ảnh: X.H
Hệ thống y tế cơ sở ở miền núi gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính. Ảnh: X.H

Đối với cơ sở y tế miền núi, các TTYT đều tồn tại song song hệ điều trị và dự phòng. Tuy nhiên, nếu hệ dự phòng được ngân sách cấp đảm bảo hằng năm thì hệ điều trị rơi vào tình trạng khó khăn khi bắt đầu từ năm 2022 phải tự chủ hoàn toàn.

Tại huyện Nam Giang, TTYT huyện này thuộc nhóm 3 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Trong đó, hệ dự phòng, dân số và trạm y tế xã hoạt động chi thường xuyên và chi lương được ngân sách nhà nước đảm bảo 100%; còn với hệ điều trị, hoạt động chi thường xuyên và chi lương từ ngân sách nhà nước được Sở Y tế giao giảm dần từ năm 2019, cho đến năm 2022 thì phải tự chủ hoàn toàn.

“Nguồn thu của đơn vị chủ yếu từ khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên trong 3 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19 nên số lượt khám chữa bệnh BHYT giảm qua các năm, dẫn đến nguồn thu không đảm bảo chi cho hoạt động thường xuyên.

Vấn đề tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên đối với TTYT tại huyện miền núi là chưa phù hợp, gây ảnh hưởng lớn đến lương và thu nhập của nhân viên y tế, kéo theo nguy cơ bỏ việc nhiều ở những năm gần đây” - đại diện TTYT huyện Nam Giang chia sẻ.

Khó khăn thanh toán BHYT

Tại cuộc làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện Sở Y tế cho rằng, sở dĩ các đơn vị tự chủ tài chính gặp nhiều khó khăn còn bởi công tác thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT còn vướng mắc, đã kéo dài nhiều năm và chưa được tháo gỡ.

Trong đó, việc thanh quyết toán và xác định tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo Nghị định số 146, kinh phí vượt trần, vượt quỹ, vượt dự toán, vượt tổng mức… được BHXH thanh toán quá chậm hoặc không thanh toán làm ảnh hưởng đến các đơn vị.

Ngoài ra, đại diện Sở Y tế cho biết, quyết toán khám chữa bệnh BHYT không cùng với niên độ tài chính, dẫn đến bất hợp lý về dự toán giao thu của UBND tỉnh cho các đơn vị (dự toán giao chi phí khám chữa bệnh BHYT thấp so với giao thu của UBND tỉnh), đã tạo ra nhiều áp lực cho các cơ sở y tế công lập. Điều này gây khó khăn trong cân đối chi thường xuyên, không đảm bảo chi lương, chế độ phụ cấp cho người lao động.

Chưa kể, theo quy định tại Nghị định 146 ban hành ngày 17/10/2018 của Chính phủ, việc thanh toán phụ thuộc vào xác định tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của mỗi đơn vị.

Nhưng việc xác định này lại căn cứ vào số quyết toán khám chữa bệnh BHYT năm trước, nên trong 3 năm liên tục chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, số thu khám chữa bệnh BHYT của các đơn vị này luôn giảm, dẫn đến xác định tổng mức thanh toán năm tiếp theo sẽ giảm, gây áp lực cho các đơn vị trong đảm bảo kinh phí hoạt động.

Ngoài ra, quy định về tạm ứng, thanh quyết toán theo Điều 32 Luật BHYT và Nghị định số 146 còn chưa phù hợp. Luật BHYT quy định quyết toán theo quý nhưng tổng mức thanh toán quy định tại Nghị định số 146 được xác định theo năm, chưa có hướng dẫn xác định số quyết toán theo quý.

Lý giải thêm chuyện các cơ sở y tế công lập luôn ở tình trạng thu không đủ bù chi, đại diện Sở Y tế cho biết, do giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay mới cơ cấu chi phí trực tiếp, bao gồm vật tư tiêu hao, điện nước, duy tu bảo dưỡng máy móc thiết bị… và chi phí tiền lương chứ chưa cơ cấu chi phí quản lý, chi phí đào tạo, chi phí thuê các dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin phục vụ khám chữa bệnh. Do vậy, khi triển khai thực hiện tự chủ tài chính đối với hệ điều trị tại các cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc Chính phủ giao dự toán BHYT cho các địa phương trong những năm gần đây chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến các cơ sở y tế xảy ra trường hợp vượt dự toán hoặc dừng khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho người dân.

Kỳ vọng quy định mới

Ngày 9/1, Quốc hội thông qua Luật Khám chữa bệnh sửa đổi. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và được kỳ vọng là bệ đỡ nâng chất lượng khám chữa bệnh và sẽ hạn chế những vướng mắc tồn tại lâu nay. Trong đó, theo nhiều chuyên gia xây dựng chính sách, giá khám chữa bệnh được quy định tại luật lần này đã khắc phục được một số vấn đề liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

TS. Nguyễn Quang Huy - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho rằng, giá dịch vụ y tế hiện nay mới kết cấu được 2 yếu tố, gồm tiền lương và các chi phí trực tiếp. Do đó, ở luật mới này, giá dịch vụ y tế đã nâng lên để đảm bảo đủ 4 yếu tố: chi phí trực tiếp; tiền lương - tiền công; chi phí quản lý; chi phí cho khấu hao thiết bị.

“Bên cạnh đó, luật đã bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám chữa bệnh công lập. “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao”.

Đồng thời cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được tự chủ trong quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Quy định nêu trên được xem như “bệ đỡ” với những cơ sở y tế công lập dù đã nỗ lực hết sức nhưng chưa đảm bảo được cân đối thu - chi (tức là thu không đủ bù chi, thì Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách trả lương cho cán bộ y tế), hoặc Nhà nước đặt hàng những nhiệm vụ cần thiết và cơ sở được trả chi phí” - ông Nguyễn Quang Huy nói.

Đổi mới tài chính y tế sẽ góp phần hạn chế những khó khăn mà ngành này đang gặp phải, bên cạnh từng bước có chính sách phù hợp hơn với đặc thù nhiệm vụ mà ngành y đang thực hiện...

--------------------------
Bài cuối: Xây dựng chính sách từ cuộc sống

Sửa đổi chính sách với những quy định, cơ chế sát với thực tế, đi ra từ cuộc sống là điều cần thiết để luật phù hợp với xu thế và thực trạng phát triển của ngành y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng lực cải thiện y tế cơ sở - Bài 3: Chờ đổi mới cơ chế tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO