Yêu cầu nộp ảnh chân dung: Siết chặt quản lý thuê bao di động

CHÂU NỮ 12/04/2018 12:10

Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24.4.2017 (dưới đây là gọi tắt là NĐ 49) của Chính phủ quy định bổ sung ảnh chụp chân dung đối với thuê bao di động nhằm phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, góp phần hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, khách hàng vẫn e ngại cung cấp ảnh chân dung sẽ dễ bị nhà mạng để lộ thông tin cá nhân.

Khách hàng đến bổ sung thông tin tại Phòng giao dịch VNPT Quảng Nam (ảnh chụp chiều 11.4). Ảnh: C.N
Khách hàng đến bổ sung thông tin tại Phòng giao dịch VNPT Quảng Nam (ảnh chụp chiều 11.4). Ảnh: C.N

 Nhận được tin nhắn của Viettel về việc bổ sung thông tin, hình ảnh thuê bao đang sử dụng từ cuối tháng 3, nhưng đến nay, chị Phan Thị Sách (xã Quế Xuân 2, Quế Sơn) vẫn chưa bổ sung thông tin. Chị Sách cho rằng cách đây mấy năm, khi đăng ký thuê bao di động trả trước, chị đã cung cấp chứng minh nhân dân và thông tin liên quan, nay cung cấp thêm ảnh chân dung nữa rất phiền phức. Đầu tháng 4 này, khi đi làm lại sim, chị Nguyễn Thị Phương Nam (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) được nhân viên Vinaphone đề nghị chụp ảnh chân dung để lưu hồ sơ. “Tôi nghĩ nhà mạng sẽ có cách bảo mật thông tin cho khách hàng theo quy định nên cũng không lo lắng” - chị Phương Nam nói.

Giải thích về yêu cầu bổ sung ảnh chân dung đối với các thuê bao di động, bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định là rất cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của khách hàng, nhất là trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động có ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống xã hội như hiện nay. “Các sim mới kích hoạt, khách hàng cần đến tại điểm giao dịch của nhà mạng để đăng ký và chụp ảnh chân dung; tuy nhiên, nhà mạng cũng cần phải linh hoạt, tạo thuận lợi đối với những khách hàng đã kích hoạt sim từ trước. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông là bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao, trong đó có ảnh chụp theo đúng Luật An toàn thông tin mạng và trong Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đã có các quy định để điều chỉnh” - bà Quyên cho biết thêm.

Thời gian này, bên cạnh việc phân công thêm người trực để kịp thời phục vụ khách hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng của Viễn thông Quảng Nam (VNPT) còn cử nhân viên đến tận nơi để cập nhật lại thông tin và chụp ảnh theo yêu cầu của khách hàng. VNPT cũng mở cửa đến 21 giờ để phục vụ khách hàng cập nhật thông tin. Khách hàng cũng có thể cung cấp thông tin, ảnh qua email, zalo hoặc fanpage facebook của VNPT hoặc của cá nhân nhân viên chăm sóc khách hàng... Với thuê bao Viettel, ngoài việc trực tiếp đến điểm giao dịch, khách hàng có thể bổ sung ảnh chân dung qua ứng dụng di động My Viettel. Tại điểm giao dịch Viettel, các thông tin thuê bao hiện có của khách hàng trên hệ thống quản lý thông tin thuê bao Viettel (họ và tên, số chứng minh nhân dân, ngày và nơi cấp,...) cũng sẽ được rà soát song song, chuẩn hóa đầy đủ. Với thuê bao MobiFone, ngoài các cửa hàng chính thức, khách hàng có thể đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do MobiFone ủy quyền để cập nhật thông tin. Khách hàng MobiFone cũng có thẻ đăng ký bổ sung, thay đổi các thông tin cần thiết trên website của MobiFone, sau đó đến cửa hàng MobiFone để xác thực lại thông tin theo yêu cầu của Nghị định 49.
Theo Nghị định 49, từ ngày 24.4.2018, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ và tên, chứng minh nhân dân, ngày cấp và nơi cấp…), bao gồm thông tin đối tượng sử dụng số thuê bao và ảnh chụp chân dung chủ thuê bao. Những thuê bao không cung cấp sẽ bị khóa một chiều sau 15 ngày nhận được tin nhắn và khóa 2 chiều sau 15 ngày tiếp theo.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Yêu cầu nộp ảnh chân dung: Siết chặt quản lý thuê bao di động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO