Quảng Nam là vùng đất có vị trí đặc biệt - nơi tiếp nhận và hỗn cư nhiều dân tộc tạo nên sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa phong phú và đa dạng, trong đó có Phật giáo.
Văn bia Thái Bình tự thạch bi ở Non Nước (văn bia gốc đã mất, chỉ còn thác bản do EFEO sưu tầm, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu 12621). |
Trước khi có người Việt, nơi đây đã từng tồn tại một Phật viện Đồng Dương nổi tiếng trong lịch sử. Dưới sự quan tâm và ủng hộ của các chúa Nguyễn rồi vua Nguyễn, Phật giáo người Việt ở đất Quảng cũng ngày càng phát triển. Đồng thời là vùng đất có thương cảng quốc tế, nên có thêm sự góp mặt của người Hoa, Nhật trong sự phát triển của Phật giáo ở đây. Ngoài ra cũng có sự hiện diện của người Cao Miên trong Phật giáo của vùng đất Quảng.
Phật giáo Chămpa
Trước kia, vùng đất này vốn đã từng tồn tại Phật giáo Chămpa. Rất nhiều tài liệu trong nước và nước ngoài đã đề cập nội dung này. Năm 1904, nhà nghiên cứu người Pháp L. Finot công bố “pho tượng Phật bằng đồng có niên đại từ rất sớm khoảng thế kỷ thứ 2 sau công nguyên và cho phép các nhà nghiên cứu liên tưởng tới sự giao lưu, giao thoa giữa Phật học viện Đồng Dương với Trung tâm Phật giáo Amaravati của Ấn Độ. Các tượng Bồ tát Laskmindra - Lokesvara đã khẳng định một phong cách nghệ thuật Đồng Dương nổi tiếng trong nền nghệ thuật Chămpa từ giữa đến cuối thế kỷ thứ 9”. Về bức tượng Phật này, Võ Văn Thắng cũng giới thiệu trên nhiều ấn phẩm và gần đây trình bày tham luận “Câu chuyện về cuộc đời Đức Phật thể hiện trên đài thờ tại di tích Chăm thế kỷ 9 ở Đồng Dương, tỉnh Quảng Nam” trong Tọa đàm Di sản văn minh chung Việt Nam - Ấn Độ tại Đà Nẵng (25.8.2017). Đó là một đài thờ với mặt trước thể hiện Bồ tát từ cõi trời Đâu Suất hạ sanh xuống cõi Ta Bà; mặt bắc là cảnh thái tử Tất Đạt Đa trưởng thành và xuất gia; mặt nam miêu tả con đường tu tập và giác ngộ của ngài Thích ca mâu ni. Trước đó, ở Đồng Dương, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy tượng Phật Tỳ lô giá na là Pháp thân của Phật Thích ca mâu ni.
Ngoài ra, trong lịch sử đất Quảng, có một số ngôi chùa người Việt được xây dựng trên cơ sở chùa Phật giáo của người Chăm hoặc tận dụng những đồ vật, tự khí ở chùa của người Chăm trước kia. Và, rộng hơn chính là yếu tố văn hóa Chăm trong Phật giáo đất Quảng.
Thiền sư Trung Hoa
Trong lịch sử Phật giáo đất Quảng, có một vài vị thiền sư Trung Hoa đã từng khai sơn một số cổ tự. Thiền sư Minh Hải - Đắc Trí hay Pháp Bảo (1670 - 1754) khai sơn chùa Chúc Thánh (Hội An) vào khoảng cuối thế kỷ 17. Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều, từ Trung Quốc qua Đàng Trong.
Các vị thiền sư Trung Hoa đã trụ trì, điều hành Phật sự ở đất Quảng. Chân Dĩnh thiền sư từ tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc sang hành đạo, truyền đạo tại đất Quảng. Văn bia Thái Bình tự thạch bi (1721) gần như dành trọn vẹn câu chữ để chép về sư Chân Dĩnh: “Trong 24 năm, ngài làm việc không ngừng nghỉ, quy tụ hơn 3.000 tín đồ để nghe lời nói của ngài với tất cả lòng ngưỡng mộ. Ngài xây cất những đền đài, chùa chiền, (…) cuộc sống tu hành của ngài có thể sánh với những cao tăng của xứ Ấn Độ”.
Một số vị thiền sư Trung Hoa đã tổ chức trùng tu chùa chiền. Thiền sư Quả Hoằng với vai trò là Quốc sư, chú tâm đến việc trùng tu các ngôi chùa ở đất Quảng như chùa Di Đà ở Hội An. Sách Hải ngoại kỷ sự chép việc Quốc sư Quả Hoằng nhờ Thích Đại Sán kêu gọi mọi người trùng tu chùa và thiền sư Thích Đại Sán đã “khuyến mộ”: “Chùa ở Hội An, thông nẻo tám châu ba quận/ Tăng đến Đại Việt, trên đường nước lại mây qua/ (…) Ba ngày mưa, năm ngày gió, nhà tu xiêu đổ nhà trai hư/ Tượng Kim Cương bùn đất ố hoen, khó lấy tay không chống đỡ/ Cốt Di Lặc gỗ cây mục nát, dễ đem lời nói tô bồi/ Khói lạnh hương tàn, rêu cỏ mọc đầy trù thất/ Tai nghe cũng đã thương tâm/ Mắt thấy dễ không động niệm/ Nay có Quả Quốc sư phát nguyện tu bổ/ Muốn cùng hảo tâm hán hiệp lực đồng tâm”.
Lại có vị thiền sư Trung Hoa đã tổ chức thọ giới cho nhiều người ở đất Quảng. Hải ngoại kỷ sự chép: “Đại Sán (…) đến Hội An được vài hôm đã có bọn tăng nhân và bình dân (…) đến cầu xin thọ giới; Đại Sán vui vẻ chịu lời, (…) “truyền Bồ tát giới” cho hơn 300 người, và khiến Quốc sư và Hậu đường cấp phát chứng điệp”. Ngoài ra, Thích Đại Sán cũng viết một bản cáo bạch dài với nội dung rõ ràng, tư tưởng sâu sắc: “Tam giáo Thánh nhân, khai hóa thiên hạ, từ việc lớn đến việc nhỏ, đều có pháp độ chương trình”, nhằm “chấn chỉnh” đạo pháp, giới luật bởi đương thời “bọn khoác áo nhà chùa rất đông, Phật pháp trở nên hỗn loạn, chẳng những “tôn phái” không ai hỏi đến, mà các việc “Luật”, “Luận” cũng đều xếp xó bỏ qua; đến đỗi những kẻ mão ni áo tràng, mà nết xấu tật hư, còn quá bọn dân quê ngoài làng mạc”.
Công đức của người nước ngoài
Một số ngôi chùa ở đất Quảng do người Hoa xây dựng như chùa Minh Hương Phật tự. Một văn bia miếu Quan Thánh - Hội An ghi: “Chùa Quan Âm [do] làng ta (tức làng Minh Hương - T.G chú) xây dựng hơn trăm năm rồi”. Văn bia Triều âm phả bi văn cho biết Hội Hoa kiều ở xã Minh Hương đóng góp tiền của xây dựng chùa Chúc Thánh để thờ cúng. Văn bia Chiên Đàn Lâm còn ghi lại một danh sách tín cúng với 148 người, trong đó chủ yếu là người Hoa. Từ Phổ Đà Sơn linh trung Phật, chúng ta còn nhận ra có 2 người Hoa đã tín cúng tiền công đức là Diệp Công Kiên và Lã Tông Ngô để trùng tu chùa Phổ Đà ở Non Nước từ giữa thế kỷ thứ 17.
Người Nhật cũng tham gia đóng góp tài lực cho Phật giáo đất Quảng. Tấm bia nêu trên cũng khắc ghi tên 10 gia đình người Nhật (Heizaburo, Sogoro, Shunmon, Achiko, Chaya Takeshima, Kawakami Kaheie, Asami Yasuke, Shichiro Bei, Akiu, Heiza Emon) đã công đức cho chùa gồm tiền và đồng (570 cân). Thậm chí số tiền tín cúng của người Nhật đã hơn nửa tổng số tiền quyên cúng cho ngôi chùa này.
Tấm bia Vu Lan tự bi lập năm Bảo Đại thứ 3 (1928) cũng cho biết người Cao Miên tham gia công đức cho việc trùng tu chùa Vu Lan (Đà Nẵng) với số tiền là 237 đồng bạc tầm.
Sự đóng góp tài lực đối với Phật giáo xứ Quảng rất có ý nghĩa, vì ít ra giúp có được tự viện đảm bảo sinh hoạt Phật sự. Bởi điều kiện khó khăn của vùng đất do hoàn cảnh lịch sử mà không có nhiều chùa chiền “đủ chuẩn” như cảm nhận của Thích Đại Sán: “Lên bờ đình trú tại chùa Di Đà. Chùa này chật hẹp, không đủ chỗ dung nạp cả tốp đông nhân viên”.
Như vậy Phật giáo xứ Quảng không chỉ thuần yếu tố người Việt mà còn mang yếu tố của người Chăm, người Hoa, người Nhật, người Cao Miên... Điều này tạo nên sự đa dạng và cũng là yếu tố đặc hữu của Phật giáo xứ Quảng. Tất cả điều đó làm cho Phật giáo đất Quảng vừa mang đặc trưng chung của Phật giáo Việt Nam vừa có sắc thái riêng của Phật giáo địa phương.
NGUYỄN DỊ CỔ