Cùng với sự hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, chị Zơrâm Thị Nhơơnh ở thôn Tà vàng, xã A Tiêng (Tây Giang) đã vực dậy kinh tế gia đình với nhiều cách làm hay được bà con trong thôn học tập làm theo.
Chị Nhơơnh mở quầy tạp hóa buôn bán, kinh doanh thêm để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: HIỀN THÚY |
Chịu khó học hỏi
Nhà nghèo, đông anh chị em, do kinh tế khó khăn nên học hết lớp 2 chị Nhơơnh nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ chăm các em. Đến khi lập gia đình điều kiện càng khó khăn vì vợ chồng không có nghề, không có vốn và chưa có kinh nghiệm làm ăn phát triển kinh tế, trong khi phải cho 3 đứa con đang trong tuổi ăn học.
Từ khi tham gia vào Hội phụ nữ xã, chị Nhơơnh được học tập các phong trào thi đua do hội phát động, nhất là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chị cũng thường xuyên được nghe cán bộ hội giới thiệu về các gương điển hình phát triển kinh tế gia đình, làm kinh tế giỏi, làm thế nào để xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” ở khắp nơi. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn mở tại thôn, xã được chính quyền, ngành chức năng tổ chức ngày càng nhiều để chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Vấn đề hỗ trợ vốn, giống cây trồng, con vật nuôi, phổ biến kiến thức về cách làm các mô hình phát triển kinh tế… cũng được địa phương chú trọng. Nhờ đó, gia đình chị Nhơơnh có điều kiện tiếp cận, học hỏi và áp dụng phát triển kinh tế.
“Nhận thức và hiểu được, để thoát nghèo, cuộc sống không còn khổ cực thì tự chính mình phải biết vươn lên. Phải thoát nghèo mới có cuộc sống ổn định, gia đình mới hạnh phúc, các con mới được ăn học đến nơi đến chốn. Tôi đã bàn bạc với chồng, ngoài thời gian làm rẫy, tôi tranh thủ tham gia lớp tập huấn do địa phương, các Dự án hỗ trợ tổ chức. Rồi học hỏi kinh nghiệm các chị đã làm trước, tìm hiểu mô hình nuôi heo cỏ và làm chuồng cho heo… Có được kiến thức từ các lớp tập huấn và những người đi trước, vợ chồng tôi quyết định phát triển kinh tế bằng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi” - chị Nhơơnh tâm sự.
Mạnh dạn đầu tư
Năm 2013, vợ chồng chị Nhơơnh mạnh dạn gom hết số tiền tích lũy được, mua 2 con heo giống, con bò giống, làm vườn rau, mở quán tạp hóa và trồng 5ha cao su, sào keo, 3 sào lúa nước… Với kiến thức tích lũy được sau thời gian dài chịu khó học hỏi và tham gia các lớp tập huấn, vợ chồng chị Nhơơnh ứng dụng hiệu quả vào mô hình, bước đầu kinh tế ổn định. Đến cuối năm 2015 gia đình chị Nhơơnh đã thoát nghèo bền vững.
Cũng nhờ có sự đồng thuận của chồng, các con chăm ngoan biết giúp đỡ bố mẹ, năm 2017 chị Nhơơnh mạnh dạn mở rộng khu chăn nuôi để đầu tư mua thêm heo giống, tăng diện tích trồng trọt để chủ động nguồn thức ăn… Không dừng lại ở đó, năm 2018, cùng với số tiền gia đình tiết kiệm được bấy lâu, chị vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư mua máy xay sát, vừa giúp các hộ trong thôn không phải vất vả đi xay sát lúa ở nơi khác vừa có thêm cám để chăn nuôi, mà lại có thêm thu nhập cho gia đình.
Chị Nhơơnh cho biết vừa xuất chuồng đàn heo thịt 10 con, hiện gia đình nuôi 5 con heo nái đẻ lấy giống nuôi gối đầu và bán cho bà con trong vùng. Với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi và thêm việc kinh doanh buôn bán, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình chị Nhơơnh thu về 80 - 120 triệu đồng. Nhờ đó, chỉ trong vài năm, từ diện hộ nghèo, gia đình chị Nhơơnh đã vực dạy trở thành điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Có điều kiện kinh tế, vợ chồng chị dựng nhà cửa khang trang, mua sắm vật dụng gia đình đầy đủ, chăm lo cho 3 con ăn học đàng hoàng. Chị Nhơơnh chia sẻ: “Cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Từ khi cán bộ trên huyện xuống hướng dẫn, tập huấn, rồi mình xem trên ti vi thấy có mô hình hay thì chú ý. Mỗi lần người ta họp hành, nghe họ nói làm cách thế này thế kia, mình chịu khó nghe, để ý rồi bắt chước làm theo thôi”.
Chia sẻ với cộng đồng
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Nhơơnh còn là một trong những hội viên phụ nữ tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ hội viên phụ nữ khó khăn trong thôn, xã. Chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cách làm kinh tế, hỗ trợ con giống, vốn vay không lãi cho hộ hó khăn; giúp đỡ người ốm đau, hoạn nạn.
Chị Pơloong Henh - Chủ tịch Hội LHPN xã A Tiêng cho hay, phụ nữ ở đây đã bắt đầu học tập và bắt chước cách vươn lên thoát nghèo của chị Nhơơnh. Hiện đã có 5 - 6 hộ phụ nữ trên địa bàn học tập làm theo mô hình kinh tế này và được chị Nhơơnh nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nên hiệu quả đem lại rất khả quan. Không chỉ là điển hình làm kinh tế giỏi, tấm gương của chị Nhơơnh đã phần nào làm thay đổi cách nhìn của cộng đồng đối với phụ nữ. Nhờ đó, vai trò của chị em phụ nữ trong gia đình cũng được nâng cao đáng kể, góp phần trong việc bình đẳng giới.
Bằng nỗ lực và cách làm hay của mình, nhiều năm liền chị Zơrâm Thị Nhơơnh được bầu chọn là hội viên phụ nữ sản xuất giỏi cấp xã, huyện.
HIỀN THÚY