(VHQN) - Rất nhiều nghệ sĩ xứ Quảng không chỉ là những ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật, họ còn là những đại sứ giọng Quảng một cách tự nguyện, hồn nhiên và chân thành. “Nẻo đời muôn vạn lối/ yêu nhau vì lời nói, mến nhau qua nụ cười”.
Xứ gì mà không làm ăn, không xe đạp! Người ta thường đùa như thế khi muốn trêu ghẹo người xứ Quảng, vì cách phát âm đặc trưng (xe đạp - xe độp) của giọng Quảng, giọng nói từng là cảm hứng bất tận cho bao chuyện cười dân gian. Nhưng vì vậy, khi đi xa, nó trở thành đặc điểm để người xa xứ nhận ra nhau, để nhớ về, để yêu thương hơn.
Hát bằng giọng Quảng
Ca sĩ Ánh Tuyết có rất nhiều album nhạc, nhưng album bolero Duyên kiếp là một trong vài album gây chú ý nhiều nhất của chị. Duyên kiếp được Ánh Tuyết thực hiện thành album đôi gồm 2 phiên bản: một hát bình thường (giọng Bắc) và phiên bản 2, hát bằng giọng Quảng.
Ngay từ khi chưa phát hành, những bản Ánh Tuyết thu thử bằng giọng Quảng đã nhanh chóng được phát tán trên mạng vì nó lạ tai quá. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất cho đến tận bây giờ ở Việt Nam, có một ca sĩ chuyên nghiệp phát hành hẳn một album nhạc hát những nhạc phẩm nổi tiếng bằng giọng địa phương.
Đến tận bây giờ, sau hơn 10 năm, Duyên kiếp vẫn luôn được nhắc đến vì sự độc đáo và gợi cảm hứng lẫn tranh cãi. Nào là “nghe Ánh Tuyết hát giọng Quảng Nam, đúng là tiếng quê hương, dù quê tôi không ở đó”; “Lúc đầu thấy là lạ buồn cười, nhưng càng nghe càng thấy hay”.
Hoặc “Xa quê lâu lắm rồi nhưng vẫn không quên được giọng nặng mùi mắm cái rất ghiền”; “Mỗi khi cảm thấy lạc lõng nơi xứ người, tui lại trị bịnh theo cách cũ là... uống nguyên liều thuốc “Ánh Tuyết dọng Quảng Nôm”. Cạnh đó, cũng có một số ý kiến chê bai nặng nhẹ, thậm chí mắng Ánh Tuyết là đã làm hỏng chất nhạc của bài hát.
Ánh Tuyết mỉm cười nhớ lại những chuyện này, chị nói khen chê chi tui cũng nhận hết, vì “Chỉ có như rứa người toa mới hiểu thêm một đặc tính văn hóa của quê hương mình” - Ánh Tuyết cười hỉ hả - “Tui là coa sĩ thì ai cũng biết rồi, nhưng từ khi hoát giọng Quảng, thì cỏa nước biết tui quê ở mô rồi đó. Coi như quảng cố khéo cho xứ mình rồi”.
Ánh Tuyết là ca sĩ đầu tiên thực hiện album giọng Quảng, nhưng Đàm Vĩnh Hưng mới là người đầu tiên chính thức thu âm một bài hát bằng giọng Quảng trong một sản phẩm âm nhạc. Đó là ca khúc “Tình em xứ Quảng” của nhạc sĩ Trần Ngọc trong một album của Mr. Đàm cách đây hơn 10 năm.
Đàm Vĩnh Hưng không giấu tự hào khoe, nhiều người bạn sau khi chơi với mình thì bảo giọng Quảng có nhiều từ hay, rất thích sử dụng. Dễ nhận ra nhất trong giọng Quảng Nam, Đà Nẵng là những từ địa phương như “mô, tê, răng, rứa” hay “chi, xí, khan, miết”… mà người miền khác không chơi với người Quảng chắc sẽ bối rối khi nghe.
“Họ nói là thích xài từ “mi” hơn là “mày” bởi “mi” nghe thân thương hơn, nói là “cái chi” nghe nhẹ nhàng êm tai hơn “cái gì”. Đó, mình đã phổ cập, truyền bá âm thầm cái hay ho của giọng quê mình cho bạn bè một cách tự nhiên và họ đã tự nguyện “Quảng hóa” như thế đó” - Mr. Đàm khoe.
Nhạc mục của Đàm Vĩnh Hưng luôn thủ sẵn nhiều bài hát bằng giọng Quảng để hễ có dịp là trình bày. Và hầu như các ca sĩ xứ Quảng nào cũng trữ sẵn ít nhất vài bài hát bằng giọng Quảng để giao lưu, từ “Duyên kiếp” đến “Duyên quê”, “Lâu đài tình ái”, “Nỗi buồn hoa phượng”… Sau những người tiên phong như Ánh Tuyết, Đàm Vĩnh Hưng, thế hệ nghệ sĩ đàn em đồng hương khác đã tự tin hơn khi dự tính phổ biến giọng Quảng trên một số tác phẩm âm nhạc của mình.
Diễn hài bằng giọng Quảng
Các vở diễn hài đáng nhớ nhất của Hoài Linh là ở những sở trường pha tiếng, trong đó, những vở kịch hài mà nhân vật nói tiếng quê cha đất tổ rất duyên của anh đã nâng mức độ nổi tiếng Hoài Linh được lan tỏa sâu rộng hơn. Tất nhiên là giọng Quảng vì thế cũng được nghe đi nghe lại nhiều hơn. Trường Giang, nghệ sĩ đàn em của Hoài Linh, cũng không hổ danh “hậu sinh khả úy”.
Vào Sài Gòn lập nghiệp, Trường Giang khá chật vật tìm kiếm danh vọng cho đến khi tham gia chương trình “Bước chân miền Trung” cách đây 12 năm. Trước đó cái tên Trường Giang ít được biết so với Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, nhưng chỉ sau vở hài kịch “Mười Khó”, Trường Giang chết danh ông già Mười Khó, trở thành gương mặt nghệ sĩ hài hiếm hoi bất ngờ nổi lên sau một chương trình, cũng nhờ nói giọng quê hương.
Giọng rặt Quảng của ông già Mười Khó trở thành “đặc sản” của Trường Giang, đưa anh đi show muôn nơi, ghi tên mình vào danh sách một trong những nghệ sĩ hài ăn khách nhất. Có mấy ai nhờ giọng nói đặc trưng vùng miền mà nổi tiếng, mà đổi đời nhanh như thế!
“Ngày xưa vô miền Nam sống, người ta không có dị nghị mình, chỉ có… không ưa thôi, vì sao mình nói giọng khó nghe đến vậy. Từ khi thực hiện vở Mười Khó và nhiều vở hài khác nói giọng Quảng Nam, người ta bắt đầu yêu mình, mến tiếng quê mình. Đi đến đâu mình cũng tự hào khoe tui là người Quảng ở Tam Kỳ, hãnh diện khi là người con Quảng Nam lắm” - Trường Giang tâm sự.
Không phải đến khi nghệ sĩ nổi tiếng hát, nói giọng Quảng thì người ta mới biết đến những âm sắc đặc trưng của xứ “Ngũ phụng tề phi”, nhưng rõ ràng là những người nổi tiếng đã không ngừng phổ biến, góp phần cho giọng Quảng trở nên dễ hiểu, dễ thương và dễ gần với người xứ khác.
Dù có lẽ, nhiều người cũng không ngờ rằng mình đã vô tình gánh vác sứ mệnh góp phần quảng bá, lan tỏa giọng quê nhà một cách nhiệt thành. Để “khi xưa nói giọng Quảng còn phải giải thích phụ đề này kia, chừ thì ai cũng hiểu rồi”, như lời ca sĩ Mỹ Tâm đùa.