Và, chúng tôi vẫn ở đây...

LÊ BẢO NGỌC 08/04/2022 11:58

Cuối tháng 2.2022, Cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tầng nặng thuộc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thành lập. Nhận cơ sở từ bệnh viện Trường Cao đẳng Y tế, chúng tôi có một tuần để khảo sát, dọn dẹp, chuyển trang thiết bị, cho đến chuẩn bị nhân lực, để sáng 8.3 bắt đầu đón bệnh nhân.

Những y bác sĩ dốc sức điều trị bệnh nhân có bệnh nền nặng đồng thời mắc Covid-19 tại Khu thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 3 do Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vận hành. Ảnh: Xuân Hiền
Những y bác sĩ dốc sức điều trị bệnh nhân có bệnh nền nặng đồng thời mắc Covid-19 tại Khu thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 3 do Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vận hành. Ảnh: Xuân Hiền

Những điều đầu tiên

Quy mô thành lập cơ sở theo kế hoạch là 50 giường thuộc nhóm tầng 2 và 20 giường hồi sức, nhưng dự đoán tình hình sẽ căng hơn, chúng tôi kê thêm ở những phòng trống được 10 giường. Qua 4 ngày nhận bệnh, toàn bộ 60 giường tầng 2 đã kín, chúng tôi chính thức quá tải.

Đó là những ngày điện thoại reo liên tục vì các cơ sở y tế liên hệ. Là những ngày hệ thống ô xy hay máy thở chưa được trang bị, phiên trực đối mặt với bệnh nặng chỉ biết đẩy... ô xy bình. Là những ca mổ đầu tiên thiếu thốn trang thiết bị. Là tiếng trẻ con oe oe chào đời.

Sau 4 tuần đi vào hoạt động, Cơ sở thu dung và điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã tiếp nhận 277 bệnh nhân, trong đó có 219 bệnh nhân đã được điều trị khỏi Covid, được ra viện hoặc chuyển về cơ sở để điều trị chuyển khoa. Bệnh viện đã tiến hành mổ cấp cứu cho 15 trường hợp ngoại khoa và sản khoa. Các bệnh nhân vẫn được đảm bảo tiếp cận với các quy trình kỹ thuật cao như lọc máu liên tục (CRRT), phẫu thuật nội soi, chụp CT-scan hay MRI nếu có chỉ định.

Tôi nhớ đêm trực có ca bệnh hôn mê tăng thẩm thấu do đái tháo đường. Chúng tôi chỉ biết đặt nội khí quản sau đó huy động máy thở từ cơ sở 1, và cả đêm chỉ có thể đẩy ô xy bình đến khi hết bình ô xy lúc 3 giờ sáng, nhận lệnh chuyển qua khu cách ly cơ sở 1 có ô xy tường.

Tôi nhớ, tôi và một bác sĩ gầy nhom đang là F0 khiêng bệnh nhân lên 2 tầng lầu đến khu có ô xy. Tôi nhớ từng bậc thang mà tôi đếm trong đầu. Đêm đó, toán bác sĩ điều dưỡng đầu tiên mà tuổi đời tuổi nghề còn rất trẻ đã trải qua một đêm thức trắng cùng nhau. Và điều thần kỳ là bệnh nhân này sau đó ra viện khỏe mạnh.

Với sự tài trợ của THACO, hệ thống ô xy lỏng được đưa vào hoạt động. Và những bệnh nhân nặng tràn vào lấp đầy khu điều trị tầng 4, tầng dành cho bệnh nhân thở máy.

Tôi nhớ Linh, cô gái nhỏ một mình cáng đáng chuyên môn của cả khu vực hồi sức. Tôi nhớ mỗi đêm có bệnh nặng, lúc nào bác Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức cũng có mặt đầu tiên. Tôi nhớ đêm có bệnh nhân cần lọc máu, phải mang máy lọc máu từ cơ sở 1 qua. Tôi nhớ cả những bác sĩ cơ sở 1 ngày đêm vẫn âm thầm hỗ trợ cho cơ sở 2, vốn thiếu thốn và non trẻ.

Những y bác sĩ dốc sức điều trị bệnh nhân có bệnh nền nặng đồng thời mắc Covid-19 tại Khu thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 3 do Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vận hành. Ảnh: XUÂN HIỀN
Những y bác sĩ dốc sức điều trị bệnh nhân có bệnh nền nặng đồng thời mắc Covid-19 tại Khu thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 3 do Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vận hành. Ảnh: XUÂN HIỀN

Và những bệnh nhân nặng, không nặng vì Covid thì cũng bệnh nền quá nặng, những bệnh nền mà nếu không có Covid, chưa chắc bệnh nhân có thể sống sót, và Covid như cò súng thúc đẩy cái chết đến nhanh hơn.

Những bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa, chấn thương sọ não, xuất huyết não, kể cả bệnh đông máu rải rác trong lòng mạch dù tôi làm nghề 10 năm chưa từng gặp cũng đã xuất hiện.

Sau đó là những con vi khuẩn đa kháng, tụ cầu vàng kể cả A.baumannii mà ngày xưa anh Lê Minh Khôi từng bảo nó với Covid là “Hắc Bạch song sát” cũng đã xuất hiện trên cái khu tầng 4 luôn vang tiếng bíp bíp của máy thở này.

Tôi thường đùa với mọi người, trong khu này phòng bệnh nhân nào cũng thoáng mát sạch sẽ, mỗi phòng nhân viên y tế là bức bí. Cơ sở đi mượn, dù được Trường Cao đẳng Y tế hỗ trợ hết sức nhưng chỗ ở cho nhân viên vẫn rất chật chội. Và cuối cùng, điều không mong muốn đã đến, những ca nhiễm chéo bắt đầu xuất hiện.

Mỗi lần có nhân viên của cơ sở test nhanh là tôi... đau tim. Hễ cứ ai dương tính là tôi thấy như mình bị… khó thở. Rồi lại dọn đồ, đi thẳng vào khu nhiễm. Phòng cho nhân viên là F0 không chuẩn bị kịp, chị em lấy luôn phòng giao ban, trải chiếu nằm đất. Sáng tôi lên, mở cửa, thấy đồng đội tôi nằm đó, vẫn đang sốt, mà miệng thì cười, bảo “đỡ quá khỏi mặc bảo hộ nóng lắm chị”.

Tôi nhớ cái đêm khi bác Thăng nhắn hỏi giờ ai F0 muốn về, ai muốn tiếp tục, báo lên. Tôi chỉ nhận được những tin nhắn tỉnh queo “em ở lại bác” hay “dạ em chỉ sốt thôi, vẫn còn làm được, lỡ mai mốt mệt quá không làm nổi thì em báo sau còn bây giờ làm tiếp ạ”.

Đọc tin nhắn, mà mắt tôi cay…

Nhân viên y tế luôn bận rộn công việc tại Cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tầng nặng. Ảnh: B.N
Nhân viên y tế luôn bận rộn công việc tại Cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tầng nặng. Ảnh: B.N

Và những điều không đáng có...

Đêm, có ca tử vong. Ngày, là bài viết với những bình luận ác ý. Một vài người gửi cho tôi. Tôi đọc. Im lặng. Rồi xóa luôn ứng dụng messenger trên điện thoại. Thời gian đó, tôi dành để xốc lại tinh thần của đồng đội, ở đó.

Từng trải qua 3 tháng làm việc tại trung tâm hồi sức ở TP.Hồ Chí Minh giai đoạn đỉnh dịch, và một thời gian nhận hỗ trợ điều trị tư vấn cho bệnh nhân Covid, tôi vẫn không hiểu nổi sức tàn phá của con vi rút quái ác này.

Một bệnh nhân suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, vốn cuộc sống rất mong manh. Covid giống giọt nước làm tràn ly không thể hốt lại, như quả tim vốn không khỏe mạnh kia sẽ ngưng đập rất nhanh mà không có cách nào phục hồi.

Tôi học y 10 năm, hành nghề 10 năm, đã từng chứng kiến rất nhiều cái chết. Cũng đã từng trải qua rất nhiều lần bị mắng chửi và miệt thị.

Tôi đã quen với những ruồng bỏ, những lời nói không có căn cứ “tắc trách, vô tâm, hám tiền, đưa tiền mới chữa bệnh”.

Xã hội vốn đã rất khó khăn để dành sự cảm thông cho nhân viên y tế, chỉ một vài clip, một vài lời nói có thể bùng lên cả dòng thác phẫn nộ chửi bới.

Họ không biết rằng đằng sau lớp áo trắng, nhân viên y tế chỉ là những con người bình thường. Họ cũng không hiểu rằng, sau mỗi cái chết, ngoài sự đau đớn của gia đình, thì đau đớn nhất có lẽ là các y bác sĩ.

Nhưng cô bé đồng nghiệp ra trường sau tôi vài năm thì chưa quen. Bạn điều dưỡng có tuổi nghề kém tôi vài năm thì chưa trải qua những sóng gió dường ấy. Nên tôi chỉ có thể dành thời gian của mình để động viên các em.

Tôi không có thời gian để phân bua, giải thích, tranh luận với những điều ác ý. Những điều đó, hãy để gió cuốn đi… Và công việc vẫn tiếp tục. Không vì một ca tử vong, mà công việc chúng tôi dừng lại.

Tôi bước vào khu điều trị, bóng những chiếc áo trắng vẫn đang miệt mài. Những bệnh nhân ra viện, những ca hội chẩn từ tầng 1 lên tầng 4, bệnh nhân lọc máu, bệnh nhân thở máy, bệnh nhân được chụp CT, đợi mổ cấp cứu, vẫn như một dòng thác không ngưng nghỉ.

Và chúng tôi vẫn ở đây, vững vàng với công việc của mình…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Và, chúng tôi vẫn ở đây...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO