Xe lướt qua những dãy nhà mái thấp có cùng kiến trúc, nhìn tựa như trong một thước phim cổ trang nào đó mà tôi từng được xem. Tôi cố rướn người nhìn vào sâu bên trong những căn nhà mái thấp nhưng tuyệt nhiên không thấy người, một phần vì xe chạy nhanh quá. Cậu hướng dẫn viên vẫn huyên thuyên nói suốt chặng đường, xấp xỉ 150km. Tôi không mấy quan tâm vì không thích kiểu thông tin thuộc lòng của hướng dẫn viên. Nhất là khi họ lười, chẳng chịu cập nhật tình hình thực tế để bổ sung vào “bài” của mình, thành ra nghe thấy cũ rích, như lấy ra từ thống kê mà chỉ cần vài thao tác trên máy tính đã xổ ra hàng loạt.
Thỉnh thoảng cậu ấy còn nói sai vài thông tin mà tôi đã biết như về tiểu sử của ông đạo diễn khá nổi tiếng. Khi tên tuổi của ông ấy đã vang dội ra thế giới, bất kể thước phim nào của ông ấy đều được khán giả các quốc gia chờ đón, vậy thì không lý nào lại giới thiệu về ông, với một bộ phim của người khác. Tôi lấy làm bức xúc, trong khi chẳng ai quan tâm điều đó. Tôi thấy mình trơ ra giữa những con người đang đầy hào hứng kia!
Thành phố cổ nơi chiếc xe dừng chân, buổi chiều nhập nhoạng, những tia nắng không còn óng ánh, chúng loang lổ trên những mái nhà cũ, nhìn như một bức tranh đóng bụi quá lâu. Bây giờ, cả những hoang tàn người ta cũng cần lưu giữ, bởi có khi nó trở thành tài sản của quốc gia. Tôi đã thấy những mặt người, nhìn họ cũng cũ kỹ, già nua như chính dãy phố thâm trầm mà xe mới lướt qua. Có lẽ nơi đây thu hút du khách bởi chính cái vẻ già nua ấy. Một thành phố mà giới trẻ hầu hết đã di dời đến một nơi khác để học tập và làm việc, trả sự già nua tự nhiên ấy lại cho mảnh đất này, không cần tô vẽ gì thêm.
Hướng dẫn viên thông báo sẽ ở lại đây một đêm, trước khi đi sang thành phố khác. Cả đoàn ồn như bầy ong mỗi khi dừng xe, khó mà nghe một câu dặn dò cho trọn vẹn của hướng dẫn viên trong thời khắc ấy, dù cậu vẫn say sưa nhắc nhở trơn tru không lỗi một nhịp nào.
Ăn tối xong, chỉ mình tôi trơ trọi lại ở khuôn viên khách sạn. Cả đoàn đã được hướng dẫn đến một trung tâm mua sắm gần đó, trong lúc tôi mải mê đuổi theo ý nghĩ về một thành phố già nua nên lọt mất thông tin. Cũng hay, dù gì tôi cũng không sang đây để mua sắm.
Suốt chuyến đi, tôi đã trả lời biết bao câu hỏi là tại sao lại đi du lịch một mình. Những đứa con gái nhìn tôi ái ngại, vì ngay cả tấm hình riêng tôi cũng không có, trong khi cảnh ở đây đẹp như thế này cơ mà! Tôi lấy lý do là đi để có dữ liệu viết bài, họ lại hỏi viết bài du lịch hả, rồi ừ à. Tôi ngại phải nói ra lý do là tôi chỉ có một mình, những mối quan hệ lơ lửng chẳng đến đâu không khiến tôi nghĩ đến một chuyến đi xa với họ. Bạn thân thì không sắp xếp kịp công việc bởi tính ngẫu hứng của tôi. Nhưng đi một mình với tôi không phải là điều đáng thương cảm, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như đi với người không chia sẻ được, hay càng tệ hại nếu chẳng may đi với người này mà nhớ về người khác.
Khách sạn nằm cạnh dòng sông uốn lượn hiền hòa giữa lòng thành phố. Thiên nhiên quả là biết cách tô điểm cho nơi đây – một thành phố ngủ quên, khi mà cả những con thuyền lênh đênh trên sóng nước cũng không phát ra bất cứ tiếng động nào. Thỉnh thoảng ở đâu đó vọng lại giai điệu réo rắt mà không cần hiểu thứ tiếng cũng biết đó là ca từ thấm đẫm chất thê lương. Phía đối diện là đường chính, nơi dẫn vào ngôi thánh đường cổ kính nhưng ngay cả những bước chân người dường như cũng thanh thoát hơn, đến độ tôi không dám đánh rơi ra một tiếng động nào từ phía mình, kể cả đi, đứng, ngồi hay chạm vào ly nước không rõ màu gì mà cậu phục vụ vừa mang ra.
Một giọng nói quen thuộc, dù rất nhỏ nhưng đủ lọt vào tai tôi từ bàn đối diện, nơi hướng ra mé bờ sông.
- Mẹ à, con khỏe, nãy mẹ gọi con đang bận, khoảng cuối tuần này con về, con thèm cơm nhà quá đi, bên này ngày 3 bữa chủ yếu là thịt gà, rất khó ăn nhưng con phải ráng ăn cho no. À nãy con có mua loại kẹo mà mẹ dặn đó, chắc mẹ muốn phân phát cho tụi nhỏ trong chuyến từ thiện nên con mua nhiều luôn.
Hình như nhận ra mình là người gây tiếng ồn duy nhất nên cậu hướng dẫn viên ngước lên và nhận ra tôi. Cậu chúc mẹ ngủ ngon rồi gật đầu chào tôi, ý muốn lại gần để dễ nói chuyện, tôi có chút cảm động mỗi khi nghe ai đó gọi cho cha mẹ của họ bằng những ngôn từ quan tâm chân thành, nên ngay lập tức cậu ấy đã “gỡ” điểm lại với tôi sau những lỗi chuyên môn bị tôi bắt. Tôi ngồi nhích lại để cho cậu ta kê ghế cạnh bàn mình.
- Em nhớ tên chị rồi, chị Ngân, đi du lịch một mình. Sao chị không rủ bạn hay người thân đi cùng cho vui?
Lại là một câu không thể mới hơn. Tôi sợ mình sẽ thành bà già khó tính, dù gì cũng mới gỡ điểm cho cậu ấy, nên cười xuề xòa, hỏi lại:
- Thái có từng đi du lịch với mẹ chưa?
Mặt cậu ấy sáng rỡ:
- Chuyến sắp tới đó chị?
- Vậy là chưa đi luôn hả?
- Dạ, em cũng muốn lắm mà mẹ sợ tốn kém. Em phải năn nỉ mãi mẹ mới chịu đi cùng. Em thậm chí còn phải nói dối là tour miễn phí cho người nhà. Nhưng em mới làm có 3 tháng, làm gì có chế độ đó!
- Em thích đưa mẹ đi đến vậy à?
- Thích chứ chị! Hồi mới vào đại học, em hứa với lòng sau này sẽ đưa mẹ đi khắp thế giới. Nhưng rồi khả năng em cũng có hạn, thu nhập chỉ đủ sống, mẹ em sợ em tốn kém nên…
Tôi thấy mình khắt khe khi bắt lỗi cậu ấy, mặc dù cậu ấy cũng chẳng biết điều đó, nhưng nó làm tôi áy náy.
- Dù sao em cũng còn hơn chị, bố mẹ chị mất trước khi chị có đủ kinh tế để nghĩ đến những chuyến du lịch.
Thái nhìn tôi vẻ thông cảm:
- Thật ra không phải người già nào cũng thích đi du lịch chị ạ! Ở thế giới bên kia, bố mẹ chị sẽ vui khi thấy chị sống vui vẻ, ý nghĩa.
Câu an ủi của Thái khiến lòng tôi dịu lại hẳn.
Tôi chuyển sang đề tài khác bằng cách đọc một câu thơ viết về thành phố ngủ, không ngờ cậu ta nói đúng tên tác giả. Thế là chúng tôi như tìm được điểm chung, cảm thấy gần gũi hơn, như những người bạn.
Về lại thành phố, chạm chân trên những lối mòn thường nhật: đi làm, đi ăn, đi nghe nhạc… Nhưng tôi lại thấy mình lơ lửng, như những mối quan hệ không đi đến đâu trong cuộc đời. Từ khi bố mẹ mất, sự lơ lửng ấy hình thành rõ hơn. Có lúc tôi thèm nuôi một chú cún nhỏ, chỉ để có cảm giác sở hữu nó và mềm lòng khi nghĩ rằng ai đó trông chờ mình mỗi khi ra ngoài.
Thành phố đông đúc nhưng lại vắng vẻ, càng đi càng thấy vắng. Có những khi ngồi cà phê một mình, tìm một số điện thoại quen để gọi, thèm cái cảm giác có thể nói với nhau những câu chuyện vu vơ như thời đại học, nhưng chẳng ai rảnh. Có lần, thấy số tôi gọi, một trong số những người bạn thời ấy còn tỏ ra hốt hoảng, tôi nghe rõ tiếng thở mạnh của họ trong từng lời nói: “May quá, làm mình tưởng có chuyện gì”. Bây giờ chỉ “có chuyện gì” mới điện thoại cho nhau. Cái thói quen chào hỏi, tám, xã giao trên mạng xã hội đã lấp đầy mọi thói quen xưa cũ.
Cả với Thái, chúng tôi cũng không có cơ hội gặp gỡ mà chỉ tương tác qua trang cá nhân trên mạng xã hội. Tôi rất thích đọc những bài Thái viết về mẹ trên dòng trạng thái của mình. Không phải người nào cũng bày tỏ tình cảm với cha mẹ mình được như vậy. Thói quen nghề nghiệp nên thỉnh thoảng tôi có nhắn tin riêng khi Thái vấp phải những lỗi chính tả, hay lệch thông tin nào đó trong bài viết, dù điều đó đôi khi gây khó chịu với người được góp ý, nhưng Thái thì niềm nở trong một lần hai chị em hẹn gặp nhau:
- Chị giống như chị gái của em vậy! – Rồi Thái ngập ngừng bảo – Nếu chị không ngại thì sắp xếp đến nhà em chơi, gặp mẹ em luôn, em cũng hay kể về chị với mẹ!
Tôi phải hỏi lại:
- Tại sao em nghĩ chị ngại?
Thái cười:
- Vì ở tuổi của em mà mời phụ nữ về nhà dễ bị hiểu lầm là ra mắt lắm!
Tôi bật cười. Cậu ta cũng cười tít mắt. Nét trẻ con trên khuôn mặt tròn đầy ấy khiến tôi luôn nghĩ cậu ấy là một cậu nhóc đáng yêu.
Nhà Thái ở không quá xa nơi tôi đang sống nhưng nhịp sống đã cuốn phăng lời hứa hẹn của hai chị em.
Tôi gặp chút khó khăn trong công việc, dẫn đến tinh thần bải hoải theo và cuối cùng là đổi việc.
Ở môi trường mới vắt kiệt sức lực của tôi để đến mỗi khi về nhà, ngả người xuống giường là giấc ngủ ập đến. Ngày cứ thế nối ngày.
Những cơn gió lạ buổi sớm lùa vào lòng thành phố, phải tinh tế lắm mới nhận ra mùa sang. Tôi xé tờ lịch trên tường, ra mở toang cánh cửa sổ, thấy cái nắng tràn vào giữa nhà, có những khoảnh khắc về âm thanh, thời tiết gợi lại những ký ức vui buồn đã qua. Và bỗng tôi nhớ đến Thái, vẫn còn nợ em ấy một cái hẹn. Hình như cũng khá lâu rồi không nhận thông tin gì từ em.
Tôi pha tách trà, kéo ghế ra ban công, nơi có tán bàng thỉnh thoảng nghiêng mình đánh rơi vài chiếc lá. Ở góc ngồi hướng ra đường này luôn mang lại cho tôi sự thư thái, yên an. Tôi chạm tay vào trang cá nhân của em, có cái gì đó bất thường, dòng tưởng nhớ khiến tôi đã nghĩ mình nhầm tên Thái với ai đó, nhưng rất tiếc giữa lúc tôi mong mình nhầm lẫn nhất ấy, tôi lại đang rất tỉnh táo…
Một tai nạn. Đã có không ít trang du lịch viết về cái chết đường đột của Thái – chàng hướng dẫn viên mới vào nghề, được bạn bè kéo link về trên trang của em. Tôi lặng người…
Không biết bây giờ là mùa nào trong năm, buổi nào trong ngày, chỉ thấy đám lá bàng đã rơi dày hơn dưới chân tôi.
Tôi gặp mẹ Thái trong chuyến đi từ thiện phát quà cho trẻ em mồ côi, tàn tật ở mái ấm tình thương. Người đàn bà mạnh mẽ ấy đã nắm tay tôi:
- Cô khỏe và sống vui, như vậy Thái nó mới yên tâm, phải không con?
Tôi gật đầu, cô nói cho cô mà như cho chính tôi. Khoảng lặng ấy, tôi đã nghĩ tới việc cần lật sang trang sách mới cho mình, khép lại những ngày cũ ủ ê trong mất mát, hẳn bố mẹ sẽ yên lòng hơn với tôi, như ở một nơi nào đó, Thái cũng cười tít mắt khi thấy những yên an của mẹ Thái và cả tôi!
Ngoài kia, những đứa trẻ vẫn lanh lảnh tiếng cười dưới mảnh sân đầy nắng ấm.