Chờ người trẻ đầu tư vào nông nghiệp

VINH ANH - QUỐC TUẤN 14/11/2019 11:59

Nông nghiệp là một trong số ít lĩnh vực mà các start-up trẻ tại Quảng Nam được ưu tiên khuyến khích, tạo nhiều cơ hội để khởi nghiệp. Tuy vậy, đến nay khởi nghiệp nông nghiệp vẫn gặp nhiều trắc trở. Hãy lắng nghe những chia sẻ, nhận định về rào cản cũng như cơ hội từ các chuyên gia cùng các “start-up” tiên phong dấn thân trên lĩnh vực này...

Việc tham gia các sự kiện khởi nghiệp khu vực, quốc gia giúp các “start-up” tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Ảnh: A.T
Việc tham gia các sự kiện khởi nghiệp khu vực, quốc gia giúp các “start-up” tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Ảnh: A.T

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao: Start-up cần tôn trọng nguyên tắc “4 chữ S”

Như chúng ta đã biết, vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn nhất nước ta là đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt khốc liệt với biến đổi khí hậu mà cụ thể là nước biển dâng trong tương lai gần. Tôi biết nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu chính ngạch thì bị loại từ vòng “gửi xe” bởi không có tiêu chuẩn. Tôi cho rằng nông nghiệp nước ta từ lâu đã phụ thuộc và quá lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, nhất là thuốc diệt cỏ và chỉ mới “ló dạng” một nền nông nghiệp hữu cơ trong thời gian gần đây.

Công nghệ có thể hỗ trợ gì cho nền nông nghiệp mới này? Tôi nhận thấy hầu hết bạn trẻ khi khởi nghiệp dành nhiều sự quan tâm và đi vào xây dựng các khâu sau thu hoạch hơn là quan tâm đến việc canh tác với các ứng dụng như: Bao bì thông minh, bán hàng online, bán hàng tự động… Điều đó có nghĩa là đa số các bạn quá chú trọng đến các khâu sau khi đã có sản phẩm rồi. Phải nhìn nhận là công nghệ giống nông nghiệp chúng ta yếu quá, điều này thực sự rất đáng báo động và các mặt hàng chủ lực như rau củ, trái cây cần được đầu tư, nghiên cứu công nghệ giống nhiều hơn, đây là một khoảng trống mà các start-up cần khai thác, tìm cơ hội.

Chúng ta đang dần hướng đến một nền nông nghiệp sinh học thay cho nông nghiệp hóa học, ở đó thiên nhiên, môi trường được bảo vệ, đề cao. Vậy người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cần làm gì? Theo tôi nếu những người trẻ có điều kiện về tài chính, nền tảng nhân lực thì hãy thành lập công ty công nghệ chính quy. Tôi từng chứng kiến những trường hợp giám đốc doanh nghiệp nông nghiệp có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia, đối tác về công nghệ dữ liệu, điện toán đám mây nhưng họ không quan tâm vì cho rằng đó không phải thứ mình cần và cuối cùng không bán được hàng vì sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc, không tích hợp được dữ liệu một cách có hệ thống.

Tuy nhiên, khoa học công nghệ vẫn phải gắn với tư duy, nếp nghĩ tập quán canh tác của nông dân và phải có chứng minh bằng kết quả thực sự thì mới thay đổi được thói quen sản xuất của người nông dân. Theo tôi, các start-up khi bắt tay vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển sản phẩm của mình cần tôn trọng nguyên tắc 4 chữ S gồm: “sức khỏe”, “sinh thái”, “sự công bằng” và “sự sống môi sinh”.

Ông Nguyễn Khắc Minh Trí - CEO Mimosa TEK (một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng IoT vào nông nghiệp): Khởi nghiệp nông nghiệp cần sự kiên trì

Với diện tích sản xuất nông nghiệp hiện có trên thế giới, người ta ước tính rằng ngành nông nghiệp phải tăng năng suất lên 70% thì mới đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của con người vào năm 2050, trong khi chúng ta đang đối mặt với biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến năng suất của nông sản. Nền nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua phải đối mặt với vấn đề canh tác thủ công, năng suất thấp, nên phải có các biện pháp tăng năng suất nhưng cuối cùng giá trị lợi nhuận thu được cũng không tăng lên nhiều bởi chi phí bỏ ra quá cao.

Một trong các giải pháp căn bản ở đây là tối ưu nước tưới, tối ưu phân bón nhưng vấn đề là chúng ta lại thiếu đi bước số hóa nền nông nghiệp bởi trí tuệ nhân tạo chỉ “chạy” tốt khi có được bộ data (dữ liệu) tốt. Với kinh nghiệm của một người có thời gian khá dài tham gia khởi nghiệp nông nghiệp (Mimosa TEK là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng IoT vào nông nghiệp), tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm để các start-up trẻ có thể giảm thiểu được phần nào đó, tránh đi vào “vết xe đổ” này. Các dự án cần nghiên cứu kỹ khâu khảo sát thị trường, nhu cầu, mức chi phí mà khách hàng chấp nhận sử dụng, từ đó định hình phân khúc thị trường thay vì chỉ rập khuôn phát triển theo ý nghĩ, tiêu chuẩn của mình - điều này sẽ khiến các “start-up” tiêu tốn nhiều thời gian để cải tạo dự án, sản phẩm. Lan man trong khởi nghiệp là điều cần tránh, nhất là những mảng mình không có kinh nghiệm, chuyên môn, tôi từng tốn tới hai năm rưỡi rẽ hướng khác nhưng thất bại và phải quay lại với trồng trọt.

Khởi nghiệp nông nghiệp là một quá trình dài cần sự kiên trì từ khâu ý tưởng, xây dựng sản phẩm đến việc đem ra thị trường, có thể thất bại rồi phải quay lại cải tiến nên nếu có cơ hội về thị trường thì cần phải tận dụng, khai thác ngay. Tôi biết hầu hết start-up khi khởi nghiệp rất cần vốn nhưng rất nhiều trong số họ không có kinh nghiệm gọi vốn thậm chí không biết cần bao nhiêu. Bởi khi được hỏi rằng dự án mình cần bao nhiêu vốn để xây dựng, phát triển sản phẩm thì họ cũng không có kế hoạch phác thảo cụ thể để trả lời, điều này sẽ khiến dự án vuột mất cơ hội và “đi chậm” lại một cách đáng tiếc.

Các “start-up” trẻ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cần mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng công nghệ để tạo đột phá trong quá trình khởi nghiệp. Ảnh: A.T
Các “start-up” trẻ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cần mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng công nghệ để tạo đột phá trong quá trình khởi nghiệp. Ảnh: A.T

Bà Nguyễn Thị Mẫn Vy - Sáng lập dự án khởi nghiệp mỹ phẩm thiên nhiên Hoa Mẫn Vy: Start-up địa phương còn ít đầu tư về công nghệ

Là một trong những dự án hiếm hoi của địa phương vượt qua các vòng sơ khảo và sẽ được tham dự Techfest Việt Nam tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh vào đầu tháng 12 tới đây, nhưng phải thừa nhận dự án mỹ phẩm thiên nhiên Hoa Mẫn Vy hiện vẫn dựa trên nền tảng thủ công là chính chứ chưa ứng dụng nhiều các giải pháp công nghệ. Qua kết nối, tôi cũng nhận thấy có rất ít các start-up nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng được hàm lượng “chất xám” cũng như các tiến bộ công nghệ vào dự án để nâng cao giá trị, năng lực.

Càng tham gia nhiều sự kiện khởi nghiệp tầm cỡ khu vực hay quốc gia thời gian gần đây, bản thân tôi càng được trải nghiệm sự vượt trội về công nghệ của các start-up ở các địa phương khác khi hầu hết dự án có mặt ở đó đều có sự đầu tư mạnh mẽ các ứng dụng, chuyển đổi số để vươn ra thị trường. Tuy nhiên, các start-up cũng cần có sự cân nhắc và kiên trì về hướng phát triển dự án của mình sao cho phù hợp nhất tận dụng lợi thế bản địa. Trong trường hợp của Hoa Mẫn Vy, thời gian tới dự án vẫn sẽ chủ yếu dựa trên nền tảng thủ công bởi chúng tôi mong muốn phát triển nông nghiệp dược liệu kèm theo khai thác du lịch sinh thái, trải nghiệm từng nhóm khách nhỏ về quy trình sản xuất và sử dụng dịch vụ spa dược liệu tại chỗ.

Về những rào cản phổ biến của các start-up mới bắt đầu hành trình chủ yếu vẫn nằm ở đầu ra, nguồn vốn và cơ chế, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù đơn cử như mỹ phẩm thiên nhiên. Sự hỗ trợ từ Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương đối với các “start-up” non trẻ cũng rất quan trọng bởi từ khi được tham gia OCOP, tiếp cận các sự kiện khởi nghiệp quy mô đã giúp dự án mỹ phẩm thiên nhiên Hoa Mẫn Vy có sự khởi sắc, đột phá nhanh. Các start-up cần được tạo điều kiện tiếp cận với đội ngũ cố vấn, chuyên gia khởi nghiệp trong nước, quốc tế bởi điều này giúp các họ tích lũy kinh nghiệm rất nhiều. Như trường hợp dự án Hoa Mẫn Vy, tôi đã được góp ý cách xây dựng bao bì, nhãn mác, tiếp cận thị trường cũng như kết nối rộng rãi với các đối tác tiềm năng trên cả nước. Các dự án khởi nghiệp cũng cần mạnh dạn tương tác với nhau chia sẻ cơ hội theo phương châm “Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, nhất là các sản phẩm có thể tạo thành chuỗi giá trị. Vừa qua dự án của tôi cũng đã hợp tác với một đối tác ở Đắk Lắk để họ cung cấp thực phẩm phục vụ khách trải nghiệm, ở chiều ngược lại đối tác này sẽ giúp mở rộng thị trường cho sản phẩm của chúng tôi.

Ông Phạm Văn Huệ - Giám đốc HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm: “Nông nghiệp phải hướng đến chế biến sâu”

Nếu xem nông nghiệp gồm 3 bước là sản xuất, sơ chế và chế biến sâu, thì hiện nay các dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu dừng lại ở bước thứ nhất và thứ hai, còn bước thứ ba rất ít. Điều này cũng lý giải một thực trạng là, dù chiếm phần lớn lực lượng lao động nhưng ngành nông nghiệp đóng góp vào GDP rất thấp. Chính vì lẽ đó, ngành nông nghiệp nói chung và các dự án khởi nghiệp về nông nghiệp nói riêng cần tập trung đầu tư theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sâu. Như vậy thì mới nâng cao được giá trị kinh tế mà nông nghiệp mang lại.

Quay trở lại với việc vì sao hiện nay ít dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp theo hướng chế biến sâu. Với sự ưu tiên hỗ trợ mạnh cho nông nghiệp, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất hiếm dự án nào có tính đột phá, phần lớn đều có những điểm chung giống nhau, và đặc biệt là mới chỉ dừng ở khâu sản xuất, sơ chế đơn thuần, ít có những sản phẩm đặc thù, mang giá trị kinh tế cao. Khá nhiều người làm nông nghiệp nhưng chưa đầu tư nghiên cứu, cập nhật kiến thức về nông nghiệp. Một số người thì chỉ chăm chút vào khâu sản xuất mà chưa tìm hiểu kỹ thị trường, dẫn đến sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Đặc biệt, cho dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp nông nghiệp, nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận và thừa hưởng các chính sách đó còn khiêm tốn…

Từ thực trạng đó đòi hỏi các dự án khởi nghiệp về nông nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho khâu chế biến sâu. Phải đa dạng sản phẩm, hướng đến những sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao. Muốn làm được điều đó cần phải có kiến thức về quản lý sản xuất, thực phẩm, phát triển sản phẩm. Đặc biệt cần đồng hành giữa 3 khâu: sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Không thể tập trung vào một khâu mà bỏ qua 2 khâu còn lại. Về tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp khởi nghiệp nên tìm kiếm các kênh bán hàng và mô hình kinh doanh hiệu quả, phù hợp nhất với sản phẩm của mình. Phải hướng đến đối tượng khách hàng khó tính nhất để từ đó hoàn thiện, nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm. Ngoài ra, những thông tin về doanh nghiệp, về sản phẩm cần được hiện diện đầy đủ trên các kênh thông tin như website doanh nghiệp, báo chí, mạng xã hội…,  để đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT: “Cần một nghị quyết chuyên đề về công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nông nghiệp”

Hiện nay nông nghiệp là lĩnh vực được Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hỗ trợ cho khởi nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách vượt trội về thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp nông nghiệp. Điển hình, Quảng Nam là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành và triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, sự hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp chưa kịp thời, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là thiếu thông tin kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp. Ngoài ra, phần lớn mô hình khởi nghiệp đầu tư kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Một số dự án chưa thiết lập được kênh phân phối, chưa xây dựng được chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Phần lớn các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp rất khó khăn về vốn trong khi việc tiếp cận vay vốn rất khó. Quảng Nam cũng thiếu hệ thống các nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm cho nông nghiệp, thiếu hệ thống các chuyên gia hỗ trợ, các cố vấn trên nhiều lĩnh vực cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp.

Từ thực trạng này rất cần Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nông nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, trong đó khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hiện nay, kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 về khởi nghiệp sáng tạo đối với đội ngũ cán bộ còn mới mẻ, chưa cập nhật kịp thời. Vì vậy, rất cần được sự tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ, trước hết là đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay nhiều ngành, nhiều tổ chức cùng phát động phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, thiết nghĩ UBND tỉnh cần xâu chuỗi các đầu mối để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lĩnh vực để huy động sức mạnh nguồn lực này cho công tác khởi nghiệp.

Dư địa phát triển khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất rộng mở. Ảnh: A.T
Dư địa phát triển khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất rộng mở. Ảnh: A.T

Start-up còn e dè

Nằm trong số các lĩnh vực được khuyến khích khởi nghiệp nhưng khởi nghiệp nông nghiệp hay du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thực tế và gặp nhiều rào cản. Chị Bùi Thị Thanh Sương (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cho biết, hiện bản thân vẫn chưa có ý định mở rộng thêm diện tích sản xuất rau thủy canh bởi e ngại sự mạo hiểm từ các yếu tố rủi ro về thời tiết, thị trường. Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Tổ trưởng Tổ Công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Quảng Nam là vùng đất mở, từ mấy trăm năm trước ở vùng đất cảng thị Hội An ông cha ta đã có các mô hình kinh doanh, giao thương mạnh mẽ với người nước ngoài. “Tôi luôn động viên cộng đồng khởi nghiệp trong tỉnh rằng những người khởi nghiệp, trong đầu họ dường như cần có chút điên rồ mới dám dấn thân, đeo đuổi theo dự án của mình” - ông Sinh nói.

Thời gian qua Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, giải pháp hỗ trợ sát sao cho cộng đồng khởi nghiệp địa phương. Theo đó, tổ chức hỗ trợ đào tạo từ ý tưởng xây dựng thành dự án khởi nghiệp hoàn chỉnh, kết nối giúp “start-up” tham gia tất cả sự kiện TECHFEST Việt Nam, TECHFEST vùng. Các dự án khởi nghiệp khi xây dựng thương hiệu bằng cách xây dựng, bảo vệ sản phẩm tùy theo hình thức mà Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho dự án thì Quảng Nam sẽ cấp hỗ trợ kinh phí lại cho dự án 1 lần duy nhất, các dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị thì địa phương cũng nghiên cứu hỗ trợ tiền đổi mới công nghệ, thiết bị hạ tầng (tối đa 300 triệu đồng/mô hình). Tại buổi tọa đàm trao đổi về cách thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch bền vững diễn ra tại TP.Hội An cách đây chưa lâu, bà Hamada Haruko - Viện trưởng kiêm Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển sản phẩm Nhật Bản cho rằng, có vẻ người nông dân chưa tìm cách khai thác hết và để lãng phí khá nhiều bộ phận của các loại nông sản. Đơn cử như cây dâu, tất cả bộ phận của nó đều có tác dụng. Ở Nhật Bản người ta sử dụng lá, cành, vỏ rễ… vào ngành sản xuất dược liệu, mỹ phẩm và tạo ra các sản phẩm chất lượng có giá trị thương mại cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chờ người trẻ đầu tư vào nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO