Tang thương không chỉ bể dâu!

NGUYỄN TRUNG HIẾU 22/11/2019 15:09

Hôm rồi, trong chương trình game show trên một đài truyền hình địa phương, giải thích từ “tang thương”, đáp án không chấp nhận hiểu theo nghĩa “đau thương, thương tâm, thương cảm”, mà giải thích từ trên bị hiểu nhầm ý nghĩa. Đáp án đúng được hiểu tang thương là bể dâu do câu biển xanh biến thành nương dâu, chỉ sự thay đổi lớn trong cuộc sống.

Biền dâu ven sông Thu Bồn. Ảnh : Internet
Biền dâu ven sông Thu Bồn. Ảnh : Internet

Tang thương dâu bể

Trên mục “Lai rai chữ nghĩa” của Quảng Nam Cuối tuần cũng có cách giải thích tương tự và cảnh báo người dùng không nên sử dụng từ tang thương trong trường hợp tang tóc, thương đau… Từ điển Văn Liệu của học giả Long Điền Nguyễn Văn Minh (1941) giải thích: “Tục truyền trong trời đất, cứ dăm trăm năm biến đổi một lần. Nghĩa bóng nói sự thay đổi trong cuộc đời - Bể dâu biến đổi cơ trời/ mà so Hồng Lạc lâu dài ai hơn (Quốc sử ca)”. Rồi trong Tầm Nguyên từ điển (của GS.Bửu Kế) giải thích mục từ Bể dâu như sau: Bể - dùng để chỉ cái gì đó mênh mông, rộng lớn; dâu - ruộng dâu. Theo Thần tiên truyện: Tam thập niên vi nhất biến/ thương hải biến vi tang điền. Có nghĩa cứ ba mươi năm (vũ trụ) có một lần thay đổi - biển cả biến thành ruộng dâu/ ruộng dâu biến thành biển cả. Ví dụ: Trải qua một cuộc bể dâu/ những điều trông thấy mà đau đớn lòng (Kiều).

Cách giải thích từ tang thương như trên tuy đúng, nhưng trong trường hợp này chưa hẳn đủ. Trong Tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính (1971), bên cạnh nghĩa cây dâu, một mục từ khác của tang 丧 được giải thích: Tang tóc, tang ma, và có mục từ thương 傷 được giải thích: thương hại, thương tiếc. Cả hai từ này, đều là từ gốc Hán. Trong Tự điển Hán - Nôm chữ tang - cây dâu được viết có bộ mộc 桑; và chữ thương - màu xanh, được viết 倉, hoặc viết giống thương hại, trong lối viết chữ Trung phổ thông.

Sự so sánh trên cho thấy, ghép hai từ tang thương để chỉ chuyện “vật đổi sao dời” của vũ trụ, của đời sống… thì trong dân gian lâu nay, việc ghép và sử dụng hai chữ đó theo nghĩa thương xót sự mất mát của ai đó, cũng hợp lý lẽ và không có gì sai.

Lang bạt kỳ hồ

Có thể nói rằng, trong kho thành ngữ, điển tích của dân tộc hoặc tiếp biến từ các nền văn hóa khác, nhiều từ bị đọc chệch, hiểu sai do quá trình sử dụng lâu thành quen, hoặc do thanh âm vùng miền... Thậm chí có thành ngữ, nhiều người còn cho rằng, hiện nay sử dụng sai đến mức không còn nhận dạng ra nghĩa gốc của nó. Ví dụ thành ngữ Lang bạt kỳ hồ, trong cuốn Thành ngữ, điển tích, danh nhân tự điển (1966) của Trịnh Văn Thanh viết: “Con lang (chó sói) đạp trên cái bọc da ở trước cổ, nó lúng túng đi không được. Sau này người ta sử dụng những chữ trên đây để chỉ những người hay đi chỗ này, chỗ nọ… thành ra nghĩa đổi khác hẳn”. Kể cả trong Hán Việt Tân từ điển của GS.Nguyễn Quốc Hùng cũng thắc mắc: “Con chó sói giẫm lên cái phần da cổ của nó, lúng túng không biết làm sao. Chỉ sự lúng túng khó xử. Ta lại hiểu là sống trôi dạt đây đó (không rõ tại sao)”.

Theo học giả An Chi: “Xuất xứ thành ngữ Lang bạt kỳ hồ, là một câu trong sách Kinh Thi của Trung Hoa. Điều mà các học giả “không rõ tại sao” chung quy cũng là do từ nguyên dân gian mà ra”. Trong kho tàng văn hóa dân gian, thường ca dao, tục ngữ, thành ngữ hầu hết đều từ truyền khẩu mà thành. Với tầng lớp bình dân, đòi hỏi phải đọc cả bài “Lang bạt ở Thiên Mân Phong” trong Kinh Thi để hiểu đúng câu Lang bạt kỳ hồ thì quả là việc gần như không tưởng. Vả lại với người Việt, con chó sói (lang) là giống động vật không quen thuộc, hiếm thấy. Vì vậy không cần biết được ý nghĩa đích thực của câu đang xét, dân gian liên hệ các thành tố của nó với những yếu tố mà mình đã biết. Từ năm 1957, khi soạn cuốn Từ điển chữ Nôm, học giả Vũ Văn Kính giải nghĩa từ lang - lang thang; bạt - xiêu lạc…  Cho nên nghĩa của thành ngữ trên, được hiểu sống lang thang rày đây mai đó cũng là điều dễ hiểu. Đôi khi trong dân gian, người ta còn lược bỏ hai tiếng kỳ hồ mà nói gọn thành lang bạt để diễn đạt ý nghĩa câu trên. Bộ Từ điển tiếng Việt (1992) gần đây nhất của Viện Ngôn ngữ học biên soạn, được tái bản, chỉnh lý qua các năm, cũng giải thích mục từ lang bạt - sống nay đây mai đó ở những nơi xa lạ. Điều đó có nghĩa nó đã trở thành một đơn vị từ vựng thông dụng trong tiếng Việt.

Trong ngôn ngữ, đặc biệt với tiếng Việt là thứ tiếng nói có sự giao thoa, tiếp biến từ nhiều chủng tộc, nhiều vùng văn hóa như Hán, Mường, Chăm… từng sống chung trên cùng vùng đất, thì đòi hỏi nhất nhất phải đúng theo cách “tầm nguyên, trích cú” rõ ràng là việc bất khả. Đặc biệt với ca dao, thành ngữ, tục ngữ… vốn lưu truyền và có đời sống từ nền văn chương bình dân, vì vậy đôi lúc cần phải hiểu chúng theo cách “nôm na mách qué” của người Việt dân dã, chứ không phải chỉ hiểu theo nghĩa bác học.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tang thương không chỉ bể dâu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO