“Lâu đài cát” là những bi kịch nhỏ. Nhỏ, về mặt không gian, nhưng lại là bi kịch lớn của một xã hội, khi giềng mối gia đình bị phá vỡ bởi những lợi ích, những “mặt nạ da người”.
“Lâu đài cát” - vở kịch dân ca vừa ra mắt của Đoàn Ca kịch Quảng Nam, với bối cảnh một gia đình tứ đại đồng đường tuyền những trí thức, có nền tảng văn hóa, coi trọng đạo lý. Nhưng ẩn sau những giá trị do xã hội tô vẽ, người đời nhìn nhận bằng những quy tắc thông thường, những định nghĩa chuẩn mực, là đầy rẫy sự lọc lừa, dối trá. Thông điệp lớn nhất vở kịch mang tới, theo lời đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, người dựng vở cho Đoàn Ca kịch Quảng Nam, ấy là: “Một lời cảnh tỉnh về sự biến đổi của những giá trị truyền thống. Nhiều khi người trong cuộc cứ tự huyễn hoặc mình bằng những thứ trước mắt, nhưng không hay biết rằng, những giá trị đạo đức là thứ dễ bị đánh đổi nhất”.
Bữa cơm sum họp cuối vở diễn, biểu tượng của hạnh phúc, đạo lý gia đình. Ảnh: LÊ QUÂN |
Không phải vệt buồn về những oan trái, cũng không đậm nét khắc họa thân phận người qua những bể dâu, câu chuyện chỉ xoay quanh một gia đình, với những mối quan hệ của 8 con người. Ông Quân, một giáo sư già về hưu, luôn tin tưởng rằng gia đình của mình là chuẩn mực nền nếp, đạo lý luôn đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, người trong gia đình, đầu tiên phải kể đến Bộ - người con trai cả của ông, đã đeo “mặt nạ” cho chính mình để lừa lọc ông bố già cỗi với những quy tắc xơ cứng về việc giữ gìn nền nếp gia đình. Dối trá để được thăng chức, giấu nhẹm lối sống buông thả, Bộ - khi trở về nhà, là một anh con trai cả đáng tự hào của ông Quân. Từ “mặt nạ” của chồng, bà Loan – vợ Bộ phải sắm cho mình một chiếc “mặt nạ” hạnh phúc, để nuôi con và phụng sự gia đình chồng. Sự mục ruỗng bộc phát từ đây, khi người con trai tên Thiên dắt người yêu là Huyền, về ra mắt gia đình. Không ai ngờ, 6 năm trước, ông Bộ đã từng cưỡng hiếp Huyền. Cao trào của vở kịch, là sự vỡ tung của từng chiếc “mặt nạ” mỗi nhân vật đang đeo. Tòa lâu đài, ngôi nhà do ông Quân làm chủ, chính thức đổ sụp, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Anh con trai thứ 2 của ông Quân đã lặng lẽ bán đi ngôi nhà, từ đây, bộ mặt của những mối quan hệ dần dần hé lộ.
Vở kịch dân ca “Lâu đài cát”, được chuyển thể từ vở kịch nói cùng tên của tác giả Nguyễn Đăng Chương, tác giả chuyển thể kịch dân ca Nguyễn Sỹ Chức, do đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng. Dự kiến, vở sẽ được diễn rộng rãi, phục vụ người dân trong tỉnh vào dịp Tết Ất Mùi. |
Những đoạn thoại bằng dân ca Quảng Nam, từ điệu lý vọng phu, lý tang tít, hát xàng xê, xuân nữ với những ca từ chắt lọc như rót vào lòng người xem những suy ngẫm về thực tại. Đề cập chuyện gia tộc, với một cấu tứ, kịch tính không có quá nhiều bất ngờ, người ác, kẻ xấu kết cuộc ra sao không quá khó đoán, nhưng cách dàn dựng có tình, sự cố gắng của các diễn viên, nghệ sĩ trong việc thể hiện những chiều kích phức tạp trong nội tâm nhân vật khiến “Lâu đài cát” tạo nên nhiều xúc cảm. Điều nuối tiếc nhất, với những khán giả ngồi hơn 1 giờ đồng hồ cùng khóc cười của diễn viên, ấy là giá như cảm xúc của người diễn thật hơn chút nữa, những câu thoại bớt phần diễn hơn, thì vở kịch có lẽ sẽ dung dị và dễ đi vào lòng người hơn.
Kể câu chuyện gia đình, với những mắc mứu nội tâm để tạo nên bi kịch, rồi lại tìm nút thắt để gỡ rối cho mớ bi kịch ấy, bằng nồi cơm nghi ngút khói, với những nụ cười rạng rỡ, trong một ngôi nhà bình dị, “Lâu dài cát”, phần nào đó nhen lên trong mỗi người những đốm lửa nho nhỏ. Bởi cho đến cuối cùng, thứ còn lại của mỗi con người, không phải danh lợi, tiền tài, mà là những giềng mối gia đình, với một ít quan tâm, một ít yêu thương…
LÊ QUÂN