Ưu tiên đầu tư y tế cơ sở

TRỊNH DŨNG - XUÂN HIỀN 06/09/2022 08:37

Quyết định phê chuẩn chủ trương đầu tư 5 trung tâm y tế và 76 trạm y tế, kịp thời hạn ấn định cuối cùng (30.8.2022) để thụ hưởng 296 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ. Vấn đề còn lại là điều chỉnh, tính toán tiến trình đầu tư phù hợp.

Đã xuống cấp nên Trạm Y tế xã Điện Phong được chọn đầu tư xây mới đợt này. Ảnh: T.D
Đã xuống cấp nên Trạm Y tế xã Điện Phong được chọn đầu tư xây mới đợt này. Ảnh: T.D

Lựa chọn để đầu tư

Hai dự án đầu tư công nhóm B sử dụng vốn ngân sách trung ương theo Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ giao cho Quảng Nam đã được HĐND tỉnh thông qua hôm 29.8.2022. Tổng mức đầu tư cho 2 dự án này khoảng 296 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023.

Ngoài cải tạo, nâng cấp 5 trung tâm y tế tuyến huyện (gồm Núi Thành, Tiên Phước, Đại Lộc, Nam Giang và Quế Sơn); trong số 76 trạm y tế tuyến xã đầu tư đợt này, có 15 trạm y tế được xây mới, gồm: Điện Thọ, Điện Trung, Điện Phong, Điện Hòa, Bình Trị, Bình Minh, Bình Hải, Bình An, Bình Nguyên, Quế Xuân 2, Tân Bình, Đại Nghĩa, Thanh Hà, Tam Anh Bắc, Tam Mỹ Tây.

Bao gồm dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế tuyến huyện (92 tỷ đồng); dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã (tổng kinh phí đầu tư 204 tỷ đồng), trong đó xây mới 15 trạm y tế, nâng cấp và cải tạo 38 trạm y tế, đầu tư trang thiết bị cho 64 trạm y tế.

Việc đầu tư mới nhằm bảo đảm khả năng chẩn đoán bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Bởi lâu nay mạng lưới y tế cơ sở dù đã phủ rộng khắp 18 huyện, thị, thành phố và 241 địa phương cấp xã, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của dân chúng.

Cuộc khảo sát của Sở Y tế cho thấy hiện có quá nhiều trung tâm y tế, trạm y tế tuyến xã đã được đầu tư quá lâu, các trang thiết bị hầu hết đã cũ, lạc hậu, không thể phát huy tác dụng, cần phải đầu tư.

Giải thích về việc 5 trung tâm y tế được chọn đề xuất đầu tư, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế nói, các Trung tâm Y tế Quế Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc, Nam Giang và Núi Thành được xây dựng lần lượt vào các năm 1996, 1997, 2006, 2008 và 2009, nay đã xuống cấp.

Một số trung tâm y tế còn rất nhiều khoa chưa được xây dựng phải ghép các khoa khác, không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Hạn chế này bộc lộ ngay thời “khủng hoảng” khám chữa bệnh Covid-19... nên cần phải được đầu tư.

Nhiều cuộc khảo sát về thực trạng các trạm y tế hơn một năm nay mới có được số liệu cụ thể để trình Trung ương và danh mục này đã được duyệt.

Trung tâm Y tế Nam Giang và Quế Sơn từng lập thiết kế sơ bộ nhưng nguồn vốn bố trí từ ngân sách cho các dự án không đủ nên đã bị cắt; nay có nguồn vốn chương trình phục hồi kinh tế nên đề xuất đầu tư trở lại.

Đã xuống cấp nên Trạm Y tế xã Điện Phong được chọn đầu tư xây mới đợt này. Ảnh: T.D
Đã xuống cấp nên Trạm Y tế xã Điện Phong được chọn đầu tư xây mới đợt này. Ảnh: T.D

Kiểm soát chặt quá trình đầu tư

Chủ trương đầu tư dự án đã được phê duyệt để kịp thời trình chỉ là bước khởi đầu cho tiến trình của dự án đầu tư. Có khá nhiều điều đang được luận bàn, từ hồ sơ chưa hoàn chỉnh, đơn giá xây dựng, đến thông số kỹ thuật thiết bị, mặt bằng đầu tư... có đảm bảo để giải ngân 100% vốn đầu tư công.

Phải đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao

“Sẽ thành lập tổ giám sát. Nếu không thực hiện được dự án hay vượt tổng mức đầu tư khái toán thì địa phương phải tự chịu trách nhiệm. Thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế dự toán cần đánh giá đầy đủ hiện trạng, nhu cầu cần thiết phải đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế với từng công trình, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư.

Kiểm soát chặt chẽ khối lượng, đơn giá, định mức và các chi phí khác nhằm tiết kiệm nguồn vốn, phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo không làm tăng tổng mức đầu tư dự án sau khi đã quyết định chủ trương đầu tư.

Phải đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xác định với những trường hợp phát sinh của dự án. Các địa phương thụ hưởng phải cam kết có đủ mặt bằng để thi công, giải ngân và tính đến hiệu quả đầu tư”.

(Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường)

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, chi phí xây dựng của các trung tâm, trạm y tế hầu hết ở đồng bằng nhưng lại dựa trên suất đầu tư ở miền núi (dựa vào dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm y tế Phước Sơn và đồn biên phòng A Xan) là không hợp lý, vì tính chất dự án khác nhau và các thiết bị y tế chưa rõ thông số kỹ thuật, giá tham khảo thì không thể khái toán tổng mức đầu tư chuẩn xác, có nguy cơ vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho hay, việc khái toán tổng mức đầu tư trên cơ sở dự tính khối lượng bóc tách từ thiết kế sơ bộ, giá trị công trình tương tự và các định mức, đơn giá công việc đều thực hiện theo quy định nhà nước, giá thiết bị theo các báo giá và giá tham khảo trên hệ thống website của Bộ Y tế.

Giá trị tổng mức đầu tư sẽ được chuẩn xác trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi trên cơ sở khối lượng, định mức đơn giá theo quy định hiện hành, đảm bảo sẽ không vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt.

“Kết luận thẩm định ban đầu như vậy, nhưng đi vào giai đoạn lập dự án khả thi sẽ phải tính toán chi tiết, chuẩn cho từng dự án và danh mục thiết bị.

Sẽ tiếp tục theo dõi rà soát danh mục có phù hợp với trung tâm, trạm y tế và con người sử dụng thiết bị. Không thay đổi danh mục, tổng mức đầu tư nhưng hạng mục có thể thay đổi và giá sẽ tính toán theo đúng giá thị trường” - ông Thử nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, nếu không có chủ trương đầu tư được phê duyệt và trình trước 30.8.2022 thì Trung ương sẽ thu hồi vốn. Thời gian thực hiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư quá gấp gáp có thể sẽ có những trục trặc về hồ sơ hay thủ tục, nhưng sẽ điều chỉnh khi phê duyệt dự án đầu tư trên thực tế. Cả 5 trung tâm và 76 trạm y tế được chọn đầu tư lần này là do trước nay chưa đầu tư hoặc đã xuống cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ưu tiên đầu tư y tế cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO