Truyền thông phòng chống kháng thuốc năm 2021: "Nhận thức lan tỏa, ngừng kháng thuốc"

THÙY AN 24/11/2021 07:48

Hôm nay 24.11, kết thúc Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc năm 2021 (18 - 24.11) với chủ đề “Nhận thức lan tỏa, ngừng kháng thuốc”, nhằm kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp tiêm chủng, an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch và các phương tiện vệ sinh để ngăn ngừa lây nhiễm, từ đó hạn chế việc sử dụng kháng sinh bất hợp lý.

Sử dụng kháng sinh đúng cách đang được WHO kêu gọi. Ảnh: T.A
Sử dụng kháng sinh đúng cách đang được WHO kêu gọi. Ảnh: T.A

Trước đây, kháng sinh được xem là một phát minh thành công của nhân loại, bởi nó mang lại nhiều lợi ích to lớn trong việc điều trị, chăm sóc người bệnh và cả thú y khi được kê đơn theo đúng phác đồ và điều trị đúng. Nhưng trong những năm trở lại đây, việc lạm dụng thuốc kháng sinh lại trở thành mối hiểm họa chung của cộng đồng.

Dược sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết: “Kháng thuốc kháng sinh là một trong những vấn đề chưa bao giờ được đề cập nhiều như hiện nay. Nếu như đầu những năm 1940, penicillin là thần dược để điều trị cho bệnh nhân nhiễm khuẩn thì ngày nay kháng thuốc kháng sinh là hiểm họa đối với bệnh nhân bị nhiễm khuẩn.

Nguyên nhân gây kháng kháng sinh hiện nay đó là việc kê đơn kháng sinh của bác sĩ, dược sĩ chưa hợp lý: quá liều, chưa đủ liều hoặc chưa theo phác đồ điều trị, chưa đúng theo kháng sinh đồ. Bệnh nhân sử dụng kháng sinh không theo đơn của bác sĩ hoặc không đúng liệu trình, hay sử dụng kháng sinh không cần thiết trong những trường hợp như: cảm cúm, nhức đầu cũng không cần thiết.

Việc lạm dụng kháng sinh và đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đang ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của người bệnh như: tăng tỷ lệ tử vong, gia tăng chi phí và kéo dài thời gian điều trị, tăng tác dụng phụ từ việc sử dụng kháng sinh liều cao làm suy giảm đề kháng của con người dẫn đến nhiễm khuẩn trong cộng đồng, bệnh viện”.

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nó khiến cho bệnh nhân phải tốn thêm nhiều chi phí cho điều trị và thời gian điều trị kéo dài hơn, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Vì vậy, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, trong tương lai, chúng ta có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm.

“Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi: Bộ Y tế đưa ra công văn về việc giám sát sử dụng kháng sinh, giám sát kê đơn và cấp phát thuốc cho người bệnh. Để giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh, các nhân viên y tế cần đảm bảo vệ sinh tay, dụng cụ và môi trường sạch sẽ trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Người dân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng kháng sinh. Dược sĩ, bác sĩ không nên lạm dụng kháng sinh trong kê đơn, căn dặn bệnh nhân sử dụng đúng liều lượng; người bệnh không tự ý chia sẻ thuốc kháng sinh còn sót lại cho người khác mà chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

Tiếp cận nguồn nước sạch an toàn, vệ sinh tay trong gia đình và nơi công cộng, cơ sở y tế có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng kháng thuốc và giảm chi phí y tế” - dược sĩ Nguyễn Văn Ngọc cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Truyền thông phòng chống kháng thuốc năm 2021: "Nhận thức lan tỏa, ngừng kháng thuốc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO