Ý tưởng phát triển những quầy bán vé trở thành những trung tâm thông tin du lịch (DL) hấp dẫn điển hình đã khởi động kể từ sau một cuộc hội thảo về các sáng kiến phát triển DL bền vững tại Hội An hôm 22 và 23.11 vừa qua.
CÂU chuyện về 2 trung tâm thông tin DL tại Anh Quốc là Chester (quảng cáo bằng màn hình, trưng bày tờ rơi, bán áp phích và giá để tờ rơi cho các công ty quảng cáo) hay Stratford-upon-Avon (chỉ bán lẻ hàng lưu niệm, trưng bày áp phích đã đón hàng trăm ngàn du khách mỗi năm) giới thiệu tại hội thảo đã khiến cơ quan quản lý, giới kinh doanh DL thích thú đến ngạc nhiên. Kai Partale, thuộc Chương trình phát triển năng lực DL có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (ESRT), nói rằng, thành công của 2 trung tâm điển hình ấy chính là sự hài lòng của du khách. Ở đó, có đủ các tiện ích, từ việc tiếp cận các thông tin DL dễ dàng miễn phí về thị trấn, các điểm DL hấp dẫn đến hàng lưu niệm, ăn uống, trưng bày, biểu diễn hay các tour nội bộ, máy rút tiền và internet… Những nhân viên ở đó luôn sắp xếp không gian “đặc biệt” ấy mỗi ngày theo chủ đề hiệu ứng về màu sắc, quà tặng và nhóm khách hàng với giá cả rõ ràng, kèm theo nụ cười thân thiện… đã khiến du khách không thể “hững hờ” đi qua.
Du khách rất cần tiếp cận thông tin về di tích, cửa hàng, tour... chính xác và nhanh chóng. |
Kai Partale cho rằng một điểm đến tốt có tính bền vững phải cho phép mọi người sinh sống, làm việc, kinh doanh, đầu tư, mua các sản phẩm và tham quan. Hội An là một biểu tượng văn hóa, một thương hiệu DL đủ khả năng để tạo sự liên kết sản phẩm, thị trường thú vị. Các trung tâm DL sẽ đóng vai trò lớn trong chuỗi dịch vụ DL bền vững. Nơi đó không đơn giản chỉ cung cấp thông tin mà trở thành các trung tâm đăng ký kinh doanh cho cả vùng thông qua các đăng ký lưu trú, tour và tàu DL, tối đa hóa mức chi tiêu của khách và hướng họ đến các doanh nghiệp phù hợp. Cũng theo Kai Partale, điểm thành công của một trung tâm thông tin DL chính nhờ vào vị trí dễ thấy, dễ tiếp cận, diện mạo thân thiện. Tất cả thường đặt tại các điểm DL trung tâm, không làm xấu khu vực lân cận, nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường, kỹ năng giao tiếp và hiểu đúng yêu cầu của khách, gần các khu vực kinh doanh khác và thiết kế phù hợp với từng nhóm du khách.
Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An, ngoài việc nâng cấp, xây dựng 2 điểm bán vé tại số 10 đường Nguyễn Huệ và tại khuôn viên ngôi đình cổ Xuân Mỹ làng gốm cổ Thanh Hà, trung tâm dự định sẽ “biến” 4 điểm bán vé có diện tích rộng (số 5 đường Hoàng Diệu, nhà số 62 đường Bạch Đằng, Quảng trường Sông Hoài, nhà 155B đường Trần Phú) trở thành những trung tâm thông tin du khách. Tất cả nơi này sẽ giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công độc đáo của địa phương và cũng là nơi có thể thống kê lượng khách mua vé tham quan, nơi hướng dẫn và tiếp nhận thông tin phản hồi từ du khách; tiến tới hình thành những trung tâm thông tin DL điển hình. Lộ trình nâng cấp, xây dựng sẽ được tiến hành trong giai đoạn 2013-2018. |
Trên thực tế, các trung tâm thông tin DL sẽ hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng địa phương. Không gian này sẽ dành cho sự quảng bá và DL dịch vụ cộng đồng, tuyên truyền quy tắc ứng xử với du khách, thuyết minh văn hóa bản địa, phản hồi, xây dựng năng lực cho các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ, trình diễn các sự kiện hàng ngày hoặc vào các dịp đặc biệt tại địa phương. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của dân địa phương sẽ được trả với một giá thỏa đáng và bán đủ để du khách mạnh tay chi tiền mua sắm, thậm chí còn có thể mở hộp quyên tiền ủng hộ phát triển cộng đồng.
Sáng kiến này đã thổi một luồng sinh khí mới vào việc thức nhận lại “giá trị” 7 quầy bán vé tham quan và 2 quầy khác sẽ được mở tại Quảng trường Sông Hoài, nhà cổ 62 Bạch Đằng. Theo một cuộc khảo sát gần đây, các quầy bán vé hiện tại chỉ bán vé tham quan, giới thiệu một số sản phẩm DL của trung tâm (biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, tour Cù Lao Chàm, du thuyền trên sông Hoài…), thiếu vắng việc giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương hay thông tin sự kiện. Không ít quầy bán vé bị khuất lấp, thiếu bảng hiệu cần thiết nên du khách khó nhận biết.
Ý tưởng hình thành những trung tâm thông tin DL từ việc mở rộng, nâng cấp và xây dựng các quầy bán vé hiện tại đã nhận được sự ủng hộ của giới kinh doanh DL. Nhiều công ty lữ hành đang phát triển loại hình DL cộng đồng, DL trách nhiệm cũng nhìn nhận rằng, tại những trung tâm này có thể khuyến khích du khách lựa chọn bằng cách khắc họa các sản phẩm DL; các cơ quan lữ hành cũng cam kết thực hiện DL trách nhiệm, giúp nâng cao nhận thức “làm thế nào để trở thành một du khách có trách nhiệm”. Nếu sự quảng bá và cam kết của sản phẩm DL trách nhiệm tốt được chuyển tải từ các trung tâm thông tin DL, mang lại cái nhìn thân thiện cho du khách thì chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu Quảng Nam. Điều này sẽ tạo nên điểm đến chất lượng và bền vững, mang nhiều lợi ích cho cộng đồng. Vấn đề là vẫn còn phải chờ đợi sự xúc tiến các trung tâm này nhanh hay chậm và có đủ độ hấp dẫn, khác biệt như ước muốn của những người làm DL hay không?
Nam Kha