Yêu thương trẻ theo cách "vô cùng tàn nhẫn"

THANH TUÂN 14/10/2021 19:03

(QNO) - Khác biệt với hệ tư tưởng truyền thống phương Đông, tự truyện của bà mẹ Do Thái Sara Imas trong "Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương" đã phá vỡ mọi quy chuẩn vốn không có ranh giới giữa tình thương và phương pháp giáo dục con cái trong mỗi gia đình.

Chia sẻ cuốn sách này, tác giả Thanh Tuân đã bước vào bên trong đường biên giáo dục nhà trường từ tâm thế một bạn đọc đồng thời là một nhà sư phạm, một người thầy. Yêu thương một đứa trẻ là một câu chuyện dài mà ở đó, người mẹ, người thầy, gia đình và cộng đồng phải biết đặt trái tim mình ở vị trí không chỉ riêng tại lồng ngực…   

------------------------

Tình thương dành cho con cái là một môn khoa học và là cả một nghệ thuật, tình yêu ấy cần phải có ý nghĩa, có giá trị và có thành tựu (Sara Imas).

Bìa tập sách “Vô cùng tàn nhẫn vô cũng yêu thương“.
Bìa tập sách “Vô cùng tàn nhẫn vô cũng yêu thương“.
Thật tuyệt vời khi được nhận quà là một cuốn sách. Và tuyệt vời hơn khi người tặng quà lại là một học trò. Tôi nhận được Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thươngtừ cô bé trò cũ mà ngày xưa tôi vẫn thường hay rầy la. Đọc cuốn sách, tôi hiểu thêm những khắt khe trong dạy học và giáo dục trước đây của mình.

Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thươnglà cuốn sách nói về cách dạy con của Sara Imas, một người mẹ Do Thái, viết lại sau khi bà đã tự mình nuôi dạy ba đứa con trở thành những tỷ phú. Những câu chuyện trong cuốn sách sẽ giúp cho nhiều ông bố, bà mẹ, những người làm giáo dục hiểu được một tình yêu thương thật sự khác biệt.

Sara Imas theo cha đến Thượng Hải sinh sống, kết hôn và sinh được ba ngưòi con, hai trai và một gái. Sau đó bà ly hôn, một mình nuôi ba người con. Những ngày sinh sống ở Trung Quốc, với tư duy một người Do Thái bà vẫn khát khao tìm trở về quê hương và "tìm lại bí quyết nuôi dạy con" trong quan điểm giáo dục vốn được cả thế giới ca tụng. Trải qua những khó khăn trong cuộc sống, Sara Imas đã nuôi dạy cả ba đứa con mình nên người.

Sách dài 5 chương, mỗi chương đan xen với lời kể là các phương pháp giáo dục khác nhau, những dẫn chứng trong việc dạy con của người mẹ Israel. Tiêu đề mỗi chương là một chiếc chìa khóa để mở những cách cửa khác nhau trên hành trình nuôi dạy con đầy yêu thương và tàn nhẫn. 

Sinh con, nuôi con đã khó, nhưng khó nhất vẫn là... dạy con. “Không lo bố mẹ không yêu con, chỉ lo biết yêu mà không biết dạy”. Yêu con trong nguyên tắc có làm có hưởng. Đó là nguyên tắc đầu tiên trong việc giáo dục con. Lối viết đầy trải nghiệm, Sara Imas kể về cách dạy con biết lao động, biết quản lý tài sản, dạy con những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng quản lý tài sản ngay từ nhỏ của chính bản thân mình.

Chắc chắn một điều, mỗi ông bố, bà mẹ đều không muốn những đứa con của mình sau này chỉ biết ăn bám vào cha mẹ mà không biết tự thân vận động. Nhưng đa số bố mẹ làm ngược lại những điều mình mong muốn, ngay từ thuở những đứa con còn nhỏ, họ thường bao bọc con quá mức.

Sara Imas nhận định: cha mẹ Trung Quốc yêu thương con cái giống như hình tử cung, còn cha mẹ Do Thái yêu thương con giống như hình ngọn lửa. Tử cung bao bọc, chở che còn ngọn lửa nhóm lên cuộc đời và tiền đồ của con cái tựa như ánh mặt trời chiếu từ phía chân mây. Muốn đứa trẻ sau này thành công, đòi hỏi mỗi ông bố, bà mẹ phải bỏ đi tư duy bao bọc, cần sớm tạo cho đứa trẻ tính tự lập, đó mới là hành trang cho tương lai của trẻ.

Trì hoãn sự thỏa mãn trên danh nghĩa tình yêu, đó là phương pháp giáo dục con được nhắc đến trong chương 3 của tác phẩm. Chiều chuộng con quá mức sẽ tạo ra những đứa trẻ hư hỏng, thỏa mãn quá mức tạo ra “gia tộc dâu tây”.

Thực tế cho thấy, thế hệ trẻ ngày nay đang được nuông chiều quá mức, nhiều đứa trẻ luôn được đáp ứng đầy đủ yêu cầu của mình. Sara Imas chỉ ra những hệ lụy khi đáp ứng những yêu cầu của con quá mức không chỉ tạo nên những thế hệ đánh cắp tình yêu của cha mẹ, giày vò cha mẹ, khó hòa nhập xã hội mà còn không có tính bền bỉ và thiếu năng lực cạnh tranh xã hội.

Càng yêu thương con càng cần lùi bước. Các bậc phụ huynh “quá quan tâm”, “quá sốt sắng”, “quá can dự” vào cuộc sống của trẻ, từ việc luôn chở con đi học, bám sát trẻ từ nhà đến trường, chạy cho con vào trường điểm, lớp chọn, chạy việc cho con khi con chưa kịp ra trường v.v.

Những hành động đó đã đẩy những đứa trẻ đến sự chán nản vì không thể sống theo ước mơ, sở thích của mình, và nguy hại hơn có thể tạo ra những đứa trẻ không nỗ lực, không ý chí và ỷ lại.

“Đừng làm quản gia, hãy làm quân sư”, “cho con cá không bằng cho cần câu”, đó là những quan niệm giáo dục con được Sara Imas vận dụng để đào tạo những đứa con của mình thành người thành đạt.

Đi đôi với việc đưa ra những câu chuyện trải nghiệm trong việc giáo dục con của mình, Sara Imas còn phân tích cặn kẽ những quan niệm giáo dục, đặt đối sánh một bên là cách dạy con của những người Do Thái và một bên là cách dạy con của người Trung Quốc.

 
Trích dẫn trong sách "Vô cùng  tàn nhẫn vô cùng yêu thương".
Kết thúc mỗi chương là những nguyên tắc trong nghệ thuật dạy con của người mẹ Israel gửi đến những bậc làm cha mẹ trên toàn thế giới. Lần theo những trải nghiệm của Sara Imas, người đọc thật sự được thuyết phục với cách giáo dục Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương.

Không dừng lại trên đường biên của giáo dục gia đình, Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương còn là cẩm nang cho những người làm công tác giáo dục. Thầy tôi từng dạy: muốn làm một người giáo viên trước hết phải biết yêu trường mến trẻ. Để tạo nên một hế hệ trẻ biết tự lập, biết cố gắng phấn đấu, biết quý giá trị bản thân, tôi hiểu rằng mình hãy yêu và mến theo phương pháp “vô cùng tàn nhẫn”.

Văn phong nhẹ nhàng, không nặng tính triết lý, giáo huấn làm cho cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu. Cạnh đó, lối phân tích và đưa ra những dẫn chứng gần gũi, thuyết phục, cuốn sách thực sự là cẩm nang quý báu cho những bậc làm cha, làm mẹ, và cả những người làm công tác giáo dục.

Có thứ tình yêu giống như dòng suối mát, sau khi làm thỏa mãn cơn khát trong cổ họng của con, nó sẽ không để lại dấu vết gì; có thứ tình yêu lại giống như giọt máu đào đi sâu vào thể xác và tinh thần của con, suốt đời chảy trong người con, ban cho con sức mạnh (Sara Imas), đó là thứ tình yêu trong Vô cùng tàn nhẫnvô cùng yêu thương.

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử.

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Yêu thương trẻ theo cách "vô cùng tàn nhẫn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO